Lỗ hổng phân cấp quản lý di sản: Khi địa phương phớt lờ cảnh báo
Việc phân cấp quản lý các di sản, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nhằm nâng cao trách nhiệm của từng địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, việc phân cấp này do thiếu sự đồng bộ, yếu về chuyên môn dẫn đến nhiều di tích đã bị xâm hại nghiêm trọng.
Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú.
Bất chấp cảnh báo
Khi câu chuyện công trình xây dựng ở Mã Pì Lèng chưa đi đến hồi kết trong phương án giải quyết thì mới đây dư luận xã hội lại “dậy sóng” với cái tên dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú tại Hà Giang. Cụ thể, dự án Khu được quy hoạch với diện tích hơn 56 ha, bao gồm khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng Phật… với số vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Theo dự án đề xuất sẽ sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Thế nhưng điều đáng nói là vị trí của 2 dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên Địa chất toàn cầu năm 2010, với các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó. Thậm chí, liên quan đến 2 dự án này, trước đó Bộ VHTTDL cũng đã nhiều lần có ý kiến cảnh báo.
Đơn cử ngày 17/4/2018, Bộ VHTTDL đã có văn bản nêu ý kiến đối với Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trong đó, nhấn mạnh, Cột cờ Lũng Có có giá trị nhiều mặt về lịch sử và danh lam thắng cảnh, bao gồm các yếu tố cần được bảo vệ như Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, 2 hồ nước (mắt Rồng) ở hai bên núi Rồng, cảnh quan núi Rồng và hệ sinh thái trên núi đá vôi... Vì vậy, để hạn chế tác động tới giá trị di tích Cột cờ Lũng Cú cũng như cảnh quan môi trường của di tích, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú cần điều chỉnh và lưu ý trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú. Cụ thể, không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú; Bảo vệ nguyên trạng hai hồ nước, kết hợp chỉnh trang cảnh quan địa hình tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước. Bên cạnh đó, việc cải tạo, chỉnh trang các công trình hiện có dưới chân núi, việc đầu tư, xây dựng công trình khu nghỉ (homestay) cần gắn với các buôn, bản dân cư hiện có, để khai thác thế mạnh của loại hình du lịch này, đồng thời qua đó điều chỉnh phạm vi việc xây dựng công trình mới ra khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú. UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của một số Bộ, ngành liên quan... Đặc biệt, Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, phương án xây dựng Khu tâm linh chùa Lũng Cú nên tham khảo theo kiến trúc truyền thống.
Tiếp đó, ngày 11/6/2018 Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị lưu ý một số vấn đề khi xây dựng Dự án. Cụ thể gồm, bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước tại di tích. Tổ chức cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú theo quy định để đảm bảo giữ được không gian cảnh quan và các yếu tố cấu thành giá trị của di tích Cột cờ Lũng Cú. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và đặc điểm văn hóa dân tộc đặc sắc của các bản làng dân tộc trong khu vực. Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên Địa chất toàn cầu và Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn...
Mới đây, sau khi sự việc được các cơ quan truyền thông báo chí phản ánh, ngày 25/10, Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản đề nghị UBND Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện việc triển khai 2 dự án nêu trên và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Việc đã rồi?
Với tất cả những quy định và cả cảnh báo trên dường như với những gì đang diễn ra với Hà Giang thì như là việc đã rồi. Thực tế hiện nay, ngọn núi án ngữ ngay sát danh thắng Lũng Cú, địa đầu Tổ quốc đang bị đục khoét nham nhở tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú khiến cảnh quan ở nơi đây bị ảnh hưởng… Và với thực tế hiện nay nếu như công trình buộc dừng xây dựng thì cần một khoảng thời gian rất dài để khôi phục lại cảnh quan như cũ.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, đã là một dự án du lịch thì phải tuân theo những nguyên tắc phát triển bền vững, đó là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, và người dân chứ không phải vài cá nhân, doanh nghiệp được hưởng lợi. Cũng theo ông Sơn, dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú chiếm đất đai nông nghiệp, xẻ núi, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ là vùng Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như vùng đệm xung quanh di tích Cột cờ Lũng Cú, kinh doanh sản phẩm du lịch không thuộc về văn hóa bản địa, dễ thấy nó không đạt được các nguyên tắc phát triển bền vững nêu trên.
Có thể thấy, câu chuyện ở Lũng Cú hay Mã Pì Lèng chỉ là một trong những câu chuyện xâm hại các di tích ở Việt Nam hiện nay. Sự phân cấp quản lý các di tích đã vô tình trao quyền “tự tung, tự tác” cho các địa phương trong công tác tu bổ, xây dựng di tích. PGS.TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, Nhà nước rất cần xem lại việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch văn hóa tâm linh như thế đã hợp lý chưa. Xây dựng đền chùa mới trên những cảnh quan danh thắng có phải là xu hướng nên khuyến khích không? Thực trạng hiện nay ta đang phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhiều quá. Các dự án du lịch tâm linh này lại không khai thác cái có sẵn trong cuộc sống, các di tích có bề dày lịch sử văn hóa mà lại “sáng tạo” cái mới.