Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Tiến độ quá chậm!
Tập trung thảo luận tại tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 chiều 24/10, đa phần Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ đồng tình với việc triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến băn khoăn về tiến độ thực hiện dự án và việc quỹ đất đền bù, tái định cư.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên bà con có nhà ở khu vực giải tỏa cho dự án sân bay Long Thành ngày 16/10/2019.
ACV có đủ kinh nghiệm?
Là người thẩm tra dự án trên, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - phân tích: ACV (Tổng công ty Cảng hàng không) có 95% vốn nhà nước, về nguyên tắc vẫn là công ty cổ phần. Như vậy, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo Điều 22 Luật Đấu thầu và thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ. Việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có. “Chúng tôi ủng hộ ACV vì nếu xét về tiền, có lẽ không ít doanh nghiệp khác có nhiều tiền hơn, nhưng về kinh nghiệm quản lý, đầu tư lĩnh vực xây dựng Cảng hàng không thì ACV chắc chắn ưu thế. Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quyết định này”.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Việc giao cho ACV đầu tư, khai thác là hợp lý, vì ngoài đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia”. Người đứng đầu ngành Giao thông đưa ra phân tích: Hiện ACV có 25.000 tỷ đồng tiền mặt đang sinh lãi, lợi nhuận sau thuế năm 2018 gần 7.000 tỷ đồng, cùng với 3.000 tỷ khấu hao tài sản nhà ga ở 21 sân bay, thì mỗi năm tài sản đơn vị này tăng thêm 10.000 tỷ, dự kiến đến 2025, tổng thu của Tổng công ty khoảng 50.000 tỷ. ACV đã lập kế hoạch chi tiết nâng cấp một số nhà ga ở các cảng hàng không cả nước trong 5 năm tới hết 41.000 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng các khoản thì dự kiến đến 2025, ACV sẽ có nguồn lực khoảng 37.000 tỷ.
Liên quan đến số vốn mà ACV dự kiến đi vay khoảng 2,6 tỷ USD, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Chính phủ đã làm việc với một số quỹ đầu tư nước ngoài và các quỹ này sẵn sàng cho ACV vay với lãi suất thấp mà không cần Chính phủ bảo lãnh. “Họ thấy rằng đầu tư vào sân bay Long Thành là bền vững và thực tế cho thấy các cảng hàng không lớn không bao giờ lỗ. Long Thành là sân bay quốc tế, gắn liền với an ninh quốc gia, không thực hiện đầu tư công thì chỉ tổ chức đấu thầu trong nước. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là phải có kinh nghiệm vận hành sân bay và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia” - Bộ trưởng GTVT cho biết, đồng thời bày tỏ hiện ACV là đơn vị duy nhất ở Việt Nam quản lý 21 sân bay, nên nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì cũng chỉ chọn được đơn vị này xây dựng sân bay Long Thành. Ngoài ACV, không có đơn vị nào đủ kinh nghiệm quản lý sân bay để tổ chức đấu thầu, hơn nữa nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ mất nửa năm để phát hành hồ sơ mời thầu, chấm thầu, công bố kết quả, doanh nghiệp khiếu nại, sau đó, sẽ phải mất thêm một năm làm hồ sơ thiết kế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu đấu thầu, kế hoạch khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ phải lùi lại đến 2022 hoặc 2023, thay vì 2021 như dự kiến. Phương án này làm chậm tiến độ dự án 1,5 năm mà cuối cùng cũng khó chọn được doanh nghiệp nào khác ngoài ACV.
Đề nghị các Đại biểu cân nhắc, ủng hộ, ông Vũ Hồng Thanh nêu thực tế sân bay Tân Sơn Nhất đã tắc nghẽn hết cả, nếu không đầu tư một sân bay mới thì không còn hướng nào để thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo của đất nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính băn khoăn cho rằng: Phải cụ thể hóa Nghị quyết 94 của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu tư dự án một cách tổng thể, trên cơ sở đó xác định thẩm quyền nào thuộc Quốc hội thì Quốc hội quyết, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quyết. “Kể cả vấn đề chỉ định thầu hay đấu thầu cũng cứ làm theo luật, chứ nếu ngồi đây nói Quốc hội cho cái này, duyệt cái kia thì không đúng thẩm quyền được quy định. Quốc hội ủng hộ chủ trương tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp Nhà nước thực hiện dự án, nhưng cần công khai, minh bạch, khách quan” – ông Chính nêu quan điểm.
