Công nghiệp ô tô vẫn 'khó lớn'
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có khát vọng biến ngành ô tô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, song một số chính sách về thuế và tài chính khiến cho doanh nghiệp (DN) ngành này vẫn “khó lớn”.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 DN sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là quá nhỏ bé và khiêm tốn so với kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam hiện nay. Trên thực tế, số lượng xe lắp ráp vẫn tăng rất thấp khiến cho Việt Nam phải nhập khẩu xe từ nước ngoài với số lượng không hề nhỏ. Trong khi đó, các động thái về việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015 xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018 đang tạo thành “lực cộng hưởng” khiến cho ngành ô tô nước nhà đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với xe từ các nước trong khu vực.
Nói về câu chuyện tăng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt, ông Nguyễn Trung Hiếu- Trưởng ban Chính sách của VAMA cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô tại Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 65-70% của các nước trong khu vực và mức 80% so với Thái Lan. “Sau gần 20 năm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa xe tải 7 tấn đạt 55%, xe khách trên 10 chỗ đạt 45%, riêng xe cá nhân 9 chỗ đạt 7-10% và chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ năm 2020 là từ 30-40%”- ông Hiếu nhận định và thẳng thắn chỉ ra: Công nghiệp ô tô đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khoảng 20 năm.
Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, rất cần phải có chính sách khuyến khích đột phá, hỗ trợ cho ngành này một cách cụ thể và thiết thực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện để đẩy nhanh nội địa hóa trong thời gian tới.
Cũng nêu lên những bất cập về chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô hiện nay, bà Nguyễn Thị Hải Bình- Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách thuế và tài chính đối với ngành này đang tồn tại 3 vấn đề khiến các biện pháp ưu đãi thuế không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong đó bà Bình nhấn mạnh đến thực trạng thay đổi nhanh và liên tục của chính sách thuế, đặc biệt là các chính sách thuế đối với linh kiện phụ tùng ô tô; sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương, chính sách cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc khiến cho việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô không đạt được như kỳ vọng. Đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng “chậm lớn” của ngành công nghiệp ô tô suốt 20 năm qua. “Đó là chưa kể đến chính sách ưu đãi này có thể là kẽ hở cho một số DN lợi dụng để liên tục mở dự án mới, chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh để hưởng ưu đãi”- bà Bình nói.