Hà Nội: Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết được ghi nhận trên toàn thành phố vào khoảng 800 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 8.000 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa có trường hợp tử vong. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thất thường, số mắc có thể tăng cao do đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng 10 và 11.
Triển khai kế hoạch tăng cường phòng chống sốt xuất huyết Dengue, ngành y tế dự phòng đặt ra mục tiêu khống chế sự gia tăng của số mắc, không để tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Cụ thể, số mắc không quá 600 trường hợp trong 1 tuần; số mắc cả năm 2019 không quá 119 trường hợp/100.000 dân, tức là dưới 9.264 trường hợp.
Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, cán bộ y tế đáp ứng tối đa cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các ổ dịch có diễn biến kéo dài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất; đảm bảo hóa chất, máy móc để đáp ứng chống dịch…
Theo các chuyên gia y tế, các biểu hiện nhẹ của sốt xuất huyết thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người… những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm, người bệnh chủ quan, rất dễ bị biến chứng nặng. Các trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc, suy tạng, thậm chí tử vong. Do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng.
Nếu có biểu hiện sốt cao, người dân cần đi khám, xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng; đồng thời có các biện pháp để tránh lây lan ra cộng đồng. Hiện nay phác đồ điều trị sốt xuất huyết đã được phổ biến rộng rãi tại các tuyến y tế cơ sở. Người dân có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, các trường hợp nặng mới được chuyển lên để tránh quá tải cho tuyến trên và hạn chế tình trạng nhiễm chéo.