Không có chuyện trách nhiệm vu vơ

Miên Thảo 26/10/2019 08:45

Sau nhiều ngày căng thẳng, hôm 25/10, UBND thành phố Hà Nội chính thức ra thông báo nước Sông Đà đã có thể ăn uống được. Người dân trong những vùng ảnh hưởng thở phào. Người Hà Nội thở phào. Nhưng sau đó, câu chuyện về trách nhiệm và quy trình kiểm soát hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích lại nổi lên. Người ta nói rằng, không lẽ là dịch vụ công ích thì muốn ra sao thì ra, tương tự như việc người dân thụ hưởng dịch vụ công ích được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Không, không thể như vậy được!

Nói như TS Nguyễn Đình Cung (Viện quản lý kinh tế trung ương) thì trách nhiệm nhà nước qua vụ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) ra sao, sau khi buộc phải dừng cấp nước do ô nhiễm nước đầu nguồn. Ông Cung cho rằng, nói đến các sản phẩm, dịch vụ công ích, về trách nhiệm, Nhà nước phải cung cấp đủ, đảm bảo chất lượng cho người dân. Việc cung cấp thế nào do Nhà nước chọn. Nhà nước có thể tự làm hoặc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cho các doanh nghiệp. Nên khi có vấn đề xảy ra, Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước tiên. Khái niệm “Nhà nước” trong vụ việc này chính là các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền được giao trách nhiệm, tiếp sau là doanh nghiệp... của Hà Nội, Hòa Bình.

Cơ quan Cảnh sát điều tra ngày 17/10 đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235, Bộ luật Hình sự, các đầu mối có trách nhiệm đương nhiên là nhiều. Trong đó, phải có UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Đây là những đầu mối đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đích danh trong văn bản chỉ đạo khắc phục sự cố trên. Nhưng, tới thời điểm này, người ta vẫn không thấy một “đầu mối” nào thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm. Doanh nghiệp là đương nhiên, nhưng chẳng lẽ chỉ mình doanh nghiệp chịu trong khi họ hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền, của cơ quan ngành dọc.

Cũng cần nhắc lại, liên quan đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Nghị định 124/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Bộ này chịu trách nhiệm từ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cấp nước đô thị. Đây cũng là cơ quan ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về cấp nước đô thị và khu công nghiệp; hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động này.

Từ đây, một câu hỏi được đặt ra: Nếu Viwasupco là đơn vị cung cấp nước thì vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành ở đâu? Theo Luật Doanh nghiệp (năm 2014), sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, chẳng lẽ cái gì thuộc về “công ích” cũng có quá nhiều “cha” nên khi xảy ra sự cố thì không ai chịu trách nhiệm? Đáng buồn hơn nữa, khi sự cố xảy ra, người ta lại viện cớ nọ cớ kia để đặt câu hỏi cung cấp nước sinh hoạt có phải là “dịch vụ công” hay không? Nếu không (theo kiểu lảng tránh trách nhiệm) thì là :dịch vụ tư” hay sao? Đem sức khỏe con người của vài chục vạn cư dân đô thị ra để tranh luận, đổ trách nhiệm cho nhau thì thật là bất nhẫn.

Cách đây không lâu, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có chuyện “dịch vụ công” ở Công ty thoát nước. Cũng ở thành phố này có chuyện hàng nghìn công nhân vệ sinh từng bị bị nợ lương. Nóng đến độ Phó Chủ tịch UBND TP này phải chủ trì cuộc họp với các đơn vị để nghe báo cáo giải quyết tình hình nợ lương của công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và các công ty dịch vụ công ích quận/huyện.

Nói điều đó để nêu lại ý kiến cho rằng, những người hưởng lương từ công việc “dịch vụ công” quá thấp, từ đó khiến trách nhiệm của họ không cao. Nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng trong lĩnh vực dịch vụ công, những người “cầm cái” có được lại nhuận không nhỏ theo kiểu “tiền chùa”. Tất nhiên không thể dễ dàng quy tội cho ai, nhưng dư luận thì cũng rất cần tham khảo.

Từ đó dẫn đến chuyện đã làm dịch vụ công thì cần phải công tâm, thật sự công ích. Nhất là khi xảy ra sự cố thì phải dũng cảm, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm. Không thể cho rằng cái gì là “công”- công ích, thì trách nhiệm sẽ vu vơ không rơi vào bất cứ ai.

Miên Thảo