Nội dung kiến nghị và trả lời của Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

29/10/2019 07:30

Báo Đại Đoàn Kết đã giới thiệu toàn văn Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, do Bí thư Trung ương ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; cùng với “Phụ lục 1” của Báo cáo. Đại Đoàn Kết xin trích giới thiệu nội dung cơ bản kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tại “Phụ lục 2”.

(Tiếp theo kỳ trước)

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
(Công văn số 309/TANDTC-V1 ngày 30/8/2019)

Tòa án Nhân dân tối cao báo cáo: Để giải quyết kiến nghị TANDTC đề nghị các TAND và TAQS các cấp phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự có nội dung đã nêu thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về “Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để đề nghị điều tra bổ sung”.

BỘ THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG
(Công văn số 3221/BTTTT-VP)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Thông tin -Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng.

Bộ đã và đang thực hiện: Phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng nói chung và chấn chỉnh việc quản lý nội dung trên mạng xã hội: tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc đăng tải, sử dụng thông tin trên mạng; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm; xử lý vi phạm trong phạm vi thuộc thẩm quyền;

Chủ trì xây dựng Luật An ninh mạng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tự động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng, tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo có liên quan đến an toàn không gian mạng, ngăn chặn sự phát tán thông tin xấu, độc; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như: Ngân hàng nhà nước, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Công an triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật.

BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
(Công văn số 3834/BVHTTDL-VP ngày 24/9/2019)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát việc niêm yết giá dịch vụ tại các lễ hội; ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để thực hiện các hành vi mê tín, trục lợi. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới tang, lễ hội.

Bộ đã và đang thực hiện: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản của Đảng và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, bảo vệ giá trị văn hóa của lễ hội. Vận động nêu gương mô hình tốt, cách làm hay; phê phán những hành vi, biểu hiện tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục trong việc cưới, việc tang.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm. Nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí, doanh nghiệp, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp và của nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang và hoạt động tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật; khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

THANH TRA CHÍNH PHỦ
(Công văn số 1742/TTCP-C.IV ngày 3/10/2019)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị có giải pháp quyết liệt, kịp thời, xử lý nghiêm khắc hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ đã và đang thực hiện: Tham mưu cho Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể với phương châm xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25/2/2019 của Bộ Chính trị “về chế độ kiểm tra, giám sát cán bộ”, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy trình xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; Quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế bảo vệ người dân phản ánh tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng…

Triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 theo Quyết định số 101-QĐ-TTg ngày 21/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến, xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 và Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về viêc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là cơ quan PCTN.