Chiếc bánh mì, cốc cà phê… cũng sẽ thanh toán trực tuyến

An Bình 27/10/2019 08:23

Mặc dù được đánh giá có nhiều lợi ích như tiện lợi, nhanh chóng trong giao dịch… song phương thức thanh toán trực tuyến – thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa được người dân lưu tâm. Phần lớn người tiêu dùng vẫn sử dụng tiền mặt để chi trả mọi dịch vụ, từ học phí, viện phí cho đến tiền điện, nước…

Chiếc bánh mì, cốc cà phê… cũng sẽ thanh toán trực tuyến

Người dân vẫn chưa mặn mà với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Quang Vinh.

Người dân đi du lịch hay vào viện vẫn ôm cả bọc tiền

“Chẳng giấu gì các cô, chồng tôi bị bệnh phải nằm viện dài ngày, tôi vay mượn hàng xóm láng giềng được chục triệu đồng giờ ăn trực nằm chờ ở trên này cũng mất ăn mất ngủ, chỉ sợ bị kẻ gian móc mất” – chị Hoàng Thị Thu (quê ở Vĩnh Phúc) chia sẻ với chúng tôi khi đang chăm chồng tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Khi được hỏi cầm tiền mặt nhiều như vậy không an toàn, chị Thu cho biết: Vay được tiền là nhanh chóng khăn gói đưa chồng lên Hà Nội chữa bệnh ngay, chứ còn mất thời gian vào ngân hàng làm các thủ tục để có cái thẻ nữa thì cũng mệt. “Vả lại, tâm lý chúng tôi là cứ tiền tươi thóc thật mới an tâm, cầm cái thẻ bé tí ở tay đi chữa bệnh vẫn thấy cảm giác như người “vô sản” – chị Thu nói.

Bà Nguyễn Minh Tâm (ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Đi du lịch lúc nào trong người cũng phải cầm dăm, bảy triệu mới được. “Sểnh nhà ra thất nghiệp, nên cứ phải có tiền mặt trong người rồi đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Cầm cái thẻ nhỡ đang lúc cấp bách không rút được tiền, hay nhà hàng chỗ mình đến không có công cụ để thanh toán thì mình ăn vạ người ta làm sao được” – bà Tâm chia sẻ. Đó cũng là lý do của nhiều người dân Việt Nam hiện nay, đi đâu làm gì cũng phải có một khoản tiền mặt “kha khá” trong người thì mới yên tâm.

Mặc dù có vô vàn lợi ích từ việc thanh toán bằng thẻ, không sử dụng tiền mặt, song có đến 90% dân số Việt Nam hiện nay vẫn giữ tâm lý “chỉ sử dụng tiền mặt mới an tâm”. Tất cả các dịch vụ công như thanh toán viện phí, học phí, điện nước đã được nhà quản lý khuyến khích thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên theo quan sát của PV, các dịch vụ này vẫn chủ yếu được người dân thanh toán bằng tiền mặt.

Tại các bệnh viện, phần lớn người dân vẫn thực hiện việc thanh toán viện phí bằng hình thức xếp hàng để trả tiền mặt trực tiếp, rất ít người thực hiện thanh toán qua thẻ. Đại diện Bộ Y tế cũng từng thừa nhận: Trên thực tế, để thực hiện được việc thanh toán bằng thẻ thì người bệnh vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, vẫn phải mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản ở một hạn mức nhất định thì mới được khám chữa bệnh. Do đó, có một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã không thể duy trì thanh toán viện phí bằng thẻ sau một thời gian áp dụng, do quá ít người thực hiện thanh toán theo hình thức này.

Chiếc bánh mì, cốc cà phê… cũng sẽ thanh toán trực tuyến - 1

Ảnh minh họa.

Phủ sóng đến vùng sâu vùng xa

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên -Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - cho biết: Mặc dù được coi là quốc gia có tốc độ thanh toán điện tử đứng đầu thế giới, song, do xuất phát thấp, nên cho đến thời điểm này, giao dịch tiền mặt vẫn “là vua” khi chiếm đến 90% giao dịch.

Trên thực tế, phần lớn người dân hiện nay vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Mặc dù số thẻ ATM đến tay người dân là không hề nhỏ, nhưng có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là rút tiền tại máy ATM, 10% còn lại mới dùng để thanh toán qua POS. Gần đây, mặc dù sàn thương mại điện tử cũng đã phát triển rất nhanh, song hầu hết người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt lúc nhận hàng với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán.

Số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Phương thức thanh toán trực tuyến ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, giao dịch không dùng tiền mặt trong tổng số giao dịch mới chỉ đạt mức trên 5%. Việc mua bán, trao đổi sản phẩm, dịch vụ qua mạng dù phát triển nhanh và mạnh những năm gần đây, song phần lớn vẫn giao dịch bằng tiền mặt. Điều này được lý giải một phần vì thói quen của người dân, mặt khác vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra nhận thức của người dân về những tiện ích có thể thanh toán khi không dùng tiền mặt còn hạn chế. Đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ cần phải song hành phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, chứ không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và thực hiện mục đích rút tiền mặt.

Thúc đẩy thanh toán trực tuyến là mong muốn của nhà quản lý trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Chính bởi vậy, để đẩy mạnh phương thức thanh toán này, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho thanh toán hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông. Theo các chuyên gia, nếu phát triển hình thức thanh toán này, độ phủ là rất lớn, không chỉ ở thành thị mà còn lan tỏa đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khắp cả nước, bởi tài khoản viễn thông có độ phủ rất rộng. Theo ông Phạm Trung Kiên, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thực hiện các giao dịch, thì những giao dịch dù nhỏ nhất như mua chiếc bánh mì, cốc cà phê, tấm vé gửi xe… cũng sẽ không cần sử dụng tiền mặt. “Chắc chắn người dân chưa bao giờ nghĩ đến họ chi trả những khoản lặt vặt bằng giao dịch trực tuyến, họ chỉ có thói quen sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán những món hàng lớn như mua điện thoại, tivi, xe máy, ô tô… Nhưng với việc thanh toán bằng tài khoản viễn thông thì khác, những chi tiêu nhỏ nhất cũng sẽ được thực hiện không dùng tiền mặt” – ông Kiên nói và cho biết rõ hơn: Các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay mới phục vụ được 30% dân số, nhưng mobile money (tài khoản viễn thông) sẽ có thể tiếp cận được đến 70% dân số. Tại Nhật Bản hiện nay có đến 40% thuê bao di động sử dụng mobile money hàng tháng để chi tiêu cho các món hàng cực nhỏ.

Tất nhiên để thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân hiện nay không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là nhà quản lý phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo cảm giác thoải mái thuận tiện nhất cho người tiêu dùng khi họ sử dụng các dịch vụ thẻ. Còn nếu vẫn có tình trạng đứng xếp hàng thanh toán tiền ở các nhà hàng, siêu thị mà việc rút tiền mặt vẫn nhanh hơn giao dịch qua thẻ… thì chắc chắn người dân sẽ lựa chọn việc thanh toán bằng tiền mặt.

Điều này cũng được ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: “Nếu người tiêu dùng được trải nghiệm các phương thức thanh toán mới với những thao tác dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng thì việc loại bỏ thói quen sử dụng tiền mặt đối với người tiêu dùng sẽ không phải là câu chuyện khó”.

Mặc dù sàn thương mại điện tử cũng đã phát triển rất nhanh, song hầu hết người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt lúc nhận hàng với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán.

An Bình