Ấn Độ chia tách bang Jammu và Kashmir thành hai thực thể
Từ giữa đêm 31/10, bang Jammu và Kashmir sẽ không còn tồn tại và thay vào đó sẽ là Ladakh không có cơ quan lập pháp và Jammu và Kashmir có cơ quan lập pháp.
Binh sỹ bán quân sự Ấn Độ gác trong thời gian áp đặt lệnh giới nghiêm tại Srinagar, thủ phủ mùa hè thuộc bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 5/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Ngày 31/10, Ấn Độ chính thức chia tách bang Jammu và Kashmir thành hai thực thể liên bang.
Từ giữa đêm nay, bang Jammu và Kashmir sẽ không còn tồn tại và thay vào đó sẽ là Ladakh không có cơ quan lập pháp và Jammu và Kashmir có cơ quan lập pháp.
Sự thay đổi hành chính nói trên diễn ra sau một động thái gây tranh cãi ngày 5/8, khi Chính phủ liên bang sửa đổi Điều 370 trong hiến pháp vốn đảm bảo các quyền đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir và sáp nhập vùng có đa số người Hồi giáo duy nhất ở Ấn Độ với phần còn lại của nước này.
Phát biểu tại Gujarat, Thủ tướng Narendra Modi cho biết: "Từ hôm nay, Jammu và Kashmir và Ladakh sẽ hướng tới một tương lai mới."
Bằng việc chấm dứt quy chế bán tự trị của vùng này, chính phủ của ông Modi đã thực hiện một lời hứa của đảng Bharatiya Janata cầm quyền, sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng Tư.
Tuy nhiên, nhiều người dân Kashmir không hài lòng với việc này, khiến chính phủ phải áp đặt nhiều hạn chế gần như lệnh giới nghiêm tại đây một thời gian.
Trong một phát biểu tại Hạ viện, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah khẳng định Điều 370 về quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir cản trở bang này hội nhập với Ấn Độ nên cần phải bãi bỏ.
Theo ông, điều khoản này gây ra tình trạng thất nghiệp và thất học, cản trở lan tỏa giá trị dân chủ trong khi khuyến khích chủ nghĩa ly khai do Pakistan hậu thuẫn.
Ông Amit Shah đảm bảo chính quyền hiện nay sẽ không lặp lại bất cứ sai lầm nào của những chính quyền trước.
Đây được xem là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua.
Khu vực Kashmir hiện chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song mỗi nước đều đòi chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.
Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra tại ranh giới phân chia khu vực Kashmir giữa hai nước.
Căng thẳng gia tăng gần đây khi hai bên cáo buộc lẫn nhau tấn công qua ranh giới này.