Một số địa phương khu vực ĐBSCL: Chi tiền khủng lắp đặt camera an ninh

Trung Kiên 28/10/2019 08:00

Thời gian qua một số địa phương trong khu vực ĐBSCL đã thống nhất chủ trương đầu tư số tiền hàng trăm tỉ đồng để lắp đặt hệ thống camera giám sát trên địa bàn. Nhiều ý kiến người dân băn khoăn, trong khi địa phương nghèo mà đầu tư trăm tỉ để lắp camera như vậy liệu có hợp lý?

Một số địa phương khu vực ĐBSCL: Chi tiền khủng lắp đặt camera an ninh

Hệ thống camera hiện có trên các tuyến phố ở TP Vĩnh Long hiện vẫn đang sử dụng tốt.

Sóc Trăng chi hơn 173 tỷ đồng lắp camera

UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành 2 quyết định về việc chi tổng số hơn 173,5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông và camera giám sát thí điểm tại 15 trường học (thuộc địa bàn thành phố Sóc Trăng).

Theo quyết định thì dự án 1, do Công an tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư với tổng kinh phí được phê duyệt trên 164 tỷ đồng bao gồm chi phí cho các hạng mục sau: Chi phí xây dựng, hơn 10,23 tỷ đồng; chi phí thiết bị, phần mềm: hơn 136,76 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án: hơn 1,66 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: hơn 5,36 tỷ đồng; chi phí khác: hơn 2,17 tỷ đồng; dự phòng: hơn 7,92 tỷ đồng. Dự án 1 sẽ lắp đặt tại 53 địa điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và nguồn kinh phí để đầu tư cho dự án 1 được lấy từ nguồn xổ số kiến thiết tỉnh nhà.

Dự án 2 do UBND thành phố Sóc Trăng trình xin ý kiến và được UBND tỉnh phê duyệt và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sóc Trăng thực hiện. Tổng số tiền được phê duyệt để thực hiện dự án hơn 9,3 tỷ đồng, trong đó, chi phí để mua sắm thiết bị là hơn 9,15 tỷ đồng, số còn lại hơn 186 triệu đồng chi phí tư vấn và chi phí khác là hơn 53 triệu đồng. Dự án 2, đầu tư hệ thống camera quan sát thí điểm, trang bị cho 15 trường học trên địa bàn thành phố và Phòng Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng.

Trước đó tháng 4/2019 tỉnh Sóc Trăng xảy ra việc lùm xùm cũng liên quan đến việc lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tại khu vực nhà riêng của các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy với số tiền khủng gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi dư luận phản ánh gay gắt đến cuối tháng 9/2019 Tỉnh ủy Sóc Trăng đã huỷ quyết định số 1542-QĐ/TU (do Phó Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Sum ký) về việc kinh phí lắp đặt camera an ninh nhà riêng của các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, thu hồi số tiền hơn 882 triệu đồng đã chi lắp đặt camera tại nhà riêng của 12 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, yêu cầu 12 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải tự bỏ tiền túi ra trả chi phí lắp đặt. Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan đã để xảy ra sai sót này.

Vĩnh Long cũng sẽ chi gần 200 tỷ đồng?

Theo thông tin mà chúng tôi có được, mới đây HĐND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ. Theo đó, sẽ lắp đặt 114 camera giám sát với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Kế hoạch sẽ lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí khác nhau trên địa bàn tỉnh. Trong đó lắp 67 camera giám sát an ninh trật tự ở 63 vị trí, 47 camera xử lý vi phạm giao thông đường bộ ở 16 vị trí và lập 3 trung tâm quản lý điều hành đặt tại Công an tỉnh, Phòng CSGT và Công an TP Vĩnh Long. Tổng kinh phí thực hiện hơn 199,1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn 2019 - 2023.

Tuy nhiên, dự án này mới ở giai đoạn HĐND chấp nhận chủ trương đầu tư. Sắp tới sẽ thực hiện theo trình tự thủ tục, khi tiến hành đầu tư sẽ có khái toán, lập hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư để xem xét. Khi được chấp thuận sẽ lập dự án và phê duyệt dự án đầu tư.

Một lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cho biết: Dự án này có nhiều hạng mục để đầu tư, chứ không phải chỉ lắp đặt 114 camera. Cụ thể, trong số 114 camera này chỉ có 4 camera là đặt cố định, 63 camera là vừa quay, vừa quét bằng công nghệ cao và 67 camera là để xử lý vi phạm giao thông, phạt nguội. Đặc biệt là đầu tư xây dựng 3 trung tâm để quản lý, điều hành toàn bộ hệ thống camera trên toàn địa bàn tỉnh. Kể cả xây dựng nhà làm việc, thiết bị, hạ tầng mạng, máy chủ, lưu trữ, phân tích dữ liệu.

“Dự án 114 camera có giá gần 200 tỷ đồng, trong đó kinh phí tốn kém nhất là hệ thống 47 thiết bị giám sát tự động, chiếm hết 94 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng 16,3 tỷ đồng, còn lại 67 camera giám sát an ninh trật tự chiếm tới 16,3 tỷ đồng” – vị này cho biết.

Điều khiến dư luận quan tâm chính là giá thành dự toán để mua các camera này, cụ thể có 2 loại camera, trong đó loại đắt nhất là 124,5 triệu đồng/1 cái (có 63 cái) và có 4 cái giá 56,4 triệu đồng/cái (chưa tính trụ cột và bộ phận điều hành – PV). Số tiền dự toán xây dựng trung tâm điều hành tại Công an tỉnh khoảng 33,6 tỷ đồng, trung tâm điều hành tại Phòng CSGT là 3,3 tỷ đồng.

Và mặc dù số tiền dự toán để mua sắm các thiết bị rất cao nhưng theo tờ trình dự án từ Sở GTVT Vĩnh Long thì đa số các loại camera cũng chỉ dừng ở mức công nghệ bình thường, được kết nối với một phần mềm nhận diện để xử lý một số vấn đề về vi phạm giao thông…

Ngoài ra, dư luận cũng không đồng tình khi Sở GTVT lại đề xuất luôn đơn vị cung cấp là Công ty Hợp Nhất (Việt Nam).

Theo thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có 73/109 xã, phường, thị trấn trước đó đã được lắp đặt camera an ninh, với 6.186 camera (kết nối trực tiếp về màn hình bố trí tại các trụ sở cơ quan công an) tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, người dân tự đầu tư lắp đặt hơn 4.000 camera, còn lại từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao không đầu tư và kết nối với hệ thống camera cũ mà phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đầu tư một hệ thống camera mới, trong khi tỉnh còn nghèo?

Trung Kiên