Giải đua xe F1 Vietnam Grand Prix 2020: Chạy đua với thời gian
Chỉ còn gần hơn 5 tháng giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện thể thao tầm quốc tế lớn nhất từ trước tới nay được Hà Nội tổ chức, dự kiến sẽ đem đến một chặng đua F1 đẳng cấp và độc đáo.
Lễ khởi công đường đua công thức 1 Hà Nội.
Cấm đường để thi công
Theo Sở GTVT Hà Nội, khu vực xây dựng đường đua xe F1 nằm trong địa giới hành chính gồm các phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mễ Trì, Phú Đô với tổng chiều dài 5,57 km. Khu vực phải tổ chức đảm bảo an toàn giao thông thuộc phạm vi các đường: Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo (rào chắn toàn bộ nút giao Châu Văn Liêm đến nút giao Tân Mỹ) có chiều dài 4km/ 2 chiều.
Việc tổ chức thi công chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 1 tháng, có phân luồng cũng như cấm đường theo giờ để không ảnh hưởng tới tiến độ. Chặng F1 tại Việt Nam là chặng đua ngoài phố thứ 4 trên thế giới, sau Monaco, Singapore và Azerbaijan.
Các khu chức năng đang được xây dựng rất khẩn trương. Khu chức năng xây dựng mới phục vụ đường đua F1 bao gồm các đường đua, trung tâm điều hành, khán đài, khu vực chung, khu vực hỗ trợ, khu vực tổ chức sự kiện các hạng mục công trình như nhà pit building cao 3 tầng, cầu vượt qua đường đua, trung tâm phát sóng, lưu trữ, trung tâm y tế, kho, bãi đỗ xe cho các đội đua, khán đài, bãi đỗ trực thăng…
Được khởi công vào ngày 20/3/2019, đến thời điểm hiện tại, tòa nhà trung tâm điều hành của đường đua F1 Hà Nội, còn được gọi là Pit Building đã được cất nóc. Tiến độ 4 tháng để thực hiện hạng mục lớn nhất của công trình được đánh giá là “thần tốc”, đặc biệt khi diện tích của tòa nhà Pit thuộc đường đua F1 Hà Nội còn lớn hơn nhiều đường đua khác trên thế giới.
Thông tin từ BTC cho biết khu tổ hợp thi đấu đua xe F1 dự kiến được đặt tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, với tổng diện tích hơn 800.000 mét vuông, có sức chứa lên tới 112.000 người.
Trong đó, khu tổ hợp pit (dành cho các đội đua và khách hạng Paddock - khách VIP) nằm sát vạch xuất phát trên đường đua, dài 300 m, có cấu trúc 3 tầng: Tầng 1 bao gồm 36 khoang phục vụ các đội đua, 4 khoang dành cho F1 và FIA. 2 tầng trên phục vụ khoảng 3.000 khách.
Thiết kế khu nhà Pit dự kiến được lấy cảm hứng từ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, kiến trúc mặt ngoài là sự kết hợp hòa quyện giữa mặt kính hiện đại và kết cấu thép mô phỏng cây tre truyền thống của Việt Nam.
Trong chuyến thăm đường đua F1 Hà Nội mới đây, ông Chase Carey - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Formula 1 – tỏ ra bất ngờ với tiến độ hoàn thiện đường đua lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam và tin tưởng: Hà Nội sẽ đem đến một chặng đua F1 đẳng cấp và độc đáo với bản sắc riêng biệt, đồng thời bày tỏ sự phấn khởi, khẳng định tiến độ công trình đang hoàn toàn đáp ứng dự kiến.
Mô hình đường đua.
3 ngày đua, vé đắt nhất gần 100 triệu đồng
Các tay đua sẽ mất ít nhất 3 ngày để thi đấu cho mỗi chặng đua. Các chặng đua sẽ diễn ra vào cuối tuần, thường là từ thứ 6 đến Chủ nhật. Tuy nhiên, ngày thứ 5 sẽ là ngày tổ chức các buổi họp báo và một số tay đua sẽ phải xuất hiện trước báo giới cùng đội của mình vào ngày này. Thứ 6 sẽ là ngày đua thử để các tay đua lập luyện trên đường đua chính thức. Thứ 7 là ngày đua phân hạng, quyết định vị trí xuất phát vào ngày đua chính thức, và Chủ nhật sẽ là khi cuộc chiến tới bục podium chính thức diễn ra.
Theo thông báo của BTC, trong ngày đầu tiên sẽ diễn ra 2 buổi tập, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng 30 phút. Trước khi cuộc đua phân hạng diễn ra ít nhất 2 tiếng, các tay đua sẽ tham gia vào buổi tập thứ 3 kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Buổi tập thứ 3 này thường sẽ rơi vào ngày đua phân hạng. Thời gian đua phân hạng rơi vào khoảng 1 tiếng đồng hồ và được chia thành 3 phần: Q1, Q2, Q3. Phần đua này cho phép các tay đua chạy bao nhiêu vòng tùy ý, miễn là trong thời gian cho phép, và sẽ có nhiều tay đua ở trên đường đua cùng lúc.
