XÔ ĐỔ 'BỨC TƯỜNG' ĐÓI NGHÈO - Kỳ cuối: Phải thông tư tưởng
Đảng bộ, chính quyền huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hoá) xác định rõ nút thắt trong việc xoá đói nghèo, phát triển kinh tế trước tiên phải thông được tư tưởng trong đội ngũ cán bộ từ trên xuống dưới. Đối với nhân dân, cần giúp họ rũ bỏ tư tưởng, rào cản lạc hậu, hủ tục, sự tự ti, trông chờ, ỉ lại.
Ông Hà Văn Toan - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hát, xã Tam Lư có thâm niên làm cán bộ cấp cơ sở hơn 30 năm qua chia sẻ: “Từ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, căn cứ tình hình thực tế để vận dụng tuyên truyền, hướng dẫn tới từng người dân. Trong đó, đảng viên phải làm trước, anh đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng không gương mẫu thì nhân dân sẽ không noi theo”.
Nói về việc nêu gương, ông Vi Văn Piên- Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết: Khi triển khai Nghị quyết 07/NQ-HU xuống các chi bộ, lúc đầu còn bỡ ngỡ, phải qua rất nhiều hội nghị, các đảng viên, mới thông. Năm 2016, toàn xã còn 227 hộ nghèo, đến năm 2018 chỉ còn 101 hộ. Có được kết quả đó là nhờ vào việc thực hiện mục tiêu tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ông Piên nói: “Việc rà soát hộ nghèo được chấm theo thang điểm cụ thể đối với từng hộ dựa vào điều kiện thực tế, chứ không phải anh cứ nộp đơn là được thoát nghèo. Đối với cán bộ, đảng viên dựa trên các thang điểm, họ tự rút thôi, không ai ép cả. Bản thân cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thì dân bản mới làm theo”.
Đảng bộ, chính quyền huyện Quan Sơn xác định, việc giảm nghèo bền vững là ưu tiên số một. Sau Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn khoá V, nhiệm kỳ 2015-2020, phải mất thêm khoảng 2 năm nữa, với sự quyết liệt trong Thường trực, Ban Chấp hành, sự đồng thuận của nhân dân, Nghị quyết 07-NQ-HU chính thức được ban hành vào ngày 4/4/2017. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền xác định có mấy việc phải làm ngay nhưng trước hết, dựa trên nền tảng văn hoá, phải xây dựng Đảng thật tốt.
Người dân Quan Sơn tự ươm giống vầu phục vụ cho việc trồng mới rừng.
Nghị quyết 07/NQ-HU “đánh thẳng” vào việc làm thay đổi tư tưởng, tập quán canh tác, sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân để phục vụ mục tiêu giảm nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Tiến- Bí thư Huyện uỷ Quan Sơn cho biết: Việc xây dựng Nghị quyết 07/NQ-HU rất kỳ công, Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy ý kiến phản biện của các tổ chức, đoàn thể, người có uy tín và đặc biệt là nhân dân; tiếp đó Thường vụ Huyện uỷ đưa ra bàn bạc ba lần mới ban hành. Nghị quyết này đã chỉ ra 12 biểu hiện của tư tưởng, tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Ông Tiến nói: “Cái này không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà phải tuyên truyền thông qua việc chuyển hoá thành hương ước, quy ước cộng đồng tại 99 bản trên toàn huyện và mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Đến nay, việc này được cải thiện đáng kể về chất, đám cưới tổ chức gọn nhẹ; đám ma không còn kéo dài cả tuần lễ như trước, trong khi phong tục, tập quán vẫn được lưu giữ. Đấy là giảm nghèo”.
Về công tác xây dựng Đảng có mấy việc, đổi mới bộ máy, sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn bộ máy, Quan Sơn là huyện đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này đã nhất thể hoá 100% chức danh bí thư, trưởng bản, qua đó mọi việc chỉ đạo thông suốt, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ cấp xã cũng được sắp xếp lại nhằm giảm bớt chi phí, công việc bớt phải cắt khúc, chậm tiến độ. Cấp uỷ, chính quyền huyện Quan Sơn đã phải “thọc” thẳng xuống xã, bản, xuống tận từng hộ dân để chỉ đạo thông qua mô hình 3+1 và Nghị quyết 11 về việc nêu gương trong đảng viên.
Mô hình 3+1 nghĩa là trong một tháng các uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 3 tuần làm việc, một tuần đi cơ sở hoặc tư duy về cơ sở. Từ Bí thư Huyện uỷ trở xuống, bắt buộc ít nhất phải đến cơ sở dự sinh hoạt chi bộ định kỳ 1 tháng một lần để cùng bàn các nội dung công việc.
“Việc này không có chuyện để chi bộ phải hoãn họp và được công khai, ông nào không đi sẽ có đảng viên, nhân dân giám sát. Vì hoãn, dân sẽ nghĩ mấy ông cán bộ khệnh khạng và thực tế sản phẩm nằm ở cơ sở. Tới nay, mọi việc đi vào nề nếp, chi bộ họp xong ban hành nghị quyết và triển khai thực hiện luôn, rất thiết thực”- ông Tiến nói.
Trong công tác giảm nghèo, Quan Sơn lấy đảng viên làm nòng cốt, nêu gương. Kết quả mang lại sau khi Nghị quyết 07/NQ-HU ra đời, tính đến hết năm 2018, Quan Sơn là huyện có số lượng giảm nghèo cao nhất trong tổng số các huyện 30a trên toàn quốc, giảm tới 9,25%, trong khi tỉnh giao chỉ tiêu 6%. Đầu nhiệm kỳ, số hộ nghèo ở Quan Sơn chiếm tới gần 50%, đến nay giảm xuống còn 17%.
Bí thư Huyện uỷ huyện Quan Sơn khẳng định: “Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo được tính bằng số hộ chứ không tính bằng phần trăm. Chính quyền phải bóc tách từng trường hợp, phân tích và đưa ra giải pháp, hộ nào thoát nghèo phải có địa chỉ cụ thể. Bởi nếu giao theo phần trăm, có thể địa phương báo cáo thiếu chính xác, cấp trên quan liêu thì sẽ nhận về số liệu ảo. Riêng giảm nghèo, không có chuyện chung chung được”.
Từ thực tế ở Quan Sơn (Thanh Hóa) cho thấy, nếu chúng ta làm tốt công tác xây dựng Đảng sẽ có tác động rất lớn đến việc giảm nghèo. Suy cho cùng, bộ máy chính quyền, cán bộ tạo ra phong trào, tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân tự làm không thể để Nhà nước cứ mãi cấp tiền xuống cho dân để giảm nghèo. Nghị quyết 07/NQ-HU của Quan Sơn đã “đánh” thẳng vào nhận thức nghèo là hèn, nghèo là kém cỏi, mất đi lòng tự trọng, từ đó dần thay đổi. Đến nay, Quan Sơn có gần 40 bản đã về đích nông thôn mới, cao nhất ở khu vực miền núi. Thu nhập bình quân của người dân cũng tăng lên, đầu nhiệm kỳ đạt 18,3 triệu đồng/người/năm, đến nay đã tăng lên hơn mức 25 triệu đồng/người/năm.
Ông Tiến nói: “Việc này được thống kê độc lập, chính quyền cùng thôn bản tính toán cụ thể, khách quan, không gian lận được, dân kiện chết”.