Nhà thơ Trần Huy Minh Phương: Mở lòng thì được tất cả
Từ những điều giản dị gần gũi trong cuộc sống, Trần Huy Minh Phương mong muốn giải đáp được nguyên do của những nỗi khổ, những nhân duyên đến và đi, làm thế nào để duy trì sự thương mến cảm thông với những thân phận người, có thể chấp nhận được mọi hoàn cảnh số phận mang lại…
Nhà thơ Trần Huy Minh Phương.
Chúng ta bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: Anh đã làm gì để cuộc sống của anh được vui?
Nhà thơ Trần Huy Minh Phương: Tự điều tiết cảm xúc, luôn tìm nguyên nhân cho bản thân vì sao buồn? Vì sao vui? Vì sao có? Vì sao không? Chuyện đó có đáng phải như vậy hay không?... Từ đó tự tạo cho mình nhịp bình ổn giữa nhịp đời thường. Biết đủ là đủ, đó là an vui!
Thực ra mở lòng, hẳn là có tất cả, từ tích cực lẫn tiêu cực nữa, vậy làm sao để giữ được tâm an và định?
- Muốn giữ được tâm an và định thì rất khó, chỉ mang tính tương đối, nhẹ nhàng thôi. Còn để an và định thực sự chỉ có những bậc chân tu. Khi chúng ta mở lòng mình với đối tượng, với cuộc đời thì hẳn nhiên sẽ có đáp trả lại tín hiệu ấy, vui hay buồn, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào sự mở lòng của mình đối với người, vật (trong quá trình tiếp duyên xúc cảnh).
Nhìn sâu xa hơn vào từng con chữ của anh, tôi thấy vẫn nhiều nặng lòng và còn nhiều buồn trong ấy?
- Dĩ nhiên nặng lòng và buồn, buồn miên man, buồn mải miết, buồn âm ỉ và bất tận. Tuy vậy, buồn hay vui cũng là cung bậc của đời, của người. Nhưng buồn không bi lụy, vui không phát cuồng, đó mới là điều suy ngẫm. Buồn để nhủ lòng vượt qua, buồn của mình, của người cùng san sẻ, cùng dìu nhau khỏi bến mê lầm, xa lìa dần ích kỷ, buông xả, biết sống vì người, vì tập thể, vì cộng đồng thì cái buồn được hóa khói bay lên và niềm vui sẽ có mặt.
Dường như anh đang tìm sự giải thoát từ chữ nghĩa, nhưng vẫn đang trên đường, vậy có khi nào anh lạc lối không?
- Chữ nghĩa cần và luôn cho nó được giải thoát mới mẻ, thanh tao! Tôi vẫn đang trên đường tập tành viết lách. Viết cho mình, cho người. Viết và học hỏi, đọc và nghiền ngẫm để mình viết tốt, tròn trịa hơn cái đã viết. Vẫn cố gắng và mong như vậy!
Từ khi nào anh đi vào tìm hiểu, cũng như thực hành lời Phật dạy?
- Từ nhỏ tôi đã từng thấy ông nội tụng kinh, niệm Phật, lần tràng hạt rất thành khẩn. Thời trai trẻ ông làm cách mạng, sau làm thầy giáo, về già thì tu tại gia. Khi ông nội mất năm 2004, tôi nghe học trò ông nội hiện tại là thầy tụng, đã tụng kinh siêu độ cho ông, người học trò thầy tụng kia đã khóc và những lời kinh, câu sám gieo trong lòng tôi hai chữ “vô thường” làm tôi bàng hoàng, như tỉnh dậy sau cơn mớ ngủ rất lâu. Sau đó ít tuần, tôi đã quy y Tam Bảo và học giáo lý từ chùa, tham gia khóa tu ngắn ngày với cô chú Phật tử, tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử… rồi tự thân tìm tòi.
Anh dựa vào kinh sách hay có vị Thầy nào dẫn đường cho anh không?
- May mắn là tôi được gần gũi quý Tăng, Ni, quý Thiện tri thức nên có những điều chưa hiểu thì được quý ngài chỉ dẫn tận tường. Lúc đầu, tôi có tham gia học giáo lý Phật giáo căn bản tại chùa Đại Giác (Sóc Trăng). Lại nữa, tôi thích đọc, tụng kinh và tìm hiểu kỹ. Hồi trước, nghe giảng pháp từ băng cassette, đọc sách, sau này thì qua mạng internet và đi tìm Minh Sư… Tìm mãi rồi cũng gặp!
Cuộc sống của anh khi có đạo Phật đã diễn ra như thế nào?
- Đạo Phật là ánh sáng cho tôi ra khỏi bóng đêm vô minh. Nhờ Phật pháp mà tôi đã thay đổi rất nhiều, buông dần cái tôi, hiểu hơn về nhân quả, sám hối nhiều để cải thiện nghiệp xấu của chính mình từ quá khứ cho tới hiện tại. Từ đó bệnh về thân giảm và vắng dần, bệnh về tâm được vơi từ từ. Dĩ nhiên vẫn còn, nhưng phải cố gắng hành trì như lời Phật dạy để chuyển hóa cho mình ngày một tốt hơn, cân bằng cuộc sống hơn.
Còn việc sáng tác bắt đầu như thế nào?
