Cần đội ngũ nông dân chuyên nghiệp
“Trong bối cảnh hiện nay, nền công nghiệp và dịch vụ phải biến nông dân thành thị dân bền vững để họ sẵn sàng chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó” - PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II TP HCM nhận định về chính sách đất đai đối với nông nghiệp hiện nay.
Nông dân cần tích tụ ruộng đất để tạo ra những cánh đồng lớn.
PV:Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đất đai hiện nay chưa tạo thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp, ông đánh giá thế nào về vấn đề này, và ngành nông nghiệp cần phải có những điều kiện gì để có thể phát triển mạnh mẽ?
PGS.TS Vũ Trọng Khải: Khi Việt Nam chưa có một thế hệ nông dân chuyên nghiệp thì sẽ không thể có nguồn cầu về tích tụ, tập trung đất đai, từ đó khó tạo nên những trang trại gia đình quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, nền công nghiệp và dịch vụ phải biến nông dân thành thị dân bền vững để họ sẵn sàng chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó.
Các khu công nghiệp mọc lên tại nhiều địa phương nhưng người nông dân cứ khoảng 35-40 tuổi là là bị sa thải, và khi đó họ lại quay về với ruộng đất. Cho nên ruộng đất không thành tư liệu sản xuất mà lại trở thành vật bảo hiểm xã hội, tiết kiệm để dành, như vậy chúng ta không thể có thị trường đất đai lành mạnh. Thứ hai chúng ta không có nông dân chuyên nghiệp nên họ không có nguồn cầu về tập trung đất đai để tạo ra những trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Do đó phải tạo ra được thế hệ nông dân mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định hạn điền không thực sự cần thiết, ông đánh giá thế nào về điều này?
- Có thực tế là, trong việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, trang trại gia đình vẫn là lực lượng sản xuất hàng hóa chủ yếu, chỉ sử dụng sức lao động gia đình, mô hình này không thể gia tăng quy mô đất đai, vì thế quy định hạn điền hay không hạn điền đều không có ý nghĩa. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, để nông dân tích tụ ruộng đất, làm ăn lớn sẽ đối diện với nguy cơ bần cùng hóa, nhưng những dự án công nghiệp hay đô thị, chỉ cần chủ đầu tư lập dự án trình chính quyền có thẩm quyền quyết định là có cơ hội sử dụng đất. Vậy tại sao khi thu hồi đất để phát triển các dự án, khu công nghiệp lại không sợ nông dân mất đất, không sợ người dân mất kế sinh nhai, không sợ nông dân bần cùng hóa? Đây là mâu thuẫn cần được hóa giải.
PGS.TS Vũ Trọng Khải.
Đối với đất nông nghiệp có quy định thời hạn sử dụng, tôi cho rằng quy định này cũng không cần thiết, bởi đơn cử như quy định nhà nước cho nông dân thuê đất 50 năm, sau 50 năm nếu chia lại ruộng đất rất dễ xảy ra xáo trộn. Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi người sử dụng vi phạm Luật Đất đai, người sử dụng đất không bảo vệ môi trường hoặc sử dụng đất trái mục đích, nếu đặt vấn đề thời hạn sử dụng đất hoàn toàn không có ý nghĩa.
Ở thời điểm hiện nay, thiết nghĩ Nhà nước cần giải quyết được ba việc: Một là, phải đào tạo ra một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ có nguồn cầu về tích tụ và tập trung đất đai. Hai là, biến nông dân thành thị dân bền vững, làm sao số nông dân chỉ chiếm 10% dân số khi đó sẽ có nguồn cung về đất đai. Ba là, khung pháp lý của đất đai phải theo thị trường, thì chúng ta sẽ giải quyết được bài toán nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thưa ông, ông có thể nêu những bất cập mà bà con nông dân gặp phải trong việc đổi cây trồng canh tác trên đất lúa hiện nay?
- Nhìn vào hiệu quả của việc sản xuất lúa trên 1ha diện tích thì không cao như những cây trồng khác, nhưng nếu 1 hộ nông dân có từ 10 – 15ha lúa thì lợi nhuận tính theo đồng vốn lại rất cao. Trong khi vẫn chưa thay đổi việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang những cây trồng khác. Do đó, người nông dân cần phải được đào tạo lại, phải được hướng dẫn và có những doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm. Nhà nước quản lý mục đích sử dụng đất, không quản lý việc ai sử dụng đất nên đây là những quy định có sự mâu thuẫn cần phải được giải quyết.
Một điều bất cập khác tôi muốn nhấn mạnh đến, đó là quy định muốn chuyển đổi 10ha đất lúa sang trồng các loại cây khác phải xin phép chính quyền cấp tỉnh. Trong khi theo quy định nhà nước quản lý mục đích sử dụng đất, không quản lý việc ai sử dụng đất nên đây là những quy định có sự mâu thuẫn. Tôi cho là, trong cùng một diện tích đất đai phải được phép chuyển đổi lẫn nhau, chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp đương nhiên phải xin phép, nhưng đất nông nghiệp chuyển từ cây trồng này sang cây trồng khác thì không cần thiết.
Xin cảm ơn ông!