Vụ xe Volkswagen chứa bản đồ lưỡi bò: Đang cân nhắc xử lý hành chính hoặc hình sự
Liên quan đến việc xe Volkswagen trưng bày tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2019 có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cơ quan Hải quan cho biết đang cân nhắc, tìm căn cứ luật để xử phạt hành chính hay hình sự vụ việc, đối tượng.
Theo nguồn tin đề nghị giấu tên của Dân Trí từ Tổng cục Hải quan, cơ quan này đang sốt sắng vụ việc và đang cân nhắc trên các luật pháp chuyên ngành để có đề xuất xử lý xử phạt hành chính hay xử lý hình sự nhằm để sự việc không tái diễn trong thời gian tới.
“Hiện chúng tôi đang xem xét vụ việc chiếu theo hệ thống văn bản nào cho hợp lý nhất, Luật bản đồ, Nghị định 172 của Chính phủ có quy định hành vi vi phạm biển đảo thì có quy định thu hồi bản đồ”, thông tin của đại diện phía Tổng cục Hải quan đang được giao xử lý sai phạm nêu rõ.
“Tuy nhiên, nếu chỉ thu hồi bản đồ xe vẫn được lưu hành, không có tác dụng. Luật Xuất bản cũng nêu bản đồ sản phẩm vi phạm thì tịch thu hàng hoá, ở đây bản đồ điện tử tịch thu xong chẳng giải quyết được gì cả. Quan trọng là phải xử lý thật nghiêm, sao tránh tình trạng doanh nghiệp lại nhập khẩu xe có biển đồ hoặc cố tình nhập khẩu xe kiểu này”, nguồn tin từ Tổng cục Hải quan nêu rõ.
Ông này thêm rằng: “Chúng tôi xem xét các khía cạnh pháp luật để có hướng xử lý hành chính hay hình sự. Có một số chế tài áp dụng tiêu huỷ, nhưng ở đây là tiêu huỷ thiết bị chứa bản đồ và hải quan đang cân nhắc trên cơ sở pháp luật chuyên ngành thế nào để xử lý vụ việc”.
Trước đó, đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan nói: “Đây là hàng thuộc diện tạm nhập về trưng bày triển lãm rồi tái xuất nên không phải chịu loại thuế nào”.
Hải quan là cơ quan được giao quản lý về nghiệp vụ thuế xuất nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ, chủng loại xe, thuế đối với xuất xứ xe hơi, các loại hàng hoá có kê khai đúng với hoá đơn, chứng từ… Khó có thể can thiệp được vào phần mềm xe hơi. Các phần mềm, Catalogue giới thiệu đều là trách nhiệm nhà nhập khẩu, cơ quan an ninh (nếu có vi phậm về chủ quyền”.
Hiện hầu hết các mẫu xe toàn cầu được lắp ráp ở Trung Quốc, trong đó có Audi, Volvo, Volkswagen, BMW, Tesla, Hyundai, Toyota.. Chính vì vậy, việc quản lý chặt các phần mềm định vị, các nội dung độc hại về chủ quyền cần được các cơ quan chức năng sát sao hơn.
Không chỉ ô tô, mới đây một bộ phim có tên “Everest: Người tuyết bé nhỏ (Abominable)” cũng bị phía Trung Quốc lồng ghép hình ảnh đường lưỡi bò và được ra rạp ở Việt Nam. Ngay khi sự việc bị phát hiện, các rạp ở Việt Nam đồng loạt gỡ phim này và một quyền Cục trưởng, Cục Điện ảnh đã bị giáng chức xuống Phó Cục trưởng Cục điện ảnh.
Năm 2018, bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ, một thể loại phim mang thông điệp biển Đông của Trung Quốc cũng lọt qua hội đồng thẩm định phim Quốc gia, nhưng sau đó không ai bị chịu trách nhiệm.
Đường lưỡi bò là đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc, cái gọi là chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc bao trọn cả vùng biển của Việt Nam, cùng nhiều nước khác ở ASEAN như Malaysia, Philppines và Brunei… Cộng đồng quốc tế, các quốc gia ASEAN đều phản đối yêu sách vô lý, bịa đặt trắng trợn này của Trung Quốc trên nhiều phương diện pháp lý song phương và đa phương.
Hiện, Việt Nam cũng nhập khá nhiều thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, máy trò chơi, xe đồ chơi có màn hình điện tử, màn hình điện tử LCD ở các xe ô tô, hoặc sách báo, phim ảnh, bản đồ du lịch… từ Trung Quốc, để phòng tránh sớm nguy cơ bị tuyên truyền trái phép chủ quyền phi lý, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, sàng lọc hàng hoá để tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.