Boeing lại đối diện khó khăn

Ngọc Mai 02/11/2019 07:00

Lý do được đưa ra là do phát hiện vết nứt. Thông tin trên được đưa ra ngày 31/10, theo đó Hãng hàng không Qantas của Australia cho biết trong số 33 chiếc máy bay Boeing 737 NG của Hãng được yêu cầu kiểm tra, có 3 chiếc đã phát hiện vết nứt ở bộ phận kết nối giữa thân và cánh máy bay.

Theo ông Andrew David- Giám đốc điều hành Qantas, Hãng sẽ không bao giờ cho phép một máy bay cất cánh khi chưa đảm bảo độ an toàn; tuy rằng những vết nứt này không gây nguy hiểm ngay lập tức đối với các chuyến bay, và thực tế là các cuộc kiểm tra đối với dòng máy bay được yêu cầu tối thiểu là sau 7 tháng.

Chưa hết, trong một diễn biến liên quan, Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air và Hãng hàng không Mỹ Southwest Airlines cũng đã tạm dừng hoạt động một số máy bay 737 NG sau khi phát hiện vết nứt trên thân máy bay. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh nhiều hãng hàng không trên thế giới đang tiến hành kiểm tra những máy bay gặp vấn đề sau khi Cơ quan Quản lý hàng không Mỹ đầu tháng 10 vừa qua yêu cầu kiểm tra các máy bay Boeing 737 NG thế hệ cũ, đặc biệt là những máy bay đã trải qua nhiều giờ bay. Cũng trong ngày 31/10, Người phát ngôn Boeing cho biết trong quá trình kiểm tra 1.000 máy bay, gần 5% được phát hiện có vết nứt và phải tạm ngừng hoạt động.

Tuy chưa “ở mức độ nguy hiểm” nhưng việc phát hiện lỗi mới đã làm tăng thêm khó khăn đối với Boeing, sau những thảm họa rơi máy bay gây thương vong lớn liên quan đến dòng Boeing 737 MAX, thế hệ tiếp nối của dòng máy bay 737 NG. Điều đó dẫn đến việc chỉ trong tháng 10/2019, Boeing đã buộc phải kiểm tra lại những máy bay Boeing 737NG đã thực hiện hơn 30.000 chuyến bay.

Dòng 737NG là tiền thân của chiếc Boeing 737 MAX. Sau vụ việc rơi máy bay chở khách Boeing 737 MAX của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng và sau đó vào tháng 3/2019 chiếc 737 MAX của hãng Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng, dòng 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn thế giới từ tháng 3 năm nay. Giám đốc điều hành của Boeing đã phải ra điều trần trước Hạ viện Mỹ và nói rằng Tập đoàn này đã mắc lỗi trong Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay tự động (MCAS) lắp đặt trên 737 MAX.

Nguyên nhân của hai vụ tai nạn liên quan tới Boeing 737 MAX được xác định là lỗi trong phần mềm hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS). Tiện ích này giúp máy bay tự điều chỉnh vận hành cho phù hợp với thiết kế kỹ thuật, nhưng lại trở thành “dao hai lưỡi” khi cảm biến có trục trặc. Khi đó, MCAS sẽ đẩy mũi máy bay chúi xuống đất. Điều đáng nói là khi rơi vào tình huống này, các phi công lại chưa được Boeing đào tạo cách đối phó, dẫn tới nhiều trường hợp lúng túng trong xử lý.

Tuy thế thì Boeing vẫn nỗ lực để lấy lại và tiếp tục khẳng định uy tín thương hiệu, với tuyên bố Boeing 737 MAX sẽ sớm trở lại bầu trời. Và American Airlines đã công bố việc sẽ đưa những chiếc Boeing 737 MAX trở lại khai thác vào tháng 1/2020, sau khi việc khắc phục lỗi phần mềm thành công.

Thực tế, American Airlines không đơn độc trong việc mạo hiểm đưa Boeing 737 Max trở lại bầu trời. Nhiều hãng hàng không khác của Mỹ cũng đã có kế hoạch khai thác trở lại loại máy bay từng vướng 2 vụ tai nạn nghiêm trọng vào tháng 10/2018 và tháng 3/2019 khiến 346 người thiệt mạng (như đã nói ở trên) nhưng có lộ trình chậm hơn.

Thực tế thì Boeing vẫn là hãng sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới, với nhiều tính năng ưu việt, trong đó có độ an toàn cực cao.

Việc một dòng Boeing cụ thể gặp lỗi kỹ thuật (như Boeing 737 MAX) là cực hiếm. Cũng kể từ sau sự cố đó, Boeing đã tiến hành nhiều biện pháp kiểm soát nhằm bảo đảm độ an toàn tuyệt đối ở tất cả các khâu. Vì thế, việc Hãng lập tức có phản ứng về hiện vết nứt ở bộ phận kết nối giữa thân và cánh máy bay Boeing 737 NG được coi là “hành động trách nhiệm”.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, trong khi sự cạnh tranh của các hãng hàng không lớn được đẩy lên thì một sự cố như đối với Boeing 737 NG lại là không đơn giản.

Ngọc Mai