Chuyện về Bí thư chi bộ đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ và sự kiện Phú Riềng Đỏ
Ngày 28/10/1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở đồn điền Phú Riềng ra đời. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam Bộ và cũng là chi bộ đầu tiên của tỉnh Bình Phước, chi bộ đầu tiên của ngành Cao su Việt Nam. Ngày 25/10/2019, gia đình cụ Trần Tử Bình - Bí thư chi bộ đồn điền Phú Riềng làm nên sự kiện “Phú Riềng Đỏ” lịch sử - được mời lên Cty Cao su Đồng Phú (Bình Phước) dự kỷ niệm sự kiện này.
Từ trường dòng Hoàng Nguyên
Ông Trần Kháng Chiến, con trưởng của cụ, xúc động nhớ lại: “Quê hương tôi ở vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam, quanh năm thiếu đói. Đồng Chuối quê tôi là làng Công giáo toàn tòng. Nhà nghèo, ông bà nội phải đi làm thuê làm mướn, đi nhặt phân rơi đổi cho nhà giàu lấy thóc ăn”… Ngày nhỏ vì sáng dạ mà Phê-rô Phạm Văn Phu (tên Thánh của ông) được phục dịch trong nhà thờ rồi được theo hầu các cha đi đây đi đó. Khi thế chiến thứ 2 xảy ra, thân phụ ông đăng lính rồi được tuyển sang Pháp làm lính thợ. Vì thế mà có ít tiền gửi về nhà nuôi vợ nuôi con. Cũng vì thế mà Phu được vào học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên thuộc giáo phận Hà Đông.
Ở trường dòng, Phu đã ngấm ngầm rủ rê học sinh chủng viện luyện tập võ nghệ rồi tham gia để tang cụ Phan Chu Trinh. Vì tội này, Phu bị đuổi học; còn gia đình bị “rút phép Thông công” (hình phạt nặng nhất với con chiên ngoan đạo). Giữa ngã ba đường, gặp nhà cách mạng Tống Văn Trân, được khuyên: vào Nam Bộ - trước là kiếm sống, sau là tìm đường cứu nước vì trong đó dễ xuất dương…
Trên đường vào Nam
Nghe anh Trân, anh Phu ký công-tra (hợp đồng) với nhà thầu Phan Tất Tạo đang mộ phu vào Nam Bộ làm thuê cho Hãng cao su Michelin. Hàng nghìn nông dân nghèo Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… xuống tàu đi Nam. Ngay khi ở Hải Phòng, nhà thầu đã bớt xén tiêu chuẩn của phu. Vì có ít chữ nên anh đứng ra bảo vệ quyền lợi anh em. Khi xuống tàu, chủ tàu hành hạ đám dân nghèo, một lần nữa anh Phu lại đứng lên đấu tranh và bị tống giam xuống hầm tầu.
Dân nghèo Bắc Kỳ bị đưa ngay về các đồn điền ở trấn Đồng Nai, Biên Hòa. Tới Phú Riềng, anh em phải phá rừng, phát rẫy, trồng cao su. Cùng hoàn cảnh xa quê, cùng bị bóc lột thậm tệ, phu cao su thấy phải đùm bọc lấy nhau.
Phong trào công nhân Phú Riềng và một tuần làm chủ
Từ cuối năm 1927 đã có vài cuộc đấu tranh của phu cao su, tuy không mang lại kết quả nhưng chấn động dư luận: sự kiện 120 công nhân nổi dậy, chém chết tên Chánh giám thị Monte vào tháng 10/1927 và vụ kiện ra toà Valentin giám thị đánh chết cai làng Nguyễn Văn Chánh.
Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội mà trực tiếp là Ngô Gia Tự đã chọn Phú Riềng là một trong 3 điểm xây dựng ở Nam Kỳ (cùng Xưởng đóng tàu Ba Son, Sài Gòn và Vĩnh Kim, Mỹ Tho). Đầu năm 1928, Nguyễn Xuân Cừ, quê ở Bắc Ninh, là học sinh trường Bưởi, có bằng tú tài, được cử đến “vô sản hóa” ở Phú Riềng. Người đầu tiên tìm bắt liên lạc là anh Phu – y tá trạm xá.
