Giáo dục trẻ tự kỷ: Chồng chất khó khăn
Chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ không phải là câu chuyện riêng của mỗi gia đình có trẻ mắc bệnh mà còn là trách nhiệm của xã hội. Thời gian vừa qua, câu chuyện cô giáo của một trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ có hành vi, lời nói không phù hợp với học sinh khiến dư luận bức xúc. Tình trạng thiếu các cơ sở chăm sóc, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ tự kỷ một lần nữa được đặt ra và cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành.
Hình ảnh giáo viên có những lời nói, hành vi không phù hợp với trẻ tự kỷ khiến dư luận bức xúc những ngày gần đây.
Thiếu trường lớp
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 200.000 người, cả trẻ em và người lớn đang mắc chứng tự kỷ. Với riêng trẻ em, tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ước tính là 1%. Đặc biệt trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm.
Đây là căn bệnh chưa có cách nào chữa khỏi hoàn toàn, song nếu được phát hiện sớm, can thiệp đúng cách thì người tự kỷ vẫn có khả năng tiến bộ, hòa nhập với xã hội, đi học, đi làm và sống độc lập, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vai trò giáo dục của gia đình đối với trẻ tự kỷ là vô cùng quan trọng, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng nhận thức đúng đắn về căn bệnh này cũng như có hiểu biết để can thiệp sớm cho trẻ, nên vai trò của nhà trường và các trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ là không thể thiếu.
Hiện ở Việt Nam trẻ tự kỷ phổ nhẹ vẫn đang tham gia học hòa nhập cùng với các học sinh khác trong các trường công lập và khối tư thục, dân lập... nếu ở mức độ nặng hơn đòi hỏi phải được giáo dục tại các trung tâm chuyên biệt với giáo viên có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ.
Tuy nhiên, việc học hòa nhập cũng không hề đơn giản do nhận thức của nhiều bậc phụ huynh, thậm chí là giáo viên đứng lớp và chính phụ huynh của trẻ tự kỷ về chứng tự kỷ cũng chưa thấu đáo. Người viết bài này đã từng chứng kiến một số phụ huynh trong lớp tiểu học phản ứng với nhà trường do thấy trong lớp con mình học có một học sinh có dấu hiệu của trẻ tự kỷ. Họ lo lắng con mình sẽ bị ảnh hưởng, mất tập trung khi học, thậm chí là lo bị bạn đánh, cắn… Mặc dù đã được Ban Giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm trao đổi, nhưng do không chịu nổi áp lực, họ đã chuyển con đến học tại một ngôi trường tư thục khác…
Từ năm 1999, Bộ GDĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, nhưng sự quan tâm của Bộ GDĐT mới chỉ chạm đến những trẻ khuyết tật về cơ thể, chưa tiếp cận được với trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi... Một số tỉnh thành đã đặt ra vấn đề “không được từ chối tiếp nhận học sinh khuyết tật” nhưng cái khó là các trường không đủ điều kiện, nhân lực, không có phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi nên hầu hết trẻ tự kỷ ở các địa phương tuy được nhận vào các trường công nhưng đều không thực sự được hòa nhập…
Thiếu giáo viên đủ tâm, đủ tầm
Hiện một số trường như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM có khoa Giáo dục đặc biệt, trong đó đào tạo giáo viên có chuyên môn để dạy can thiệp các lớp này. Ngoài ra, có 3 trường cao đẳng là Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương ở Hà Nội, Nha Trang, TP HCM cũng có chuyên ngành này. Tuy nhiên, hàng năm số lượng giáo viên ra trường vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, do số lượng trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng và đây cũng là giáo dục đặc biệt nên đòi hỏi mô hình một thầy - một trò hoặc một thầy - một số ít trò mới có thể hiệu quả. Nếu lớp học đông với 40-50 trò chỉ một hai giáo viên thì không thể nào đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do những trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường khó khăn cả về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Những khó khăn đó đã gây trở ngại rất lớn trong việc kết bạn, tham gia các hoạt động vui chơi, các quan hệ xã hội. Thêm vào đó, những người xung quanh không hiểu được những khó khăn đó, không thông cảm với trẻ, kỳ thị, xa lánh… khiến cho trẻ ngày càng mặc cảm, tự ti, thiếu niềm tin vào người khác, từ đó trẻ rút vào vỏ tự kỷ, thích sự cô lập, tránh giao tiếp với các bạn. Điều này khiến cho quá trình giao tiếp của trẻ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn...
Kiên nhẫn và thấu hiểu, yêu thương và được đào tạo có chuyên môn là những đòi hỏi cần thiết đối với giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Nói như ThS Đỗ Thị Thủy, Học viện Quản lý Giáo dục, giáo viên dạy trẻ phổ tự kỷ trong trường học không phải là người trông trẻ bình thường mà còn là người hướng dẫn, dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống để hình thành kỹ năng sống và nhân cách. Các em hằng ngày đi học, tiếp xúc với các cô nên mọi cử chỉ, hành động của cô đều in hằn trong tâm trí trẻ. Vậy nên cô giáo phải là một hình mẫu để trẻ học theo, không thể là một người thiếu nhân cách, nóng nảy, cộc cằn, cư xử nhất thời. Giáo viên cần yêu quý trẻ em thật sự, sẵn sàng biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên và chân thành nhất.
Do đặc thù riêng của trẻ phổ tự kỷ nói chung và từng trẻ nói riêng, mỗi em lại có đặc điểm và hành vi ở ngưỡng nặng nhẹ khác nhau. Mặc dù mối quan hệ một - một (một cô một trò) là chìa khóa quan trọng trong can thiệp trị liệu phù hợp cho trẻ, song không phải gia đình nào cũng có điều kiện để theo đuổi mô hình này, nhất là khi việc can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ cần diễn ra lâu dài và bền vững, không thể chỉ một khóa học đã yêu cầu trẻ phải tiến bộ.
Còn với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế và thu nhập thấp, việc cho con can thiệp trị liệu lâu dài sẽ là một gánh nặng thực sự. Đôi khi ở những trẻ em này sẽ là sự phát triển thụt lùi, kèm với những rối loạn giác quan ngày càng nghiêm trọng. Điều này gây khó khăn cho sự phát triển xã hội sau này, là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
Chính vì vậy, từ phía ngành Giáo dục nói riêng và các cơ quan, ban ngành khác nói chung cần có sự quan tâm, vào cuộc để đem lại cơ hội giáo dục tốt hơn cho trẻ tự kỷ. Mong mỏi sẽ sớm có những chính sách đặc thù đối với đối tượng mắc chứng tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung để giảm áp lực cho gia đình và xã hội.
Người viết bài này đã từng chứng kiến một số phụ huynh trong lớp tiểu học phản ứng với nhà trường do thấy trong lớp con mình học có một học sinh có dấu hiệu của trẻ tự kỷ. Họ lo lắng con mình sẽ bị ảnh hưởng, mất tập trung khi học, thậm chí là lo bị bạn đánh, cắn… Mặc dù đã được Ban Giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm trao đổi, nhưng do không chịu nổi áp lực, họ đã chuyển con đến học tại một ngôi trường tư thục khác…