Tâm điểm là ngày thi đấu. Người xem sẽ được mãn nhãn với những màn trình diễn tốc độ đạt đến sự gay cấn, quyết liệt và táo bạo nhất. Kết quả của cuộc đua chính thức được quy đổi ra điểm để tìm ra tay đua và đội đua xuất sắc nhất mùa giải. Với những ai yêu thích môn thể thao tốc độ thì bất cứ giây phút lăn bánh trên đường đua nào cũng là không thể bỏ lỡ.
Cùng với việc công bố thông tin về 3 ngày đua, trang thương mại điện tử có cùng tập đoàn mẹ với công ty Vietnam Grand Prix cũng đã công bố các loại vé dành cho chặng đua F1 vào năm 2020 tới đây. Theo đó, giá vé rẻ nhất sẽ là từ 1.750.000 đồng cho 3 ngày đua. Cụ thể, vé được phân làm ba loại: Vé Phổ thông (Walkabout Tickets, tương đương loại vé General Admission ở các đường đua khép kín), vé Khán đài (Grandstand Tickets) và vé VIP - được ngồi khu riêng, có đồ ăn, uống, chỗ đỗ xe, lối đi riêng... (Hospitality Tickets).
Vé rẻ nhất là vé Phổ thông. Đây là vé không có chỗ ngồi, phù hợp nhất cho những ai muốn tận hưởng sức nóng của giải đua danh giá nhất hành tinh với mức giá hợp lý. Vé Phổ thông bao gồm 2 hạng vé là vé Phổ thông và vé Phổ thông cao cấp, có giá khởi điểm chỉ từ 700.000 VND cho 1 ngày.
Vé Khán đài là mức trung bình. Đây là vé được dự đoán sẽ “cháy” vì là lựa chọn lý tưởng để theo dõi diễn biến chặng đua từ những góc nhìn đa dạng và chân thực nhất. Không chỉ được trang bị ghế ngồi tiện nghi với tầm nhìn thuận lợi, tọa lạc tại các khúc cua nơi kịch tính của đường đua được đẩy lên cao trào, vé Khán đài còn mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng với 3 hạng vé khác nhau, dao động từ 3.890.000 tới 9.090.000 VND và vé 1 ngày chỉ từ 1.560.000 VNĐ.
Trong khi đó, vé Doanh nghiệp (Hospitality), loại vé cao cấp nhất mang lại trải nghiệm 5 sao sang trọng, là sự lựa chọn hoàn hảo để thể hiện sự thành công và đẳng cấp của người sở hữu. Vé Doanh nghiệp được chia thành 3 hạng vé: Kim Cương (Diamond), Bạch Kim (Platinium) Champion Club và Vàng (Gold) với mức giá vé cho 3 ngày dao động từ 49.330.000 tới 96.500.000 VND.
So với mặt bằng chung, giá vé F1 tại Việt Nam có phần “dễ thở” hơn các nước khác. Đơn cử là giá vé tại Singapore - nơi tổ chức đường đua trên phố tương tự Việt Nam – giá dao động 268-5.686 USD (khoảng từ 6,2 triệu đến 130 triệu VND).
Những ai không có điều kiện tới theo dõi trực tiếp F1 tại đường đua có thể thỏa mãn đam mê qua màn hình TV, vì chặng đua F1 Hà Nội sẽ được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình trả tiền tại Việt Nam và giống như các chặng đua F1 khác, BTC cũng bán bản quyền truyền hình F1 ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ người hâm mộ trên toàn thế giới.
F1 - cầu nối đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi khởi công đường đua F1 tại Mỹ Đình từ tháng 3-2019, Hà Nội đã nỗ lực xây dựng trường đua và đạt được những cột mốc quan trọng. Qua kiểm tra thực địa, phía Tập đoàn F1 nhận xét công tác xây dựng đang được kiểm soát tốt, đạt tiến độ. Trước mắt, Hà Nội còn phải khẩn trương hoàn tất một số thủ tục khác, trong đó có việc thành lập cơ quan Quản lý thể thao tốc độ quốc gia (ASN) bởi theo quy định của giải F1, nếu Việt Nam không có cơ quan này, có thể sẽ bị tước quyền đăng cai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Thiết kế độc đáo, khác biệt của đường đua F1 Hà Nội sẽ là thách thức đầy hấp dẫn đối với những tay đua, đội đua trên thế giới. Đây là công trình kết hợp độc đáo, hài hòa giữa lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp cổ kính và hiện đại, thu hút sự chú ý đặc biệt của du khách quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung; tạo tiền đề thu hút đầu tư du lịch, chuyển giao công nghệ mới”.
Còn theo ông Chase Carey, đường đua F1 tại Hà Nội sẽ trở thành cú hích, đưa hình ảnh quảng bá Việt Nam ra thế giới: “Tôi tin rằng F1 có thể góp phần làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội, các nhà hàng, khách sạn sẽ làm ăn tốt hơn và việc quảng bá cho Việt Nam không gì hiệu quả hơn việc thông qua cuộc đua F1. Giá trị mà F1 tạo ra là rất lớn nên chúng tôi chắc chắn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và quảng bá cho Việt Nam”.
Như vậy, Hà Nội hoàn toàn tự tin tổ chức F1 đúng như kế hoạch, vào đầu tháng 4 năm tới. Chặng đua F1 Hà Nội -Việt Nam Grand Prix 2020 giúp Việt Nam trở thành 1 trong 22 địa điểm tổ chức giải đua F1 thế giới. Đường đua tại Hà Nội sẽ là cơ hội phát triển thể thao của Việt Nam.