Lịch sử của ngành Cao su ghi nhận: Tháng 4/1928, chi hội Việt Nam TNCMĐC Hội của đồn điền Phú Riềng được thành lập. Ngày 28/10/1929, dưới sự chỉ đạo của Ngô Gia Tự, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, với 6 đảng viên: Nguyễn Xuân Cừ (bí thư), Phạm Văn Phu, Phan Thu Hồng, Hòa, Tạ và Doanh. Sau đó, Đội Xích vệ được thành lập, do anh Phu phụ trách.
Cuối năm 1929, Công hội Đỏ Phú Riềng được thành lập (một trong 2 Công hội đỏ duy nhất ở Nam Kỳ do Đông Dương Cộng sản Đảng lãnh đạo). Nhân kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga, chi bộ đã kết nạp đảng viên Nguyễn Mạnh Hồng, từ đây, chi bộ đẩy mạnh công tác đào tạo các “hạt giống đỏ” cho các đồn điền trong khu vực.
Cuối năm 1929, Nguyễn Xuân Cừ bị Pháp trục xuất vì “nghi vấn làm chính trị”. Nhiệm vụ Bí thư giao lại cho Phạm Văn Phu. Đúng vào dịp tết Nguyên đán năm 1930, lợi dụng tục lệ chủ Nhất chúc tết ngày xuân, anh em đã đứng ra đấu tranh đòi cải thiện đời sống với các khẩu hiệu: cấm đánh đập, chống cúp phạt, đòi miễn sưu thuế, trả lương cho công nhân bị tai nạn lao động, trả về quê cũ những phu hết hạn giao kèo, trả tự do cho những người bị bắt, nhưng chủ không chấp nhận. Chúng còn cho lính ở đồn binh Phú Riềng đến đàn áp, làm một công nhân bị đánh chết, một số bị bắt.
Không chịu khuất phục, 5.000 phu cao su Phú Riềng đã tổng bãi công, với khẩu hiệu mới “Chủ sở không chấp nhận, quyết không đi làm!”. Cuộc đấu tranh dẫn đến bạo động, phu cao su cướp văn phòng, lục soát giấy tờ và đốt hết các công-tra ngay tại sân chủ sở. Súng ống cướp được lập tức trang bị cho Xích vệ đội. Chủ Nhất và cánh giám hộ phải bỏ chạy về Sài Gòn.
Phu cao su đã làm chủ đồn điền. Chi bộ cử công nhân chiếm các kho tàng, cử người chuyển lương thực, thực phẩm cất giấu vào rừng. Khí thế cách mạng lên cao. Các làng phu trở thành làng chiến đấu; toàn bộ đồn điền Phú Riềng chuyển thành “Khu đỏ” dưới sự lãnh đạo của chi bộ. Tư tưởng manh động “lập chiến khu” sẵn sàng chiến đấu xuất hiện…
Trước tình hình này, Xứ uỷ Nam Kỳ kịp thời chỉ đạo chi bộ Phú Riềng kịp thời chuyển hướng đấu tranh, từ chỗ đã vượt ra ngoài khuôn khổ đấu tranh chính trị trở lại công khai hợp pháp, tránh manh động, nhưng vẫn duy trì được phong trào, bảo toàn lực lượng.
Ngày 6/2/1930, Thống đốc Nam Kỳ, Chánh mật thám Đông Dương và Phó Tỉnh trưởng Biên Hoà chỉ huy 300 lính lê-dương, 500 lính khố đỏ cùng xe bọc thép đến đàn áp, nhưng chúng đã không thực hiện được ý đồ. Súng ống được xếp gọn trước cửa văn phòng, toàn bộ phu cao su xếp hàng trật tự trước sân nhà chủ Nhất. Trước sức ép của công nhân, chủ đồn điền và Thống đốc Nam Kỳ phải chấp nhận một số yêu sách. Tuy vậy, anh Phu cùng các đảng viên cũng bị bắt. Qua xét xử ở Biên Hòa rồi Tòa đại hình ở Sài Gòn, anh Phu cùng số đảng viên bị kết án và bị đày ra Côn Đảo.
