Nghịch lý hồ chống ngập
Gần đây, các dự án hồ chống ngập ở khu vực TP HCM được triển khai khá rầm rộ. Nhiều dự án có nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Theo thống kê, thời gian tới sẽ có khoảng hơn 100 dự án hồ chống ngập, hồ điều tiết được xây dựng. Thế nhưng, nhiều người băn khoăn tại sao nhiều hồ tự nhiên sẵn có ở TP HCM lại không được sử dụng để chống ngập?
Hồ chống ngập ở Thủ Đức đã hoàn thành.
Quyết liệt triển khai
Cách đây hơn 1 năm, Trung tâm Chống ngập TP HCM đã đề xuất với UBND thành phố thực hiện đồng loạt 5 dự án xây hồ chống ngập với tổng nguồn vốn là 475 tỷ đồng. Trước đó, trung tâm này cũng đề xuất xây 3 hồ chống ngập khác nhưng chưa được triển khai. Theo quy hoạch tới năm 2020, TP HCM có tới 104 hồ chống ngập, hồ điều tiết nước.
Điều đáng nói, tại các khu vực gần nơi mà đơn vị chống ngập đề xuất xây hồ với nguồn vốn hàng trăm tỷ đều có sẵn các hồ tự nhiên đang hiện hữu. Như khu vực quận 10 hiện có hồ Kỳ Hoà (đã bị san lấp rất nhiều thời gian gần đây) hay khu vực quận Bình Thạnh có hồ Văn Thánh nhưng lại không được sử dụng để chống ngập. Ngoài ra, thành phố cũng có rất nhiều các hồ tự nhiên khác, chủ yếu để câu cá giải trí hay thậm chí nhiều hồ bị lấn, lấp qua thời gian để xây dựng các công trình kinh doanh, mất đi khả năng chứa nước tự nhiên khi có mưa lớn. Đó là các hồ ở quận 7, hồ công viên Lê Thị Riêng (quận 11) hay hồ ở Hóc Môn, Bình Chánh,…
Theo đại diện của Trung tâm Chống ngập thành phố, việc có sẵn hồ tự nhiên nhưng không sử dụng vào mục đích chống ngập mà phải xây thêm các hồ khác là có nhiều lý do. Hiện nay hệ thống cống thoát nước đô thị thường là có chức năng thoát nước thải, nếu biến hồ chứa nước tự nhiên thành hồ chứa dự trữ thì có thể gây ô nhiễm môi trường, khiến hồ mất đi chức năng tự nhiên vốn có của nó.
Xét chung, ở địa bàn TP HCM hồ tự nhiên không nhiều, việc gây ô nhiễm cho hồ theo cách này hay cách khác đều dẫn tới nhiều hệ luỵ xấu, khó khắc phục. Ngoài ra, phương án làm sạch nước thải trước khi dẫn vào hồ tự nhiên cũng khó khả thi vì chi phí lớn, lại phải thêm hệ thống cống dẫn, cống thoát…. Ngoài ra, các khu vực ngập nước cần giải quyết cũng không gần với khu vực hồ tự nhiên sẵn có. Nếu làm phải xây dựng thêm đường cống dẫn, chi phí cũng rất lớn.
Cũng theo đại diện Trung tâm Chống ngập, hiện nay đơn vị này đang gấp rút triển khai các dự án hồ chống ngập, hồ điều tiết vì đây là các dự án quan trọng, nhất là việc chống ngập ở các khu vực đông đúc cư dân. Ngoài việc xây hồ, các giải pháp khác như sửa cống, làm kênh… đều có chi phí tốn kém hơn rất nhiều mà hiệu quả không cao do mật độ công trình đô thị nhiều. Tuy nhiên đến nay ở TP HCM mới chỉ có 1 dự án hồ chống ngập được hoàn thành và đưa vào sử dụng ở quận Thủ Đức với dung tích rất nhỏ.
Nghịch lý hồ chống ngập
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm giải pháp xây các hồ chống ngập ở TP HCM được đề xuất và triển khai chừng 5 năm gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu hạ tầng đô thị thì dù xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới nhưng hồ chống ngập chưa phải là giải pháp tốt cho các đô thị như TP HCM. Đầu tiên là dung tích các hồ này đều rất nhỏ bởi khu vực đô thị không thể xây được hồ lớn. Như hồ chống ngập đã hoàn thành ở quận Thủ Đức chỉ có dung tích vỏn vẹn 100m3. Thử hình dung các bể nước, bồn nước cá nhân của gia đình trữ nước hiện nay cũng thường ở mức dung tích là 2-5 m3. Vì thế, hồ chứa nước tự nhiên chỉ có dung tích 100m3 sẽ rất khó chống ngập bởi nếu mưa nhỏ thì không cần chống ngập mà mưa lớn, dung tích như trên sẽ chẳng thấm tháp gì so với lượng mưa tự nhiên.
Ngoài ra, hồ chống ngập thường có nguồn vốn đầu tư lớn và sự duy trì, vận hành tốn kém hơn so với các dự án khác như đê kè, cống thoát nước. Bởi sau khi lấy nước vào hồ, hồ phải được máy móc đưa nước ra. Trong khi đó, phương án tái sử dụng nước hồ để tưới cây cũng khó khả thi vì nước thường ô nhiễm. Nếu như những cơn mưa kéo dài và liên tiếp trong vài ngày thì hồ chống ngập có thể trở thành các điểm ngập khi bản thân chúng chưa kịp thoát nước đi.
Nhiều ý kiến cho rằng các dự án chống ngập ở TP HCM bao gồm cả hồ chống ngập vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ. Và sau hàng chục năm chống ngập với hàng ngàn tỷ đồng chi ra, đến nay các dự án chống ngập ở TP HCM vẫn mang tính “thí điểm”. Cơ quan chức năng chưa có dự án nào chắc chắn giải quyết tình trạng ngập nước.