Buôn lậu đã vào thời điểm nóng

Lê Anh 02/11/2019 07:30

Hoạt động buôn lậu qua cảng biển, cảng sông ở TP Hồ Chí Minh vẫn phức tạp. Riêng ngành Hải quan và Cục Quản lý thị trường TP từ đầu năm tới nay đã xử lý gần 1.000 vụ lớn nhỏ, trong đó có hàng chục vụ phải khởi tố hình sự. Đô thị lớn nhất nước đang bị các đối tượng buôn lậu “nhòm ngó” như một thị trường thu lợi bất chính. Từ thời điểm này cho tới Tết Nguyên đán các hoạt động buôn lậu sẽ còn tăng nhiệt.

Không dễ phát hiện buôn lậu

Ông Nguyễn Văn Bách- quyền Cục trưởng Cục QLTT TP HCM cho rằng, công tác phòng chống buôn lậu của TP HCM đang gặp không ít khó khăn do là địa bàn trung chuyển và cũng là thị trường tiêu thụ của hoạt động buôn lậu. Hàng lậu được tuồn vào thành phố từ các tỉnh Tây Ninh, Long An thông qua các địa bàn giáp ranh, sau đó vào tiêu thụ tại các quận nội thành của thành phố và phần còn lại được chuyển đến các tỉnh thành khác.

Buôn lậu đã vào thời điểm nóng

Gỗ lậu được Hải quan TP HCM phát hiện,thu giữ tại cảng Cát Lái.

Đại diện Hải quan TP HCM cũng cho biết, số lượng các vụ phạm pháp, vi phạm pháp luật về hải quan gia tăng thời gian gần đây đã đưa ra những cảnh báo rất nghiêm túc về việc TP HCM trở thành “tầm ngắm” của hoạt động buôn lậu. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Hải quan TP HCM đã xử lý đến 990 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trong đó có 5 vụ lớn được chuyển qua cơ quan công an tiến hành khởi tố hình sự, với ước tính trị giá hàng hóa vi phạm lên đến gần 1.500 tỷ đồng.

Trong số 5 vụ buôn lậu phải khởi tố hình sự, Cục Hải quan TP HCM phối hợp với các cơ quan chức năng khởi tố hình sự có 2 vụ liên quan đến việc xuất khẩu trái phép hàng hóa qua biên giới; 3 vụ liên quan đến việc nhập khẩu hàng cấm do Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện tại cảng ICD Phước Long - Thủ Đức và cảng Cát Lái. Đáng chú ý, trong vụ xuất lậu gỗ, gian lận thuế có quy mô lớn đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi các đối tượng chưa kịp tẩu tán.

Tuy nhiên, chính Hải quan TP HCM cũng thừa nhận, số vụ buôn lậu bị khởi tố hình sự sẽ còn tăng hơn nữa trong 2 tháng cuối năm do diễn biến phức tạp của hoạt động này.

Hiện nay Cục Hải quan TP HCM và các Chi cục Hải quan cửa khẩu vẫn đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ để khởi tố một số vụ buôn lậu lớn qua các cửa khẩu cảng biển được phát hiện từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, báo cáo từ Cục QLTT TP HCM chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, đã kiểm tra chuyên ngành và liên ngành đến gần 30.000 vụ việc, tăng hơn 142% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay ngành này cũng chỉ mới phát hiện, xử lý khoảng 3.435 vụ vi phạm, và thu nộp về ngân sách số tiền hơn 54,6 tỷ đồng, riêng trị giá hàng hóa tiêu hủy đã là 33 tỷ đồng, trong khi hàng tịch thu chờ bán còn khoảng 79,7 tỷ đồng. Cục QLTT TP HCM cũng đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP khởi tố hình sự 11 vụ án, trong đó có 7 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; với số hàng hóa sai phạm, tang vật lên đến nhiều tỷ đồng.

Hiện Công an TP HCM đang tiến hành điều tra một vụ án buôn lậu điển hình, xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1. Trong vụ này, Công ty TNHH Thập Nhất Gia được phát hiện làm thủ tục nhập khẩu lô hàng, theo tờ khai hải quan thì hàng hóa khai báo nhập khẩu là hạt hạnh nhân đã qua sơ chế; nhưng qua kiểm tra thực tế thì Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện toàn bộ lô hàng trên là 617 kiện hàng hóa khác chủng loại, với trọng lượng 7 tấn, đã bị ngăn chặn kịp thời trước khi vào nội đô thành phố tiêu thụ phi pháp.

Xử nặng mới đủ răn đe

Về công tác phòng chống buôn lậu, ông Đinh Ngọc Thắng- Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho rằng, thời điểm cuối năm là dịp các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh hơn nên các đơn vị nghiệp vụ hải quan, QLTT cần chủ động rà soát việc phân luồng tờ khai. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thu thập, phân tích thông tin doanh nghiệp (DN) được đánh giá tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ soi chiếu đối với hàng hóa nhập khẩu tại cảng biển, cảng sông. Theo ông Thắng, việc tăng cường công tác nêu trên không chỉ tạo thuận lợi cho DN phân luồng tờ khai, còn giúp liên ngành Hải quan và QLTT TP HCM sàng lọc được các dấu hiệu vi phạm hải quan, để đưa ra hướng xử lý kịp thời.

Trong khi đó, UBND TP HCM cũng đã yêu cầu các sở ngành, 24 quận, huyện trên địa bàn cần tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là vào thời điểm cuối năm, trong đó khẳng định công tác này là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải thực hiện thường xuyên và không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm, sai phạm về pháp luật hải quan.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thì việc xử phạt hành chính chưa đủ răn đe đã khiến cho hoạt động buôn lậu diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Nhiều DN kiến nghị với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bên cạnh tăng cường công tác hải quan và QLTT còn phải có biện pháp điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại. Trong khi đó, nhiều đề xuất với Bộ Công an hướng dẫn xử lý các phương tiện vận chuyển bằng đường nhập lậu theo hướng tăng nặng, bởi vì việc vận dụng Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đang quá nhẹ và thiếu tính răn đe.

Lê Anh