Góp ý kiến cho dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Chấp nhận điều giới trẻ thích, miễn là không nguy hại

Minh Quân 30/10/2019 08:00

Ngày 29/10, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Góp ý kiến cho dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Chấp nhận điều giới trẻ thích, miễn là không nguy hại

Việc quản lý biểu diễn với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam biểu diễn trong Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng có nhiều thay đổi.

Thay đổi để phù hợp

Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động NTBD gồm 6 chương, 38 điều. Trong đó, một số nội dung đã được sửa đổi cho phù hợp với Luật và thực tiễn quản lý chính sách. Đơn cử như về quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; chính sách đối với cá nhân đại diện Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; chính sách thực thi quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình tác phẩm các loại hình NTBD.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động NTBD sẽ hoàn thiện, bổ sung về chính sách cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển hoạt động sáng tạo nghệ thuật biểu diễn. Hoàn thiện các chính sách trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trực tiếp và đặc biệt qua môi trường mạng đến công chúng trong thời kỳ công nghiệp hóa, đảm bảo sự nghiệp “phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân” được quy định định tại khoản 2 điều 60 Hiến pháp năm 2013. Đây là một trong những nội dung quan trọng cần được tập trung xây dựng để quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại Hội nghị, Quyền Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Quang Vinh cho biết, Dự thảo Nghị định sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh của các đơn vị nghệ thuật, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NTBD; Các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng sẽ tạo lập cơ sở pháp lý hoàn thiện vai trò cơ chế phân cấp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực NTBD. Kế thừa và tiếp tục thực hiện đối với các quy định chung về nội dung chính sách của Nhà nước và hệ thống thiết chế quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đảm bảo nội dung quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuân thủ nguyên tắc trong xây dựng, ban hành chính sách, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và trong công tác quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước và nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan quản lý khác nhau trên cơ sở quy định của pháp luật.

Còn những băn khoăn

Tại Hội nghị, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam băn khoăn về quyền tổ chức tham gia biểu diễn nghệ thuật, nên làm rõ hoạt động NTBD, đưa quyền của tổ chức và cá nhân biểu diễn nghệ thuật… Nên nhấn mạnh thành ý khác vì biểu diễn nghệ thuật với thi người đẹp, người mẫu, có thể trình diễn giống nhau nhưng nội hàm của hoạt động khác nhau. Vì vậy nên tách người biểu diễn, quyền biểu diễn nghệ thuật với thi người đẹp người mẫu. NSND Lê Tiến Thọ cũng phân vân, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật để che dấu vi phạm pháp luật vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bởi khi đơn vị biểu diễn xong thì mới có thể phát hiện được. Nếu họ chưa tổ chức thì làm sao để dừng hoạt động biểu diễn mà không phải đền bù thiệt hại. Trong khi chương trình hoàn toàn không vi phạm an ninh quốc phòng, hay bị ảnh hưởng thiên tai địch họa... Điều này phải làm rõ, nếu không sẽ rất phức tạp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Trực- Trưởng phòng biểu diễn nghệ thuật (Sở VHTT Hà Nội), Dự thảo Nghị định lần này có nhiều ưu điểm, đã giảm thiểu những thủ tục hành chính. Việc quy định Điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật trong Nghị định (Điều 8), hết sức cần thiết. Bởi trên thực tế, nhiều sự kiện biểu diễn nghệ thuật xảy ra chết người mà không thu hồi được giấy phép kinh doanh. Ông Trực cũng đánh giá, việc quản lý biểu diễn với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam biểu diễn cũng có nhiều thay đổi. Trước kia 2 đối tượng này tách riêng, còn theo Dự thảo Nghị định này thì gộp chung. Như vậy là thông thoáng trong việc cấp phép cho các đối tượng này biểu diễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trực cũng bày tỏ một số ý kiến phân vân như hiện nay có những hồ sơ mà địa phương không cấp phép được như trình diễn thời trang nghệ thuật phun xăm, trình diễn thời trang áo tắm... Theo quy định cũ, nếu xin cấp phép biểu diễn về thời trang thì phải gửi các bộ mẫu thời trang lên trước để duyệt. Hay có những vấn đề đang làm rất chặt nhưng trong Dự thảo không quy định như những bài hát cấp phép cho các nhóm Underground, đây đều là những bài lần đầu tiên biểu diễn… mà không cần duyệt thì khi phổ biến rồi, ai chịu trách nhiệm?

Trả lời thắc mắc này, Quyền Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh cho rằng bản thân mỗi người, mỗi cơ quan phải tự cập nhật thông tin về các bài hát mới lần đầu. Cục NTBD không đủ nhân lực để kịp thời phát hiện. Việc cho địa phương kiểm soát các tác phẩm lần đầu là tốt nhất. Nhưng đối với các đơn vị quản lý, bản thân chúng ta phải thay đổi quan niệm về cái đẹp, nếu không khó tiếp nhận với các sản phẩm có cái mới mà không nguy hại, lớp trẻ thích, một góc cạnh nghệ thuật khác mà ta không thích nhưng giới trẻ thích – tức là chấp nhận thứ không dành riêng cho mình…

Theo kế hoạch, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động NTBD tại phía Nam trong tháng 11 tới.

Minh Quân