Đích đến của tăng trưởng
“Tôi đề nghị cần phải chỉ đạo tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường, tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2020 trong năm 2020. Đồng thời bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để người dân không phải gánh chịu những tác động xấu từ môi trường mang lại, nhất là các giải pháp về GDP xanh”. Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, ĐBQH tỉnh Bắc Giang.
Những năm vừa qua, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều tác động không thuận chiều tới kinh tế Việt Nam, kinh tế nước nhà đã đạt được những bước tăng trưởng đáng tự hào. Với nhịp độ tăng trưởng như hiện nay, có thể nói, đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đã đặt ra. Hai năm liên tiếp đạt, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là thành tích đáng để tự hào nhưng không thể tự mãn, bởi điều mà Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực băn khoăn chính là tăng trưởng GDP xanh chứ không đơn thuần chỉ là tăng trưởng đơn thuần như trước.
Vì sao nhất thiết phải là GDP xanh bởi đích của tăng trưởng cũng là để phục vụ cuộc sống của người dân, để không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau, họ phải nhận được những thành quả từ sự tăng trưởng ấy. Tuy nhiên, chưa định lượng rõ được những thứ người dân nhận được từ sự phát triển ấy, nhưng hiện tại, nếu ta không khéo léo trong xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường thì những người dân sẽ lãnh những hậu quả tiêu cực từ chính môi trường chỉ vì sự phát triển bằng mọi giá mà quên yếu tố môi trường.
Nhìn từ việc kiểm soát chất lượng nước thải, nước sinh hoạt, không khí tại các đô thị chúng ta thấy rất rõ điều này. Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt, mới có 12,5% lượng nước thải ở đô thị loại IV được xử lý, và 46,5% địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đô thị. Đáng nói là tỷ lệ xả thải trực tiếp còn rất cao gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm còn đáng lo ngại. Sự cố môi trường đã xảy ra ở một số nơi nhưng việc cảnh báo, thông tin, phòng ngừa ô nhiễm chưa kịp thời, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại với thực trạng người dân nhiều địa phương đang đối diện với ô nhiễm và những hệ quả tất yếu về sức khỏe hằng ngày. Theo đó, mục đích của phát triển kinh tế là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân. Thế nhưng, việc nhân dân phải sống trong ô nhiễm, từ môi trường không khí, nguồn nước, thực phẩm cho thấy chạy theo phát triển kinh tế nóng thiếu bền vững đã làm tổn hại môi trường, dẫn đến chất lượng cuộc sống của họ chưa được bảo đảm.
Trở lại vấn đề tăng trưởng xanh, đây là vấn đề được Đảng, Chính phủ đặc biệt lưu tâm. Bởi, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.
Cùng nhau làm sạch bờ biển.
Ý thức được tầm quan trọng của tăng trưởng GDP xanh, chúng ta đã có “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Đồng thời ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược đó là xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Và xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
Dẫu rằng Chiến lược đã ra đời được gần 10 năm, chúng ta đã nỗ lực hướng tới tăng trường xanh, bền vững nhưng kết quả chưa được nhiều. Nhìn vào việc các địa phương đã cụ thể hóa Chiến lược này cho thấy, còn nhiều địa phương chưa chú trọng vấn đề này. Cụ thể, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Điều đó cho thấy, việc cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia chưa phải là một nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện ở bộ, ngành và địa phương.
Để tăng trưởng phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường- ĐBQH Ngô Sách Thực đề nghị, cần tăng cường chỉ đạo quản lý nhà nước về vấn đề tài nguyên môi trường, cụ thể là chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định triển khai các dự án đầu tư; khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; kiểm soát xả thải, nhập khẩu công nghệ và có quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật…
Cùng với đó nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Đồng thời hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh. Đặc biệt, các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện, nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra vào năm 2020. Có như vậy mới phát triển nhanh và bền vững được.