Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Việc giành được nhiều huy chương và đứng ở vị trí thứ 3 của đoàn Việt Nam tại Kỳ thi tay nghề ASEAN 12 được đánh giá là thành công ngoài mong đợi, vì các nước ASEAN đầu tư cho thi tay nghề rất mạnh trong những năm gần đây.
Áp dụng những kinh nghiệm này để nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam là câu chuyện được đặt ra tại hội thảo “Bài học trong đào tạo nghề nghiệp và huấn luyện thí sinh” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Lần đầu tiên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức một hội thảo về công tác thi tay nghề ngay sau khi kỳ thi tay nghề thế giới kết thúc đã thu hút được đông đảo các nhà chuyên môn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia. Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, chất lượng kỹ năng nghề của lực lượng lao động không chỉ các quốc gia đang phát triển mà các quốc gia đang phát triển như Mỹ, Đức cũng rất quan tâm và coi trọng. Công tác tổ chức thi tay nghề các cấp bên cạnh việc đem lại thành tích, nâng cao hình ảnh kỹ năng nghề của Việt Nam trên trường quốc tế còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển những ngành nghề mới cùng với những mô hình đào tạo phù hợp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
“Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành danh mục nghề trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có một số nghề được trình diễn trong Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Nga. Vấn đề là làm thế nào để phát triển đào tạo những ngành nghề như vậy ở quy mô quốc gia là điều rất cần thiết”- ông Dũng nêu vấn đề.
Từ kinh nghiệm và thành tích được cải thiện đáng kể của Việt Nam qua các kỳ thi tay nghề thế giới, ông Dũng cho rằng có được những kết quả đó là sự nỗ lực của các em thí sinh, chuyên gia, các trường nghề, nhà tài trợ. Kết quả đó cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam”- ông Dũng nói.
Tuy vậy, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, so với thế giới, khu vực, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Do đó, thông qua kỳ thi tay nghề, đào tạo nghề của Việt Nam cần rút ra được những bài học từ các quốc gia tham dự, với nhiều nước rất thành công, như Hàn Quốc, Nhật Bản... Để từ đó đưa vào chương trình đào tạo nghề trong nước, hay việc huấn luyện thí sinh dự thi tay nghề.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Là thí sinh Việt Nam duy nhất đạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới 2019, em Trương Thế Diệu chia sẻ: Để đạt được kết quả tại kỳ thi, các thí sinh cần chuẩn bị tốt 3 vấn đề: kỹ năng, tinh thần và chiến thuật. Các thí sinh cần được luyện tập với máy móc thường xuyên trước khi thi. Bởi khi thao tác với máy móc hiện đại và lập trình chi tiết, nếu thường xuyên được luyện tập thực hành sẽ biết được những lỗi để từ đó có phương án khắc phục. Cùng với đó là niềm đam mê, hứng khởi trên con đường nghề nghiệp cùng môi trường đào tạo chuyên nghiệp.
Đặc biệt nhấn mạnh tới niềm đam mê nghề nghiệp, em Trương Thế Diệu cho biết ngay sau khi tốt nghiệp THPT, em đã xác định được đam mê của mình dựa trên sở thích và năng lực của bản thân. Sau đó, em kiên trì theo đuổi mục tiêu đó. Đặc biệt trong thời gian được làm việc và huấn luyện tại nước ngoài, điều Diệu học được lớn nhất chính là tinh thần làm việc hang say của những đồng nghiệp xung quanh. Không phải họ làm 8 - 10 tiếng mà có thể lên đến 12 tiếng hoặc hơn với thời gian kéo dài hàng tuần liên tục khi có yêu cầu đặt ra. Chính vì những nỗ lực không ngừng nghỉ như vậy nên Diệu đã đạt được thành công.
Là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự các Kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới 12 năm liên tiếp trước khi nghỉ hưu, ông Dương Đức Lân- nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các lần đạt huy chương của Việt Nam tại kỳ thi tay nghề thế giới đều có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, để nâng cao năng lực, chất lượng kỳ thi tay nghề thế giới cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tranh thủ hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật và tài chính cho đội tuyển quốc gia trong công tác huấn luyện và dự thi. Đồng thời gắn đào tạo nghề với lợi ích của doanh nghiệp. Thay đổi lại cách thức tổ chức, các chính sách, quy định về tổ chức, lựa chọn thí sinh
Ông Bùi Đình Tiền (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) cho rằng, từ kinh nghiệm nhiều năm đào tạo thí sinh dự thi tay nghề khu vực và thế giới, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần bổ sung một số nội dung như: Đổi mới chương trình và phương thức giảng dạy theo công nghệ hiện tại và xu hướng công nghệ toàn cầu. Mời chuyên gia giỏi từ các nước để chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên, giảng viên, cũng như tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy.
Bên cạnh đó, theo ông Tiền, các trường nghề bên cạnh nâng cao kỹ năng chuyên môn cần trang bị thêm các kỹ năng mềm; Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động; Nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; Nâng cao kỹ năng hội nhập và toàn cầu hóa (như ngoại ngữ, tin học, thái độ tích cực)...
Thành lập 6 Hội đồng thi quốc gia
Để tuyển chọn thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 13 tại Singapore và Kỳ thi tay nghề thế giới tại Trung Quốc, Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11 sẽ được tổ chức từ ngày 23-29/3/2020.
Các nghề tổ chức thi tại Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 là các nghề được tổ chức tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 13; một số nghề là những nghề đã từng tổ chức tại Kỳ thi tay nghề quốc gia và ASEAN các năm trước và một số nghề được tổ chức tại Kỳ thế giới lần thứ 46 năm 2021, gồm 31 nghề.
Để triển khai Kỳ thi quốc gia năm 2020, sẽ thành lập 6 Hội đồng thi quốc gia gồm: Bộ Công thương, Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ NNPTNT, Sở LĐTBXH TP Hà Nội.