Dư địa lớn cho bán lẻ nội
Sau một thời gian ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam với hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại bắt đầu cảm thấy mục tiêu mở rộng và phát triển thị phần ở Việt Nam không được như kỳ vọng. Bằng chứng là các tên tuổi lớn của nước ngoài dần nhường lại thị phần cho các DN khác. Đây chính là cơ hội cho DN nội giành lại sân nhà.
Bán lẻ nội có nhiều cơ hội để bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.
DN ngoại lui dần
Không phủ nhận, trong một thời gian khá dài, các DN bán lẻ Việt Nam bị cuốn vào cuộc đua tranh khốc liệt bởi làn sóng DN bán lẻ nước ngoài ồ ạt tràn vào. Hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập được thực hiện bởi những bàn tay của các đại gia bán lẻ ngoại đã khiến cho ngành bán lẻ nước nhà “đứng ngồi không yên”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ ngoại dường như khó thích nghi tại môi trường ở Việt Nam khi mà chỉ sau một thời gian mua bán, sáp nhập rầm rộ, hàng loạt các tên tuổi bán lẻ ngoại đã phải “rũ áo ra đi”.
Đơn cử như Metro (Đức) đã bán lại cả chuỗi 19 siêu thị Metro cho TC Land của Thái Lan vào năm 2015. Casino (Pháp) bán lại chuỗi 66 siêu thị Big C cho BJC Thái Lan và hiện nay vẫn đang trong quá trình ổn định tổ chức, mới chỉ mở thêm được duy nhất một siêu thị tại Hà Nội. Parkson đến nay đã đóng cửa 5/9 trung tâm thương mại và báo lỗ liên tiếp 8 năm gần đây. Aeon phải chuyển lại 30% cổ phần trong hệ thống 23 siêu thị Fivimart - Aeon cho Vingroup vào cuối năm 2018 để Vingroup sở hữu 100% hệ thống này. Ngày 16/5/2019, Tập đoàn Auchan (Pháp) tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, bán lại cho Saigon Coop.
Ở chiều ngược lại, các DN bán lẻ nội lại đang chứng minh khả năng phát triển của mình khi những tên tuổi như Vingroup, Saigon Coop… ngày càng mở rộng thị phần ra khắp cả nước. Theo đó, với sự nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, mở rộng mạng lưới đến từng ngõ ngách ở cả khu vực thành thị và nông thôn, Tập đoàn Vingroup đến nay đã mở ra 1.700 siêu thị mini và hơn 100 siêu thị Vinmart và Vinmart+ ở khắp nơi trên toàn quốc, trở thành nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. Theo kế hoạch phát triển của Vinmart và Vinmart+, đến năm 2020, hệ thống sẽ có 200 siêu thị và 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các DN bán lẻ khác như Saigon Coop, Satra cũng đều có những bước phát triển rất đáng khích lệ, lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 7 trong top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Tận dụng cơ hội để bứt phá
Như vậy có thể thấy, dù không ít lần chứng kiến làn sóng bán lẻ ngoại dội vào một cách mạnh mẽ, song các DN bán lẻ nội vẫn luôn chủ động giữ vững sân nhà. Theo ông Trần Duy Đông -Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), DN Việt Nam được nhận định đang có nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Đáng lưu ý, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường này. Tất cả những dữ liệu nói trên cho thấy dư địa cho ngành bán lẻ nội phát triển vẫn còn rất lớn.
Các chuyên gia ngành bán lẻ cũng cho rằng, việc nhiều nhà bán lẻ ngoại rời đi cho thấy họ đã nhận ra thị trường bán lẻ Việt Nam không đơn giản để có thể dễ dàng thâm nhập như kỳ vọng ban đầu của họ. Bởi vậy, lời khuyên của giới chuyên gia là, các DN bán lẻ nội cần tận dụng cơ hội này nâng sức cạnh tranh để có thể đánh bật được các đối thủ tại sân chơi ở chính nước mình.
Nhận định về tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam, Công ty Nghiên cứu thị trường Savills cho rằng, giai đoạn từ nay đến năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm).
Theo PGS.TS. Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia ngành bán lẻ, điểm lợi của các DN bán lẻ nội là am hiểu thị trường nông thôn, đó cũng chính là “điểm yếu” của các DN ngoại. Bởi vậy, các DN bán lẻ trong nước cần chú trọng hơn nữa trong việc khai thác thị trường nông thôn, đây chính là địa bàn giàu “dinh dưỡng” hơn cả.
Nhiều ý kiến cho rằng, xu thế mua bán, sáp nhập giữa các DN trong nước với nhau hay DN trong nước và DN nước ngoài sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, các DN bán lẻ nội cần nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh... để có thể tự tin làm chủ sân nhà.