Cô Tiên không muốn thức
Từ cảng cá Bình Tân rẽ lối ra sân bay Cam Ranh, người chạy xe chỉ tay về phía xa nói: Anh nhìn coi, núi Cô Tiên giờ kinh không! Thế là mấy người ngồi trên xe thi nhau nói về núi Cô Tiên bị “cạo trọc”, bị đào khoét tạo mặt bằng cho các dự án xây dựng. Những vạt cây xanh biến mất, thay vào đó là những khoảng đất trống hơ trống hoác, cùng những con đường dang dở bò lên tới tận đỉnh núi. Càng buồn hơn khi chợt nghĩ tới việc dịp này Việt Nam ta lại có thêm 4 vườn quốc gia được vinh danh là Vườn Di sản ASEAN.
Một công trình xây dựng trên sườn núi Cô Tiên.
Như vậy là tới nay nước ta có 10 khu vực được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, là cường quốc về lĩnh vực này của khu vực. Điều đó có được là nhờ sự đa dạng sinh học tự nhiên trời cho, cũng một phần do chúng ta gìn giữ được thiên nhiên của đất nước. Theo đại diện Tổng cục Môi trường, việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất khu vực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lựa chọn các hồ sơ của các vườn quốc gia có tiềm năng khác của Việt Nam để trình các Bộ trưởng môi trường ASEAN xem xét, công nhận.
Vậy nên nhìn lên núi Cô Tiên nham nhở, thì lại càng buồn.
Núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) diện tích gần 2.000ha, được coi là bức bình phong chắn gió bão cho người dân nơi đây từ ngàn xưa. Vị trí của núi rất đẹp khi nhìn xuống thành phố cũng như nhìn ra biển. Có phải vì thế chăng mà một số lãnh đạo tỉnh này quyết tâm “đánh thức nàng tiên” bằng hoàng loạt dự án bất động sản từ chân đến ngọn núi, kể cả việc chấp nhận làm sai, có nghĩa là đi ngược với đồ án quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân Nha Trang nói rằng, họ đã “tùng xẻo” “cô tiên” một cách không thương tiếc với không dưới 30 dự án “khủng”. “Cô Tiên” bị san ủi để phân lô bán nền, biệt thự, khu du lịch sinh thái... Từ khi việc “tùng xẻo” này bị chặn lại thì dãy núi mang hình ảnh nàng tiên nữ giáng trần mưa gió đã làm cho đất đá sạt lở tứ bề. Người dân Nha Trang vẫn không thể quên cuối tháng 11/2018, một đợt mưa lớn gây sạt lở, 10 căn nhà dân sống dưới chân núi bị sập, 4 người trong một gia đình giáo viên chết thảm, buộc chính quyền phải huy động cả ngàn người triển khai công tác cứu hộ cứu nạn.
Trong một kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh, khi được chất vấn, lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hòa lại cho rằng, toàn bộ dự án tại núi Cô Tiên có từ các nhiệm kỳ trước và sau này đã có thỏa thuận phương án kiến trúc, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cách giải thích ấy không thuyết phục được ai, nhất là với những người dân thành phố biển Nha Trang.
Điều đáng nói là ở Nha Trang, không chỉ có núi Cô Tiên bị “tùng xẻo” nay đang dang dở lở lói, mà còn nhiều khu vực khác cũng chịu chung số phận. Những năm qua, Nha Trang đã phát triển quá nóng, các dự án bất động sản quy mô lớn ào ào mọc lên. Con đường ven biển trung tâm thành phố, đường Trần Phú, chen chúc nhà cao tầng. Ngay cả phía mặt tiền hướng ra biển cũng bị ngăn ra, xây lên, quây lại từng đoạn từng đoạn một. Nha Trang đẹp ở thế núi kết hợp với những dòng sông và biển, như một bức tranh sơn thủy nhưng vẻ đẹp hài hòa trời phú ấy đang dần bị phá vỡ bởi những dự án bạt núi, lấp vịnh.
Không thể lấn mãi ra biển thì người ta tìm cách san núi, người dân Nha Trang nói thế. Cuối năm ngoái, sau những trận sạt lở núi làm chết người, UBND thành phố này mới tiến hành kiểm ra, rà soát cho thấy có khoảng 67 dự án trên đồi, núi. Các dự án tập trung nhiều ở núi Cô Tiên, Hòn Ngang, Giáng Hương, Hòn Rớ, Chín Khúc.
…Trở lại câu chuyện của người lái xe, anh này nói rằng người dân Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung buồn nhưng có hy vọng. Hỏi: Hy vọng gì? Anh nói: Mới rồi Trung ương kỷ luật một loạt lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, chủ yếu liên quan tới bất động sản. “Nha Trang yên rồi”- anh này nói. Cùng chung suy nghĩ ấy, là người rất yêu và có nhiều kỷ niệm buổi thiếu thời với thành phố này tôi cũng thầm cầu mong điều đó sẽ trở thành sự thực. Và còn một mong ước nữa, chắc “Cô Tiên” không muốn bị đánh thức theo cái kiểu người ta mang “cô” ra “tùng xẻo” như thời gian qua.