Điểm sáng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Thời gian qua, lượng du khách đến với Hà Giang tăng mạnh. Tiềm năng du lịch được khai thác đúng hướng đang trở thành “điểm sáng” bởi việc kết hợp xây dựng Làng Văn hóa Du lịch tiêu biểu (LVHDLTB) gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) của mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang.
Dưới cột cờ Lũng Cú.
Hà Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên của vùng núi đá hùng vĩ, có cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh, là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ 19 dân tộc với những đặc trưng riêng. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục riêng, độc đáo, khó nơi nào có được. Khởi hành từ thành phố Hà Giang theo cung đường Hạnh Phúc độc nhất vô nhị đến Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... du khách có thể chiêm ngưỡng những phong cảnh hấp dẫn được thế giới vinh danh.
Nhằm thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ năm 2012 tỉnh Hà Giang đã chính thức triển khai xây dựng LVHDLTB gắn với xây dựng NTM. Trên cơ sở 10 tiêu chí do UBND tỉnh Hà Giang xác định, các huyện, thành phố đã tiến hành lựa chọn một làng mang đậm bản sắc các dân tộc để đầu tư xây dựng thành LVHDLTB gắn với xây dựng NTM nhằm đảm bảo phục vụ khách du lịch. Đến nay, 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng đề án, ban hành Nghị quyết chuyên đề và thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch của huyện, thành phố. Xây dựng bộ tiêu chí về công việc của gia đình, thôn, xã trong xây dựng LVHDLTB gắn với xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang đã ra mắt 36 Làng Văn hóa Du lịch Cộng đồng, có 10 làng thuộc 8 huyện đã được UBND tỉnh Hà Giang công nhận đủ tiêu chí LVHDLTB gắn với xây dựng NTM. Một số làng thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan như: thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ), thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần), thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn)…
Theo Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Hà Giang Vàng Seo Cón, phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết toàn dân, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, qua đó đã phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt là vận động bà con đồng thuận xây dựng LVHDLTB gắn với xây dựng NTM. Đến nay, có thể kể tới thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần - một “điểm sáng” trong xây dựng LVHDLTB gắn với xây dựng NTM Hà Giang. Hệ thống đường giao thông và các công trình cộng đồng ở thôn Nà Ràng đã được quan tâm đầu tư, người dân tích cực, tự giác bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để tạo sức hút đối với du khách. Chủ tịch UBND xã Khuôn Lùng Hoàng Văn Dũng cho biết: Tháng 11/2016, xã Khuôn Lùng được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đóng góp vào kết quả chung đó có một phần quan trọng từ chủ trương gắn phát triển du lịch với xây dựng NTM tại thôn Nà Ràng nói riêng và toàn xã nói chung. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đã đạt trên 22 triệu đồng/người/năm.
Nằm ở cửa ngõ Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Quản Bạ thực hiện chủ trương về xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển du lịch. Thị trấn Tam Sơn đã tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thôn Thượng Sơn, nơi có 100% người dân tộc Dao, được thị trấn lựa chọn thí điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích từ việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và phát triển du lịch cộng đồng.
Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn Lệnh Phong Điền chia sẻ: “Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng là mô hình mới tại địa phương. Chính vì vậy, chúng tôi xác định thực hiện tốt các tiêu chí: Môi trường, an ninh trật tự, giáo dục, y tế, văn hóa… Xây dựng ít nhất 1 homestay, có sản phẩm du lịch đặc thù, cung ứng các dịch vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, hoạt động vui chơi. Xây dựng nơi trưng bày và bán sản phẩm của địa phương, sản phẩm lưu niệm, chú trọng xã hội hóa, không nóng vội, không huy động quá sức dân”.
Không gian Làng Du lịch Cộng đồng Nặm Đăm, huyện Quản Bạ, Hà Giang.
Tại huyện Mèo Vạc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mèo Vạc Vàng Mí Dình nhấn mạnh: “Bằng việc đổi mới công tác tuyên truyền cùng với hoạt động của các tổ chức thành viên được nâng cao, Ủy ban MTTQ huyện Mèo Vạc đã phát huy được tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân. Với phong trào vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM, vệ sinh môi trường, xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp… Đến nay, toàn huyện có 76/199 thôn, khu phố Văn hoá và 1 Làng Văn hóa Du lịch Cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Để thu hút du khách về huyện Bắc Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bắc Quang Lục Minh Thắng nêu giải pháp: “Xây dựng NTM kiểu mẫu là được giao quyền tự chủ, tự quản cho các tổ chức Đảng, chính quyền và người dân ở mỗi thôn bản.
Trong đó, có quyền tự chủ về phát triển kinh tế theo đặc thù, thế mạnh địa phương được chọn lọc và quyền tự quản về trật tự, an ninh, an toàn xã hội với mục tiêu làng bản êm ấm, tươi vui, vùng quê xanh mát, trong lành; coi trọng phát triển các ngành nghề truyền thống như: Làm thuốc Nam, rèn, đúc công cụ, dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre... Chúng tôi đặc biệt lưu ý là phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân gian như, hát cọi, lễ hội Lồng tồng, coi đó là sự khác biệt, là đặc sản riêng có ở mỗi vùng quê, vùng đất để thu hút du khách trong nước và quốc tế về Bắc Quang”.
Phát triển du lịch cộng đồng còn phải nhắc tới sự chung tay của Đoàn Thanh niên các cấp ở Hà Giang, trong việc phối hợp với Hội Phụ nữ xây dựng cảnh quan, môi trường, thu hút khách du lịch, kết nối doanh nghiệp quảng bá văn hóa ẩm thực, hướng dẫn người dân phát triển chuỗi thực phẩm an toàn gắn với du lịch trải nghiệm... Đến nay, tỉnh Hà Giang đã có 8 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, 256 cơ sở lưu trú du lịch với không ít chủ đầu tư là thanh niên.
Ông Vàng Seo Cón cho rằng: Mô hình của Làng Văn hóa Du lịch Cộng đồng đã thu hút đông đảo du khách đến Hà Giang, làm thay đổi diện mạo làng quê, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa. Và điều đáng tự hào nữa: Mỗi ngôi làng còn là nơi lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.
Những minh chứng trên đã cho thấy việc triển khai xây dựng LVHDLTB gắn với xây dựng NTM tại Hà Giang là sự kết hợp không chỉ giúp khai thác có hiệu quả những tiềm năng lợi thế của các địa phương mà còn nâng cao thu nhập, phát triển đời sống người dân và đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM.
10 năm thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” (2010–2019), tỉnh Hà Giang huy động được trên 8.491 tỷ đồng. Nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM do ngân sách TƯ hỗ trợ trên 1.620 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 702 tỷ đồng; lồng ghép các nguồn vốn khác đầu tư trên địa bàn tỉnh 3.609 tỷ đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi 350 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp đầu tư trên 22 tỷ đồng; vốn cộng đồng dân cư đóng góp 1.170 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa khác gần 991 tỷ đồng. Đến nay, đã có 33 xã đạt chuẩn NTM; toàn tỉnh nâng cấp và làm mới 5.923 km đường giao thông nông thôn các loại; cải tạo, nâng cấp 1.398 phòng học; xây mới 774 nhà văn hóa thôn; cứng hóa, di dời chuồng trại 38.564 công trình; xây dựng bể nước sạch cho 38.862 hộ; hỗ trợ hàng nghìn hộ dân phát triển kinh tế... Nhân dân hiến trên 3.093.344 mét vuông đất và đóng góp trên 2.896.836 ngày công.