Bất ngờ số liệu thống kê
Việc Cục Thống kê TP HCM mới đây công bố kết quả điều tra dân số, trong đó báo cáo chỉ còn 39 hộ trên địa bàn thành phố chưa có nhà ở chỉ là “giọt nước tràn ly” so với nhiều bất cập về công tác thống kê, lập báo cáo tồn tại suốt nhiều năm qua. Việc nhận diện tình hình thực tiễn ảnh hưởng đến việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển nhà ở, trong khi nhu cầu được “an cư để lạc nghiệp” luôn bức thiết và nan giải của rất nhiều người dân tại thành phố đông dân nhất nước.
TP HCM đang phải giải quyết vấn đề nan giải về nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp.
Bất cập từ chính công tác phối hợp, lấy số liệu phân tích để tổng hợp. Điển hình trong câu chuyện Cục Thống kê TP HCM báo cáo số liệu chỉ còn 39 hộ chưa có nhà ở đã là một con số gây nghi ngờ nhầm lẫn. Chính đại diện UBND Q.4, TP HCM khẳng định, hộ dân được Cục Thống kê TP HCM ghi nhận tại Q.4 chưa có nhà ở là thiếu chính xác. Điều khó ngờ nữa là khi quận này phát hiện có sai sót, liên hệ Cục Thống kê đề nghị điều chỉnh nhưng cũng không được. Một sai sót cơ bản trong công tác thống kê, thế nhưng các bên sau đó giải thích sơ suất xuất phát trong quá trình nhập vào phần mềm, điều tra viên có thể đã chọn sai mã, thành ra hộ đó không có nhà.
Một bất cập nữa cũng được chính đại diện UBND huyện Cần Giờ phản bác đối với số liệu từ Cục Thống kê TP HCM. Theo báo cáo thì huyện này có 37 hộ chưa có nhà ở, nhưng theo thống kê từ UBND huyện, các hộ được nêu này đều đã có nhà ở các địa phương khác, và do đó số liệu báo cáo là không có giá trị. Việc sai sót trong phương pháp điều tra, thống kê, thu thập số liệu của Cục Thống kê xuất phát từ đánh giá chưa sâu sát đặc thù nghề nghiệp của các hộ nêu trên. Theo đại diện UBND huyện Cần Giờ, đặc điểm của các hộ này là làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông nước ở Cần Giờ nên ít ở nhà. Do đó, trong một tháng họ chỉ về thăm nhà ở địa phương nơi có nhà định cư lâu dài, còn lại họ chỉ đăng ký tạm trú, bến bãi trên địa bàn huyện này. Do đó, kinh nghiệm rút ra là công tác thống kê số liệu dân cư hiện nay cũng cần phải thay đổi về phương pháp để tổng hợp được số liệu chính xác hơn, đảm bảo công tác phân tích, đánh giá số liệu giai đoạn hậu thống kê.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, trong chưa đến hai thập kỷ qua, dân số của thành phố đông dân nhất nước đã tăng gấp đôi, từ 4 triệu người (năm 1990) lên 8 triệu người năm 2016 và đến nay đã đến ngưỡng 13 triệu dân. Đi kèm với tốc độ gia tăng chóng mặt của dân số nêu trên, nhu cầu về nhà ở của TP HCM cũng đang trở thành áp lực nặng nề cho sự phát triển của thành phố này.
Khi đánh giá về sự bất cập trong công tác thống kê của TP HCM hiện nay, chính ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng nhìn nhận hiện nay còn rất nhiều bất cập về báo cáo số liệu ở đô thị. Chẳng hạn, thống kê về dân số TP HCM hiện nay do Cục Thống kê TP đưa ra là 8,9 triệu người; nhưng con số của ngành Công an TP là gần 13 triệu người, trong đó có khoảng gần 3 triệu người nhập cư. Từ đó, ông Châu cho rằng, rõ ràng các tiêu chí để điều tra dân số có thể đã chưa phản ánh được quy mô dân số của thành phố vào thời điểm hiện nay. Thậm chí, con số ở mức độ quá đẹp, quá lý tưởng, mà ngay tại Mỹ, người vô gia cư còn khá nhiều, cũng chưa đạt đến con số lý tưởng như vậy.
Có chuyên gia cũng chỉ ra so sánh số liệu giữa Sở Xây dựng TP HCM công bố vào năm 2018 cho biết, thành phố có khoảng 500.000 người chưa có nhà ở. Thế nhưng, ngay cả con số này cũng chưa thống kê đầy đủ số liệu trên thực tế. Do đó, chỉ sau 1 năm mà Cục Thống kê TP HCM đã báo cáo chỉ còn 39 hộ chưa có nhà ở thì rõ ràng cần phải kiểm tra về độ tin cậy của số liệu này. Cũng theo các nghiên cứu xã hội học – dân số, quy mô dân số của TP HCM hiện đã vượt ngưỡng con số 13 triệu dân, chưa kể số lượng dân nhập cư, chưa đăng ký tạm trú, tạm vắng, khiến việc thống kê chưa thể đầy đủ. Căn cứ vào tình hình thực tế về điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi hộ dân tại TP HCM hiện nay thì trung bình chỉ có 2/5 người trong một hộ gia đình là có điều kiện để tách ra và có điều kiện mua một nhà ở tại thành phố này. Với áp lực thường trực về dân số như vậy, TP HCM đang phải giải quyết vấn đề nan giải về nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp.
Mới đây, tại một hội thảo chuyên đề về nhà ở cho người dân, chính Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã nhìn nhận vẫn còn một bộ phận lớn người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong môi trường không đảm bảo, không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí gặp khó khăn trong việc thuê nhà với mức giá phù hợp. Chính vì vậy, người đứng đầu chính quyền thành phố đã chỉ ra chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ là xu hướng sắp tới để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người có thu nhập thấp, người nhập cư vào TP HCM.