Cuộc chiến chống IS chưa kết thúc
Các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi cùng Phát ngôn viên của hắn là Abu al-Hassan al-Muhajir ở Syria. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng mối đe dọa từ IS vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.
Abdullah Qardash (phải) được cho là đã thay thế vị trí thủ lĩnh IS của Abu Bakr al-Baghdadi. (Nguồn: The Sun).
Mối nguy hiểm vẫn còn
“Đây là chiến thắng lớn nhất, “lớn hơn nhiều” so với việc tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden hồi năm 2011” – Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong buổi họp báo tổ chức tối ngày cuối tuần qua.
Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden vào năm 2011, tạo lợi thế cho ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống và làm “giảm bớt sự tập trung” của các nghị sĩ Dân chủ vào cuộc điều tra luận tội.
Thế giới cũng lên tiếng chúc mừng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên Twitter: “Cái chết của al-Baghdaditrong cuộc chiến chống khủng bố”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng lên tiếng ca ngợi nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói:“Tôi muốn chúc mừng Tổng thống Trump về kết quả ấn tượng và chiến dịch giúp tiêu diệt được al-Baghdadi. Điều này phản ánh sự hợp tác hiệu quả của các nước do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây là bước ngoặt quan trọng và là một phần trong cuộc chiến dài hơi mà chúng ta cần phải chiến thắng”.
Việc mất đi người cầm đầu sẽ tiếp tục là thất bại tiếp theo của IS sau khi mất nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq và Syria. Tuy vậy, giới quan sát nhận định, đây chưa phải là dấu chấm hết cho tổ chức khủng bố này khi các lực lượng còn sót lại đang chờ cơ hội hồi sinh và hệ tư tưởng của tổ chức này vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.
Lui vào bóng tối, IS không thực hiện các vụ tấn công gây chấn động thế giới như những năm trước đây, chuyển sang việc thực hiện chiến thuật du kích với các vụ tấn công nhỏ lẻ tại Iraq, Syria, Afghanistan. Với cuộc chiến tại Syria chưa kết thúc, cùng bất ổn tại Yemen, Nigieria hay Afghanistan đang là cơ hội tốt cho IS hồi sinh.
Thêm vào đó, nhiều hãng truyền thông quốc tế hôm 28/10 đưa tin IS đã sớm chỉ định một tân thủ lĩnh để thay thế al-Baghdadi.
IS có tân thủ lĩnh?
Abdullah Qardash – đôi lúc viết là Karshesh và còn có tên khác là Hajji Abdullah al-Afari – là nhân vật được chính al-Baghdadi chỉ định hồi tháng 8 năm nay để điều hành “các vấn đề Hồi giáo” của IS- theo như thông báo chính thức mà tổ chức này đăng tải trên tạp chí riêng Amaq. Tuy nhiên, kẻ này chưa từng chính thức được tổ chức thừa nhận là thủ lĩnh.
Dù ít ai biết đến nhân vật từng là cựu quan chức quân đội Iraq làm việc dưới thời Saddam Hussein này, nhưng một quan chức tình báo khu vực Trung Đông mới đây nói với Hãng tin Newsweek rằng Qardash có thể đã thay thế vị trí của al-Baghdadi được một khoảng thời gian – dù cho vị trí này không còn có vai trò lớn như khi IS còn đang hùng mạnh.
Al-Baghdadi – kẻ đã chết do kích hoạt áo vest gắn thuốc nổ khi đội đặc nhiệm Delta của Mỹ ập vào – đã xây dựng Nhà nước kiểu Caliphate sau khi tách khỏi al-Qaeda ở Iraq, tuy nhiên vị quan chức tình báo giấu tên nói rằng vai trò thủ lĩnh của al-Baghdadi, một cựu giáo sỹ Hồi giáo, thực chất chỉ mang tính biểu tượng.“Al-Baghdadi chỉ là một thủ lĩnh không có thực quyền. Hắn ta không tham gia vào các chiến dịch hay hoạt động thường nhật của tổ chức” – vị quan chức giấu tên cho hay – “Tất cả những gì kẻ này làm là nói có hoặc không – không có kế hoạch gì cả”.Hiện nay, các thông tin chi tiết về vụ đột kích của Mỹ nhằm vào khu tư dinh của al-Baghdadi ở làng Barisha, Syria vẫn đang dần được công bố. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, tại sao thủ lĩnh của IS lại lẩn trốn sâu bên trong vùng lãnh thổ của nhóm phiến quân đối thủ là Hayat Tahrir al-Sham.
Phía Nga thậm chí còn đặt ra nghi vấn về tính xác thực trước cái chết của thủ lĩnh IS. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay, thông tin không trùng khớp từ các nguồn về số người tham gia và chi tiết của chiến dịch đã gây nghi vấn về tính xác thực.