Tranh cãi vì tòa tháp hình xác tàu
Những tòa nhà chọc trời từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới do nhiều vấn đề: Chúng có thể trở thành một biểu tượng được yêu thích, nhưng cũng có thể trở thành thảm họa đối với người dân địa phương.
Tòa tháp Top Tower nhìn không khác gì xác tàu đắm giữa lòng thành phố. Nguồn: CNN.
“Xác tàu đắm”
Ngay sau khi thế giới còn chưa hết sốc vì tòa tháp có hình dạng giống hoa Tulip nằm giữa thủ đô London, Anh lại có hình thù hết sức nhạy cảm, thì giờ lại tới tòa tháp Top Tower. Đây là một dự án xây dựng gây tranh cãi ghê gớm bởi nhìn nó không khác gì xác một con tàu chở dầu vừa đâm vào một tòa nhà văn phòng.
Tòa tháp 135 m này, nếu được phê chuẩn, sẽ trở thành tòa nhà cao nhất ở Prague, thủ đô của Cộng hòa Séc.
Được thiết kế bởi nhà điêu khắc David Cerny và kiến trúc sư Tomas Cisar, Top Tower sẽ cho người ta tầm quan sát rộng khắp thành phố lên tới đài quan sát nhờ các thang máy ngoại vi - theo Công ty Phát triển Trigena. Tòa tháp này sẽ có mục đích chính là cho thuê, nó bao gồm nhiều văn phòng làm việc cùng một trung tâm văn hóa ở các tầng thấp. Tòa tháp cũng có một khu vườn trên tầng mái cùng nhiều cửa hàng mua sắm ở tầng trệt.
Nhà điêu khắc Cerny vốn đã nổi tiếng nhờ vào các tác phẩm gây tranh cãi, trong đó có phải kể đến Entropa - một bức điêu khắc được chế tác nhằm đánh dấu sự kiện Cộng hòa Séc giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu vào năm 2009. Bức điêu khắc này thể hiện mỗi quốc gia trong khối EU theo kiểu định kiến dân tộc: Nước Pháp bị phủ bởi dòng chữ “Greve!” (Đình công!), trong khi Bỉ là một chiếc hộp có nhiều thanh chocolate bị cắn dở và Thụy Điển là một chiếc hộp IKEA (hãng sản xuất đồ gia dụng nổi tiếng).
Nhà điêu khắc Cerny đề xuất đặt tòa tháp Top Tower cạnh trạm tàu điện ngầm Nove Butovice, vùng ngoại ô của Prague. Điều này là do khu vực trung tâm lịch sử của Prague là di sản thế giới được UNESCO công nhận, nên các tòa nhà chọc trời bị cấm xây dựng ở vùng này.
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho dự án Top Tower suốt hơn 2 năm qua và phiên bản cuối cùng đã vượt qua 8 phiên bản đề xuất khác” - ông Marcel Soural, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trigena, nói - “Chúng tôi hiện vẫn đang tiếp nhận ý kiến từ giới chuyên gia, các cơ quan hữu quan và cả người dân trong vùng”.
Nếu được phê duyệt, quá trình xây dựng sẽ được khởi công vào năm 2021 và phải mất 3 năm mới hoàn thiện - theo Trigena. Dự án có tổng chi phí 2 tỷ crown (84,5 triệu USD).
Những dự án gây tranh cãi
Tháp Norman Foster - dự án tòa nhà chọc trời hình hoa tulip ở London - trước đó cũng vấp phải những ý kiến phản đối gay gắt kể từ khi được quy hoạch xây dựng vào năm ngoái. Mới đây nhất, sân bay London City đã cảnh báo các quan chức thành phố về các vấn đề tiềm ẩn của dự án đối với hệ thống kiểm soát không lưu.
Theo thiết kế, tháp Norman Foster có chiều cao 305 m, bao gồm một cấu trúc thủy tinh 12 tầng có hình bông hoa tulip được xây dựng trên một thân trụ bằng bê tông. Bên trong “quả cầu thủy tinh” này là các quán bar, nhà hàng, phòng trưng bày và đài quan sát. Công trình khi hoàn thiện sẽ vượt qua London Eye (135m) trở thành điểm ngắm cảnh xoay vòng cao nhất của thành phố.
Kiến trúc sư Foster là người đề xuất dịch vụ tham quan bằng hệ thống thang máy xoay vòng theo hình elip trên đỉnh tòa tháp, cho phép mọi người ngắm nhìn thành phố bên trong các buồng thủy tinh trong suốt rộng 3 m, với một chuyến đi dài khoảng 8 phút.
Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật tại sân bay London City (cách tòa tháp 10 km về phía Đông) cho rằng các buồng thang máy xoay vòng có thể gây nhiễu radar của hệ thống kiểm soát không lưu. Phát ngôn viên của sân bay đã yêu cầu các quan chức có thẩm quyền xem xét lại việc cấp phép xây dựng dự án.
Tháp Norman Foster cũng nhận không ít chỉ trích từ cư dân thành phố do những lo ngại về ô nhiễm môi trường và tiếng ồn trong quá trình xây dựng.
Nhà phê bình kiến trúc Oliver Wainwright cũng không đánh giá cao dự án tháp Norman Foster khi cho rằng công trình được lấy cảm hứng từ hoa tulip này thực tế gợi liên tưởng nhiều hơn đến một trái dừa hoặc quả trứng nằm trên chiếc cốc.