Xô đổ 'bức tường' đói nghèo - Kỳ I: Tiền cất trên núi
Người ta vẫn hình dung câu chuyện đói nghèo ở vùng biên viễn xứ Thanh giống như một bức tường thành kiên cố, khó lay chuyển. Vậy nhưng, tại huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hoá), suốt gần 5 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân cùng đoàn kết, nỗ lực, từng bước phá vỡ bức tường ấy một cách bài bản.
Đồng bào thoát nghèo thực, không màu mè. Rừng là vàng, tiền dân bản cất trên núi. Nhưng để lấy được tiền từ “kho” đòi hỏi mọi người phải siêng năng, cần cù lao động. Chứ tiền không chảy vào từng gia đình một cách dễ dàng được. Đó là tâm sự của nhiều chủ hộ tự nguyện nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở Quan Sơn.
Gia đình ông Hà Văn Hợi ở xã Sơn Hà xin thoát nghèo từ năm 2017 đến nay có đời sống kinh tế khá giả.
Những lá đơn thoát nghèo
Nếu như trước đây, có nhiều gia đình cố chen chân vào hộ nghèo để thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước thì nay tư tưởng của người dân đã khác. Nhiều hộ đồng bào dân tộc sinh sống nơi thượng nguồn sông Lò, huyện Quan Sơn đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. “Nghèo thì Nhà nước hỗ trợ tiền điện, hàng tháng được cấp gạo và thụ hưởng nhiều chính sách khác. Song chả nhẽ mình sức dài, vai rộng mà nghèo mãi sao, phải biết thẹn chứ? Con người cũng phải có lòng tự trọng mà. Chính vì vậy, chúng tôi nhận thấy đời sống kinh tế gia đình cơ bản ổn định, tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo”- anh Lò Văn Panh, trú bản Hẹ, xã Sơn Lư chia sẻ.
Cách thoát nghèo của vợ chồng anh Lữ Văn Chưng ở bản Hát, xã Tam Lư cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Lữ Văn Chưng sinh ra, lớn lên ở nơi thâm sơn cùng cốc, không được học hành, không biết chữ, khi lập gia đình, họ gần như tay trắng. Vậy rồi đôi vợ chồng trẻ được “kết nạp” vào danh sách hộ nghèo, năm 2014, Nhà nước hỗ trợ tiền cho anh chị mua bò giống sinh sản. Từ chiếc cần câu cơm này, sau 5 năm, đàn bò sinh sôi nảy nở, đến nay, vợ chồng anh có 6 con bò và dê, tính ra cũng chòm chèm gần trăm triệu đồng.
“Vợ chồng tôi hàng ngày đi làm công cho các xưởng chế biến luồng, vầu, bình quân thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn có 3 héc ta rừng luồng, vầu. Vợ chồng tôi chỉ có bốn năm khó khăn thôi, xin thoát nghèo cũng ba năm rồi. Nhận mình nghèo mãi, thẹn lắm”- anh Chưng nói.
Chúng tôi ghé qua bản Hạ, xã Sơn Hà vào một sớm đầu đông, tìm tới khu trang trại tạo lập bên con suối Pái dưới núi Pù Mằn của gia đình ông Hà Văn Hợi. Lúc này vợ ông Hợi đang cắt cỏ cho đàn bò, đàn dê, với 20 con dê thịt còn nhốt trong chuồng.
Hà Văn Khương, con trai ông Hợi khoe: Tối trước khi chúng tôi tới, đàn dê vừa đẻ thêm 6 con. Ngoài dê, nhà anh có đàn bò hơn chục con nữa, toàn bò lớn. Khương nói với mẹ bằng một tràng tiếng Thái, rồi bà cụ chạy lên đồi, lùa đàn bò về chuồng khiến tôi ngỡ ngàng. Anh Khương thỏ thẻ: “Trước gia đình em cũng thuộc diện hộ nghèo nhưng đến năm 2017, bố em viết đơn xin rút. Giờ ông cụ yếu rồi nên giao lại trang trại cho em quản lý. Ngoài đàn dê, bò, nhà còn có mấy héc ta rừng, một số ao cá”.