Đánh giá kỹ việc điều chỉnh diện tích đất
Ngay trước phiên thảo luận tổ, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Chính phủ trình và kiến nghị Quốc hội điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha để đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng, chấp thuận chủ trương bổ sung thu hồi 136 ha đất để thực hiện 2 tuyến giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung 480 ha. Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về Hàng không dân dụng Việt Nam.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Thể lý giải: Về 480 ha đất dùng chung là do “rút kinh nghiệm sân bay Tân Sơn Nhất và một số sân bay, chúng tôi thấy đất dùng chung như vậy là hợp lý, nên Chính phủ trình Quốc hội bố trí 480 ha này để lưỡng dụng, giảm nguồn lực đầu tư, hiệu quả khai thác dân sự và quân sự tốt hơn. Bộ Quốc phòng đã có văn bản bày tỏ sự thống nhất cao về vấn đề này. Cũng liên quan đến việc điều chỉnh quỹ đất lên 1.810 ha, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn: Lẽ ra hồ sơ trình lần trước phải nêu được việc này, vì đây là yêu cầu kỹ thuật tối đơn giản sao không được tính toán hết? Như vậy, về mặt quản lý là chưa ổn.
Giải thích tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT nói rõ thêm: Về giải phóng mặt bằng, giai đoạn 1 cần 1.810 ha, trong đó có 1.200 ha gồm toàn bộ phần đất của Tổng công ty Cao su, không có dân cư, nên khi có phương án giải phóng mặt bằng thì trả tiền cho Tổng công ty Cao su là có ngay đất sạch. Về phía Đồng Nai đã kiểm đếm 7, 8 tháng nay, từ đây đến cuối năm sẽ giải ngân khoảng 2.000 tỷ, còn lại tập trung vào năm 2020, trong đó, cam kết của Đồng Nai là giao đất cho nhà đầu tư vào tháng 10/2020, trong khi kế hoạch là khởi công năm 2021.
Cùng với đó, ông Thể cũng cho biết: Về đất đường băng số 1 và 2, nếu đầu tư 2 tuyến này bằng đầu tư công thì phải bố trí trong giai đoạn 2021-2025, vì nhiệm kỳ này đã phân bổ xong rồi. Mà nếu giai đoạn tới mới bố trí, thì nhanh cũng phải đến năm 2021 mới lập được dự án, khi được phê duyệt phải mất 1 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất, trình HĐND để thu hồi, khi đó giải phóng mặt bằng phải xong trong năm 2020 thì năm 2021 mới có thể triển khai rà phá bom mìn, chuẩn bị vốn, hồ sơ… nên sẽ rất chậm. Do đó, nhà đầu tư ACV cùng Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và Bộ GTVT thấy rằng, nếu đưa 2 đường này vào giai đoạn 1, thì khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ phê duyệt giai đoạn 1 đưa 2 con đường này vào. Mặt khác, nhà đầu tư cũng sẵn sàng bỏ ra 4.800 tỷ để giải phóng mặt bằng và thi công con đường này.
Từ góc độ ĐBQH thuộc đoàn Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu một số băn khoăn khi đề nghị: Giải đáp kỹ bài toán về diện tích đất tăng thêm, để sau này trong tổ chức thực hiện bớt nảy sinh khó khăn. Khó khăn ở đây là: Nếu triển khai sau sẽ dẫn đến chênh lệch chính sách trong thu hồi đất ở tại địa bàn dù đất đó là đất của cao su, nhưng vẫn có một tỷ lệ đất của người dân được giao quản lý trong thời gian vừa qua.
“Như vậy cũng là sân bay Long Thành nhưng có 2 diện tích giải phóng mặt bằng với 2 chính sách khác nhau. Tôi cho rằng, như vậy sẽ gặp khó, vướng trong quá trình thực hiện. Vì vậy, nếu được, nên cân nhắc bổ sung thêm việc giải phóng mặt bằng như Quốc hội đã thông qua và cùng với đó, cần làm rõ cơ chế giao đất đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án thuộc hạng mục 4 mà trong báo cáo tiền khả thi có nói là các dự án hợp tác đầu tư hoặc khai thác... Việc này cần cân nhắc bởi nó liên quan đến việc thu hồi đất của dân và sau này được giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án như thế nào” - ông Thưởng phân tích và nói thêm: “Đối với người dân, nếu nói vì sân bay Long Thành thì người ta di dời sớm để phục vụ cho mục tiêu này. Làm sân bay Long Thành nhưng trong đó cũng có những dự án thuần túy là kinh doanh, dù là kinh doanh phục vụ cho sân bay cũng là kinh doanh. Đây là vấn đề cần phải hết sức chú ý, chứ sau này Đồng Nai làm công tác tư tưởng với dân khó lắm”.
