Gỡ bỏ những rào cản để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đây là những vấn đề được các đại biểu đưa ra tại buổi họp trực tuyến “Để chính sách bảo hiểm xã hội đi vào thực tiễn” do Báo Nhân Dân tổ chức mới đây.
Để mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện cần gỡ bỏ những hạn chế về chính sách.
Nói về con số lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyệnrong thời gian tới được đề cập trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (gọi tắt là Nghị quyết 28), ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, việc đưa ra các chỉ tiêu trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và trong đó có đối tượng thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện nói riêng, thể hiện quan điểm rất rõ ràng trong việc cần phải đẩy mạnh mở rộng phạm vi bao phủ của chính sách BHXH trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Tuy nhiên qua 10 năm triển khai thực hiện (2008-2018), tính đến 31/12/2018, cả nước mới có gần 280 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 0,55% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Cũng theo ông Nam thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW từ đầu năm 2019, Bộ LĐTBXH đã chủ động phối hợp BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả ước tính đến hết quý 3 năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên hơn 450 nghìn người, chiếm khoảng 0,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, mục tiêu 1% vào năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được. Dù vậy ông Trần Hải Nam cho rằng, việc thực hiện mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn. Đối tượng của chính sách chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động, nông dân, lao động tự do... Họ thường có tính chất công việc không ổn định, mặt bằng thu nhập chung thấp. Do đó, việc trích nguồn thu nhập để tham gia BHXH gặp nhiều khó khăn. Bản thân người lao động cũng đang phải lo trang trải cho các khoản chi phí sinh hoạt trước mắt nên việc tiết kiệm để lo cho tương lai chưa được quan tâm.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 1/1/2018, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể là, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là 276.680 người, với số tiền đã được ngân sách hỗ trợ là 27,6 tỷ đồng. Còn trong sáu tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là 269.153 người với số tiền được hỗ trợ là 28,1 tỷ đồng.
Đánh giá về chính sách hỗ trợ này ông Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ tiền đóng đã được triển khai từ năm 2018 nhưng mức hỗ trợ còn thấp, chưa thực sự tạo động lực để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, đối với những người có khả năng tham gia, việc nắm bắt, tiếp cận các đối tượng để thông tin về chính sách, vận động người lao động tham gia còn nhiều hạn chế. Người dân vẫn còn lo ngại về các thủ tục hành chính, còn chưa biết nếu tham gia thì đăng ký ở đâu, quy trình thủ tục thế nào. Các phương thức thu, nộp BHXH hiện vẫn còn chưa đa dạng và thuận lợi đối với người dân.
Một rào cản nữa theo ông Nam hiện chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất - những chính sách dài hạn. Thí dụ, để được hưởng lương hưu, ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng BHXH. Đây chính là rào cản để người dân chưa thực sự sẵn sàng tham gia chính sách BHXH tự nguyện. Do đó, trong thời gian tới, cần có một số định hướng và giải pháp phù hợp.
Chia sẻ về giải pháp ông Nam cho rằng, trước hết, cần thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập, là cơ sở cho việc tham gia BHXH. Tiếp đó, triển khai cải cách thủ tục hành chính, đa dạng các phương thức thu - nộp BHXH; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tới các địa phương.
“Quan trọng hơn là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, cụ thể thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu. Cũng cần nghiên cứu để bổ sung các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó là điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền đóng phù hợp, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện”- ông Nam nhấn mạnh.