Ông Hà Văn Hợi chen vào câu chuyện: “Khi thằng Khương còn đi học đại học, nhà neo người nên việc trồng rừng, làm ruộng bị hạn chế, kinh tế túng lắm! Tôi nói thật, ngày đó gia đình ở trong diện hộ nghèo để còn giúp con được hưởng một số chính sách ưu đãi. Giờ em nó ra trường, tôi nói, nhà mình có rừng, ao, ruộng, con có sức trẻ lo tập trung phát triển sản xuất thôi. Vậy rồi, cuộc sống dần ổn định nên tôi quyết định xin hết nghèo. Chữ nghèo cứ đeo bám mãi thì chả biết tới bao giờ mới mở mặt, mở mày được”.
Anh Lò Văn Cường, trú xã Sơn Lư kể: Nhiều hộ xin thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo chăm sóc rừng mang lại cuộc sống khấm khá. Anh Cường tâm sự: “Tôi cho rằng mọi người phải lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, nhà này học nhà kia, bản này học bản khác, xã trên học xã dưới, rồi cuộc sống ở nơi rừng sâu, núi thẳm này sẽ thay đổi, tươi sáng hơn. Không thể cứ trông chờ, ỉ lại vào sự quan tâm của Nhà nước mãi được”.
Phải dựa vào rừng
Quan Sơn còn giữ được mật độ che phủ rừng rất lớn, chiếm tới 80% tổng diện tích tự nhiên. Không kể tới những cánh rừng già cấm khai thác thì khu rừng vầu, rừng luồng tại nơi này khá lớn. Vấn đề mấu chốt để xoá vòng luẩn quẩn đói nghèo, điều cần thiết nhất phải giữ được rừng, chăm sóc và trồng mới rừng. Vậy nên, khi hỏi, đâu là nguồn tư liệu sản xuất, bà con xác định đó là rừng, đất rừng.
Anh Hà Văn Phương, trú bản Hát, xã Tam Lư khẳng định: “Từ năm 2015 tới nay việc chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng được chính quyền cấp huyện, xã cũng như lực lượng kiểm giám sát rất chặt chẽ. Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 11 dương lịch hàng năm, cơ quan chức năng nghiêm cấm tuyệt đối việc bà con vào rừng lấy măng, khai thác cây vầu. Vì đây là thời điểm rừng vầu mọc măng, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển của loài cây mang lại nguồn sinh kế quan trọng giúp đồng bào phát triển kinh tế”.
Tiếp lời anh Phương, anh Lữ Văn Di ngước mắt nhìn lên cánh rừng luồng, vầu của gia đình mình nói ẩn dụ: “Đồng bào ở Quan Sơn giờ cất hết tiền ở trên núi rồi. Mỗi khẩu được giao khoanh nuôi khoảng trên dưới một héc ta rừng. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn được cấp phân bón chăm sóc luồng, vầu. Cán bộ họ giám sát chặt lắm, mình không bón không ổn đâu, họ phạt chết. Với lại chúng tôi xác định rõ rồi, giữ được rừng thì mới có cuộc sống ấm no. Giữ rừng để phòng tránh thảm hoạ thiên tai”.
Bà Phạm Thị Hoan- Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Hà cho biết: Từ khi cây cầu bắc qua sông Lò được xây dựng, ô tô mới vào được xã, người dân thoát cảnh đi bè, đi mảng, điện chiếu sáng cũng được kéo về. Có đường, có điện kết hợp với các chính sách hỗ trợ cây, con giống, công cụ sản xuất của Nghị quyết 30a, Chương trình 135 đã mở ra con đường thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc trong xã. Bà Hoan nói: “Công cuộc xóa đói, giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó, điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, tự thân thực sự muốn thoát nghèo”.
Câu chuyện 131 lá đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo như sự khởi đầu đặt nền móng trong quá trình phát triển của đồng bào các dân tộc ở huyện vùng biên Quan Sơn. Những gia đình viết đơn xin thoát nghèo đã cân nhắc kỹ càng về cái được, cái mất sau khi không còn đeo mác hộ nghèo. Họ muốn chứng minh cho bà con láng giềng, làng bản rằng, họ có ý thức tự vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần dành cho những nơi khó khăn hơn, thực sự nghèo hơn mình. Việc làng trên, bản dưới đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chú trọng phát triển lâm, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhằm đóng góp vào mục tiêu chung, phấn đấu đến năm 2020 đưa Quan Sơn thoát khỏi huyện nghèo.
Kỳ cuối: Phải thông tư tưởng