Phòng chống bệnh không lây nhiễm
Bộ Y tế vừa phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VIII năm 2019 với chủ đề “Quản lý các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở ở các nước Đông Nam Á”.
Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VIII năm 2019.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - nhấn mạnh: Bệnh không lây nhiễm (KLN) đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ở Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh KLN gây ra 73%, trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi, khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư. Bên cạnh đó, các bệnh KLN còn gây tàn phế nặng nề, rối loạn tâm thần, trầm cảm, sa sút trí tuệ, tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh: Vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (9,4gram/ ngày), tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%... Trước thực trạng đó, để khống chế, đẩy lùi bệnh KLN, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh KLN khác giai đoạn 2015-2025” - bà Xuyên nói.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Trong năm 2016, bệnh KLN gây ra 71% (41 triệu) trong tổng số 57 triệu người tử vong trên toàn cầu, nguyên nhân chính gây ra các tử vong này là bệnh tim mạch chiếm 44% trong tổng số tử vong do bệnh KLN; ung thư chiếm 22% tổng số tử vong do bệnh KLN, 16% tử vong toàn cầu; bệnh phổi mạn tính chiếm 9% tổng số tử vong do bệnh KLN, 7% tử vong toàn cầu và đái tháo đường chiếm 4% tử vong do bệnh KLN và 3% tử vong toàn cầu. Theo WHO, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
Với chỉ đạo mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, Việt Nam đã đạt được 9 trong 19 chỉ số đánh giá tiến độ và năng lực đáp ứng quốc gia về phòng chống bệnh KLN và đang triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết, Chương trình hành động, Đề án về tăng cường y tế cơ sở để đáp ứng với bệnh KLN…
Chia sẻ về vấn đề quản lý các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế xã, ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - cho biết: “Các loại thuốc biệt dược, có hiệu quả cao trong điều trị các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế vẫn còn thiếu. Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động trọng tâm nâng cao năng lực chuyên môn, giảm yếu tố nguy cơ, thực hiện hướng dẫn chuyên môn, khám và phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, đồng thời, tiếp tục cập nhật, ban hành các hướng dẫn chuyên môn. Đặc biệt, y tế cơ sở phải là đơn vị chính trong quản lý các bệnh KLN.
Ở Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh KLN gây ra 73%, trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi, khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư. Bên cạnh đó, các bệnh KLN còn gây tàn phế nặng nề, rối loạn tâm thần, trầm cảm, sa sút trí tuệ, tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.