Phương án thiết kế Long Thành giai đoạn 1. Ảnh ngày 12/2/2019.
Tăng cường giám sát để không lặp lại bài học đau xót về mất cán bộ
Có nhà đầu tư, có quỹ đất để xây dựng nhưng trong quá trình xây dựng thì khâu đảm bảo kỹ thuật thế nào? Đền bù, thu hồi đất và quản lý tiền đầu tư làm sao cho công khai, minh bạch - đó cũng là những vấn đề được nhiều ĐBQH đặt ra trong phiên thảo luận.
Vì sao lại vậy? Báo cáo trước Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng), nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác. Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, đây là dự án thuộc đối tượng được bảo lãnh của Chính phủ nên các khoản vay sẽ được tính vào nợ công. Mặt khác, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào, Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV” - ông Thanh cho biết.
Trở lại với câu chuyện quỹ đất cho Long Thành tăng thêm mấy trăm ha, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Về việc tăng thêm 136 ha cho 2 đường, Chính phủ cần nêu rõ tại sao phải cần thêm 136 ha nếu chỉ làm 2 tuyến đường. 2 dự án này có nằm trong sân bay Long Thành không thì cân nhắc thêm. Ông Hiển cũng cho rằng Chính phủ chưa làm tốt tinh thần của Nghị quyết 94. Bên cạnh đó, ông Hiển băn khoăn vấn đề là tiến độ thế nào? Ông cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến ghi rõ đảm bảo tiến độ, bồi thường giải phóng mặt bằng vì nếu giải phóng chậm thì giá lên. “Cái này mà chậm thì thi công chậm, Chính phủ phải đảm bảo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tiến độ. Đồng ý tiến hành giai đoạn 1 đã được quy định. Quốc hội làm đúng vai của mình và yêu cầu Chính phủ làm đúng vai”- ông Hiển nói.
Từ cương vị công tác, khi nói về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh: “Công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công… Kinh nghiệm và qua thực tế thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc xử lý hậu quả sẽ khó lường” - ông Khái đề nghị Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án. Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý mất cán bộ”.
Sân bay Long Thành đạt cấp 4F
Ngày 25/6/2015, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, Nghị quyết nêu mục tiêu: Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nhằm để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư: Khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành Hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất của Dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Thời gian và lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/ năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/ năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác; Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/ năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/ năm; Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/ năm và 5 triệu tấn hàng hóa/ năm.
Giải phóng mặt bằng quá chậm
Vấn đề hiện nay đang “tắc” chính là quá trình giải phóng mặt bằng đang diễn ra chậm trễ. Chính vì thế, các ĐBQH cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm triển khai dự án. Bởi tính đến tháng 8/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%).
Trước khi Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ 8, ngày 16/10/2019, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực địa công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; quy hoạch, thiết kế khu tái định cư; trò chuyện, tìm hiểu nguyện vọng của đại diện bà con nhân dân phải tái định cư thuộc dự án sân bay Long Thành. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có sự tham gia của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Nếu không quyết liệt, không có các giải pháp hữu hiệu sẽ không thực hiện được nhiệm vụ chung đã đề ra. Phải làm sao bảo đảm đủ mặt bằng cho thi công giai đoạn 1 trong năm 2020, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong năm 2021”.
Phương án thiết kế LT-03- được chọn- ảnh chụp ngày 13/3/2017.
9 phương án thiết kế chọn 1
Cuối tháng 11/2016, Bộ GTVT và ACV bắt đầu trưng bày 9 phương án thiết kế cho sân bay Long Thành để xin ý kiến nhân dân. Đến 22/9/2017, lãnh đạo Bộ GTVT đã trao giải thưởng cho ba phương án kiến trúc Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gồm thiết kế cách điệu hình Lá dừa nước (LT-07); Hoa sen (LT-03) và Vật liệu tre (LT-04). Đến tháng 3/2018, Bộ GTVT chính thức có văn bản thống nhất chọn phương án LT-03 của Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc) là phương án thiết kế nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành để triển khai các bước tiếp theo.