- Việc sáng tác được bắt đầu từ khi tôi yêu thích môn Văn, từ năm lớp 8, 9 đã manh nha tình yêu ấy. Thật sự từ những năm học cấp ba với thầy dạy Văn đầy truyền cảm đã gieo trong tôi tình yêu văn chương sâu sắc. Tôi tập viết và gửi thơ, văn cho báo đài. Tuy nhiên, lúc đầu là gửi kiểu tự phát, không chọn lọc, chưa biết “gu” của mỗi tờ tạp chí, báo, đài nên trớt quớt, thư đi tin không lại. Kể từ năm 1998 thì tôi có bài đăng. Bài thơ đầu tiên được đọc trên sóng phát thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình Văn nghệ Thiếu nhi, đó là bài thơ “Hương xuân”, ít sau được nhận nhuận bút từ bài thơ ấy. Tôi rất vui, sung sướng òa khóc! Lấy tiền đãi bạn bè ăn kem. Còn bài thơ trên đài thì được bác Tư tôi nghe trong lúc làm thợ mộc, bác đã tới nhà tôi thông tin cho ba tôi hay, ba tôi với bác ngồi uống trà vui và chờ tôi đi học về hỏi “vặn vẹo” việc học hành và hỏi có phải tôi có “sáng tác” thơ văn gì hay không…
Anh muốn chuyển tải tư tưởng chung gì qua mỗi tác phẩm của mình?
- Tôi luôn tâm niệm, sáng tác những gì đem lại ý nghĩa, hướng thiện, làm lành, khơi mở được những gì tốt đẹp của mỗi người chúng ta trong cuộc đời này.
Khi chọn việc hoằng pháp Phật giáo như trong lời giới thiệu cuốn sách “Mở lòng thì được tất cả”, anh đã chuẩn bị cho mình những hiểu biết và tâm thế như thế nào?
- Tôi chưa bao giờ có ý là “hoằng pháp Phật giáo” vì biển pháp mênh mông, sự tu học cạn cợt, mà chỉ là những chia sẻ, trải nghiệm, gặp gỡ giữa mình với người, giữa những chuyện nghe, thấy, biết được nên “kể” lại nhẹ nhàng. Thực tế, Phật pháp đã cải thiện cho mình và nhiều người, đã làm cho đời sống nhẹ nhàng hơn. Phải có kiến thức căn bản về Phật giáo, tuy nhiên pháp của Phật “đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, không trải qua thời gian, người trí tự mình giác hiểu”. Pháp để hành trì chứ không để ký luận, đem ra luận bàn suông để phân tích, đánh giá đúng sai hay dở. Ai ăn nấy no, ai tu nấy biết ạ!
Anh có nghĩ khi chưa đi đến tận cùng và đạt được giác ngộ, thì những lời anh nói ra vẫn không phải là con đường sáng, vẫn lạc lưới mê không?
- Chỉ có Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là bậc hoàn toàn giải thoát rốt ráo, chứng ngộ Niết-bàn. Ngài đã dạy lại cho đệ tử từ xuất gia cho tới tại gia con đường thành tựu ấy như Ngài. Nếu ai làm đúng, kiên trì, có niềm tin bất động thì sẽ thành tựu, lâu hay mau tùy ở mỗi căn cơ, nghiệp quả, sự tinh tấn hay biếng lười ở mỗi cá nhân… Khi nào chúng ta luôn tham lam, ích kỷ, sân, si và muốn mãi về mình thì lưới mê đã giăng, sự chấp trước có mặt, con đường sai đã sẵn hố than hừng. Do đó, cẩn ngôn và thực tập không ngừng vẫn là điều thiết yếu. Lành thay, gặp được thầy lành bạn tốt thì rõ biết con đường chánh pháp. Mình đã đi ra con đường tối, gặp người đi vào con đường hiểm, người ấy có duyên với mình thì mình nên đúng thời, đúng nhân duyên, đúng người mà chỉ bày cho người ta ra khỏi nơi hiểm nạn đó mới là từ tâm giải thoát dựa trên trí tuệ.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Nhà thơ Trần Huy Minh Phương sinh năm 1979 tại Sóc Trăng, bắt đầu sáng tác từ năm 1996, đã xuất bản: Gió mặn (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014), Túi (tản văn, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2016), Một hơi thở một đời người (tản văn, NXB Văn hóa Văn nghệ & Phương Nam Book, 2018), Mở lòng thì được tất cả (2019, NXB Lao động & ChiBooks, 2019). Hiện là phóng viên, công tác tại tuần báo Văn nghệ TPHCM.
Giải thưởng: Giải Nhất kì 11 cuộc thi viết ngắn Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2007, báo Sóc Trăng), giải Ba Thơ Mùa xuân (2011), giải Nhì Truyện ngắn Mùa xuân (2011), giải Ba Thơ Cánh Buồm (2011), giải Tư Thơ ca và nguồn cội lần 2 - Làng Chùa (2011), giải Ba Nói lời tri ân (Diễn đàn trao đổi Phật học Vườn Tâm, 2012), giải Ba Cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần V/2012-2013, giải Nhì (không có giải Nhất) thể loại thơ Cuộc thi sáng tác văn học trên báo Văn nghệ Thái Nguyên (2014–2016), Giải Lục bát trăng Bạc cuộc thi thơ Tổ quốc và Đạo pháp (2016), giải Tư cuộc thi Thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội (2015–2016), giải Nhì (2016) và giải Nhất (2017) cuộc thi Viết về cánh đồng quê hương (Đài phát thanh truyền hình Sóc Trăng, 2016–2017).