Tăng trưởng bền vững

Nguyên Khánh 28/10/2019 07:30

Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội đầu tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Đặc biệt, đây là năm thứ 2 liên tiếp kinh tế đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch…

Kết quả này thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và cả nước trong khi khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn.

Kinh tế tăng trưởng là điều đáng mừng, tuy nhiên điều mà người dân mong đợi chính là người dân sẽ được hưởng lợi gì từ sự tăng trưởng ấy. Tăng trưởng nhanh và bền vững cả về số lượng và chất lượng, điều này Thủ tướng từng khẳng định, “chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. “Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới”.

Nhờ vậy, trong những tháng đầu năm 2019 hay nói rộng ra là cả nhiệm kỳ vừa qua, các lĩnh vực văn hóa, xã hội luôn được Chính phủ chú trọng. Cụ thể, các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 1 - 1,5% (còn khoảng 3,73 - 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong đó chất lượng của các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục tiếp tục được cải thiện. Chẳng hạn, chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sỹ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên, xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68.

Những thành tích ấn tượng này chính là lý do để các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao, khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực và trên toàn cầu. Câu chuyện Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018 hay mới đây Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018 là minh chứng sống động nhất về sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Dù đã đạt được những thành tích đặc biệt ấn tượng như vậy nhưng nền kinh tế của chúng ta còn đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường.

Chúng ta không thể phủ nhận trong xã hội vẫn còn một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Rõ ràng, trong guồng quay của sự phát triển ấy, vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa được hưởng lợi từ tăng trưởng, hay nói một cách khác, họ đã bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông…. khiến người dân rất bức bối. Kinh tế tăng lên mà vấn đề môi trường lại đi xuống. Câu chuyện nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm, rồi nhiễm độc thủy ngân ngay tại Thủ đô Hà Nội vừa mới xảy ra cho thấy chúng ta không thể coi nhẹ những vấn đề bức bối của người dân trong xã hội được. Kinh tế phát triển cũng phải đồng nghĩa với chất lượng sống của người dân được nâng cao chứ không thể để tình trạng người dân uống bẩn, hít không khí bẩn với những sự nơm nớp lo âu bệnh tật có thể gõ cửa nhà mình bất kể lúc nào.

Trước những khó khăn nội tại chưa giải quyết được, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các cấp, các ngành không được chủ quan, cần có những biện pháp cụ thể, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, yếu kém này. Cụ thể, trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Do đó, Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững; tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững, đặc biệt là “đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Con người là trung tâm của phát triển bền vững”.

Nguyên Khánh