Thể nghiệm mới qua hình tượng Tổng đốc Hoàng Diệu

Hoàng Minh 04/11/2019 08:00

Chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt vở kịch “Hà thành chính khí” và ra mắt sân khấu quay duy nhất tại miền Bắc.

Thể nghiệm mới qua hình tượng Tổng đốc Hoàng Diệu

Một cảnh trong vở diễn “Hà thành chính khí”.

Theo đó, “Hà thành chính khí” được viết bởi tác giả Phùng Nguyễn, tổng đạo diễn NSND - Giám đốc Nguyễn Trung Hiếu, thiết kế mỹ thuật - hoạ sĩ NSƯT Doãn Bằng, nhạc sĩ NSƯT Phùng Tiến Minh quy tụ hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, Trung tâm Múa đương đại vũ đoàn Thăng Long và Nhà hát Xiếc và tạp kỹ Hà Nội.

Vở diễn lấy bối cảnh những năm 1880, khi thực dân Pháp đã chiếm lấy Nam Kỳ và đem quân ra miền Bắc nhăm nhe đánh chiếm thành Hà Nội. Lúc bấy giờ, trấn giữ tỉnh Hà Ninh (gồm thành Hà Nội, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hà Nam) là Tổng đốc Hoàng Diệu. Ông là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm, một vị quan thanh liêm chính trực, một lòng vì nước vì dân. Nhận thấy dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu đã bắt tay vào việc chuẩn bị chiến đấu. Một mặt, ông cho đào hào, đắp thành, chuẩn bị vũ khí đạn dược... Mặt khác, Tổng đốc vẫn hết lòng chăm lo đời sống dân chúng. Ngày nay, ở Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu còn áp ở mặt tường cổng ra vào một phần tấm bia “Lệnh cấm trừ tệ” được niêm yết năm 1881 của Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng nhằm ngăn chặn các tệ nhũng nhiễu đối với nhân dân. Cùng với đó nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ cũng đã được ngăn chặn và thi hành đến nơi, đến chốn... Thế nhưng, chính sự đớn hèn của triều đình đã khiến Tổng đốc Hoàng Diệu thân cô, thế cô chống chọi lại sức mạnh của quân đội Pháp hùng mạnh. Bất chấp triều đình Huế khiển trách, Hoàng Diệu cùng các tướng sĩ đã cùng nhau quyết tử để bảo vệ thành Hà Nội đến hơi thở cuối cùng…

Chia sẻ về vở diễn, NSND Trung Hiếu- Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tổng đạo diễn cho biết, việc chọn hình tượng Tổng đốc Hoàng Diệu là công trình nghệ thuật chào mừng 1010 năm Thăng Long Hà Nội là bởi Cụ là một biểu tượng của Hà Nội. Bên cạnh đó tác phẩm không chỉ khắc họa phẩm chất nhân ái, chính trực của Tổng đốc Hoàng Diệu mà còn thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến, tri ân những tiền nhân đi trước của Thủ đô. Đặc biệt, vở diễn không chỉ là những màn trình diễn đơn thuần mà với sự chuyển động tinh tế, hợp lý của sân khấu sẽ đưa đến cho khán giả những bối cảnh được thay đổi liên tục, vừa đẹp mắt vừa tạo hiệu ứng bất ngờ. Sự thay đổi đó kỳ vọng sẽ kéo được khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ đến với những vở diễn về đề tài lịch sử.

Một điểm nhấn khác của vở diễn làm khán giả thích thú là sự tham gia của các nghệ sĩ “đình đám” trên truyền hình hiện nay như NSND Công Lý, Tiến Lộc, Thiện Tùng... và đặc biệt là sự ra mắt của NSƯT Quang Thắng tại đơn vị công tác mới. Ở đó, nghệ sĩ Tiến Lộc đảm nhận khá tròn vai Tổng đốc Hoàng Diệu, cho thấy khí chất của một vị tổng đống vừa chính trực, thanh liêm, một lòng vì nước vì dân, và bên trong ông vẫn là tình cảm đau đáu của người con với mẹ nơi quê nhà... Trong khi đó, khán giả có thể bất ngờ với vai diễn phản diện Tôn Thất Bá của NSND Công Lý. Nghệ sĩ Công Lý đã thành công khi lột tả được sự đê hèn và thủ đoạn của quan Án sát. NSND Công Lý cũng bày tỏ với những vở chính kịch thì người nghệ sĩ trên sân khấu càng phải chỉn chu hơn trong từng câu thoại, từng diễn xuất. Để đóng vai một ông quan ở thời kỳ trước, lại là người hầu cận của Tổng đốc Hoàng Diệu, tôi đã phải học diễn xuất nhuần nhuyễn để có sự nhất quán trong cách diễn. Diễn vai phản diện khó mà dễ, chỉ cần ánh mắt, cái nhếch miệng cũng có thể làm nên thần thái, hình ảnh của nhân vật như vậy... Còn NSƯT Quang Thắng cũng đã có màn ra mắt với một hình ảnh hoàn toàn mới không phải với một vai diễn hài quen thuộc mà là vai diễn Henri Riviere. Tuy nhiên, NSƯT Quang Thắng cũng mang nét diễn “hài” giống như việc vẽ nên bức tranh trào phúng về nhân vật này.

Theo NSND Mạnh Tưởng- thành viên Hội đồng nghệ thuật nhìn nhận với những vở kịch chất lượng như thế này sẽ giúp công chúng quý trọng hơn nghề nghiệp của các nghệ sĩ sân khấu. Đặc biệt, vở diễn đã tạc lên một chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu rất dày dặn, cho thấy trí tuệ và công đức của người anh hùng kiên trung...

Cũng nhân dịp này, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã chính thức ra mắt sân khấu quay vừa được lắp đặt tại Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền). Đây là sân khấu quay duy nhất tại miền Bắc. Theo kế hoạch, vở diễn “Hà thành chính nghĩa” sẽ ra mắt khán giả vào cuối tháng 11/2019.

Hoàng Minh