Cuộc tổng bãi công của công nhân cao su Phú Riềng từ ngày 30/1 đến 6/2/1930 đã giành được thắng lợi, làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su Đông Dương, làm chấn động báo chí trong nước và nước Pháp.
Giữ vững ý chí cách mạng
Sau 5 năm lưu đày ở Côn Đảo (1931–1935), do ảnh hưởng của Mặt trận Bình Dân ở Pháp mà các chế độ với tù chính trị ở các nước thuộc địa được nới lỏng, anh Phu được trả về đất liền nhưng phải về quản thúc ở quê nhà. Và “thầy Ký tiêm” không nao núng mà tự đi tìm tổ chức; rồi kinh qua nhiệm vụ: từ Bí thư chi bộ, Bí thư huyện ủy Bình Lục, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam rồi Xứ ủy viên Bắc Kỳ xây dựng Liên C (1941), Liên B (1942)… Cuối năm 1943, do phản bội mà anh bị bắt ở Thái Bình. Tại nhà thương Phủ Lý, anh đã vượt ngục mà không thành, sau đó bị đưa về xử tại Ninh Bình rồi tống giam Hỏa Lò. Tháng 3/1945, lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, anh cùng Ban Sinh hoạt tổ chức vượt ngục thành công cho hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò theo đường trèo rào và chui cống ngầm. Đi trong “nhóm tiên phong”, khi nhấc nắp cống lên, anh dặn: “Sống thì về với phong trào, chết thì lấy ngày này làm giỗ”. Khi ngoi lên mặt đất, anh chọn cái tên mới “Trần Tử Bình”: sống phong trần, lãng tử, sẵn sàng chết vì bình đẳng, bác ái.
Sau đó ít tháng, Trần Tử Bình cùng Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Khang quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội và lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Tiếp tục những “nhiệm vụ đầu tiên”
Pháp gây hấn ở Nam Bộ 23/9/1945. Trần Tử Bình và Trương Văn Lĩnh tiếp nhận trường Quân chính Kháng Nhật từ ông Hoàng Văn Thái, đào tạo thêm 3 khóa nữa. Đến 15/4/1946, ông cùng Hoàng Đạo Thúy nhận nhiệm vụ xây dựng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn – “nhà trường đào tạo cán bộ chính quy đầu tiên” của nước Việt Nam mới. Ngày 26/5/1946, Hồ Chủ tịch lên dự khai giảng và trao tặng Khóa lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân”.
Chiến dịch Việt Bắc Thu đông 1947, Trần Tử Bình cùng Tạ Xuân Thu nhận nhiệm vụ “đốc chiến”, bẻ gãy gọng kìm ở phía tây của giặc Pháp trên dòng Lô và đường số 2. Đầu năm 1948, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh tấn phong 11 tướng lĩnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 thiếu tướng mà Trần Tử Bình là một trong số đó.
Năm 1950, Phó Tổng Thanh tra quân đội Trần Tử Bình điều tra “vụ tham nhũng đầu tiên” trong quân đội. Ngày 5/9/1950, ông cùng thiếu tướng Chu Văn Tấn xét xử vụ này ở Thái Nguyên: Trần Dụ Châu chịu án tử hình! Đến năm 1959, ông là “tướng lĩnh đầu tiên” đi làm nhiệm vụ Đại sứ tại Trung Quốc, trong 8 năm (1959-1967), ông góp phần xây dựng quan hệ ngoại giao với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.
*
Sinh thời, Thiếu tướng Trần Tử Bình thường tâm sự với con cháu: "Đời cha tự hào đã góp phần làm nên một Phú Riềng Đỏ lịch sử năm 23 tuổi và tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thành công năm 38 tuổi... Nếu dễ thì ai cũng làm được; có khó mới đến lượt mình!".
Với 60 năm cuộc đời (1907–1967), ông đã sống hết mình cho dân tộc và hoàn thành bổn phận của một giáo dân kính Chúa, yêu nước!