Dẹp dự án ma

Miên Thảo 05/11/2019 08:00

Ngày 3/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và chức vụ (Công an TP Hồ Chí Minh) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng là Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty TNHH thương mại - dịch vụ đất vàng Hoàng Gia, với sai phạm đã “vẽ” ra các dự án phân lô bán nền để kêu gọi khách hàng góp vốn. Đây lại là một vụ việc nữa trong các “dự án ma” về bất động sản khiến thị trường này chao đảo suốt thời gian qua.

Thủ đoạn của những vị đại diện doanh nghiệp BĐS lập “dự án ma” là khá giống nhau, nhưng dẫu thế thì vẫn lừa được nhiều người, cả người chuyển nhượng đất lẫn người đầu tư nhà đất. Trong trường hợp này, đó là đại diện Công ty Angel Lina làm hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người đang sử dụng đất (hợp đồng tay), sau đó làm vi bằng về việc giao tiền giữa hai bên có dấu đỏ của Văn phòng Thừa phát lại. Với “hồ sơ pháp lý” về đất như vậy, đối tượng đã rêu rao để tạo niềm tin nhằm mời gọi khách hàng góp vốn. Tuy nhiên, khi đã nắm được tiền đặt cọc của khách hàng trong tay (khoảng 40 tỷ đồng) thì Công ty nọ lại loanh quanh vì không lấy đâu ra đất để bàn giao cho “khổ chủ”.

Nhân đây, cũng cần nhắc lại một vụ đình đám hơn nhiều, đó là sai phạm của Công ty địa ốc Alibaba. Khi sự việc vỡ lở, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Công ty này đã lập tới 40 “dự án ma, lừa đảo 6.700 khách hàng với số tiền khoảng 2.500 tỉ đồng.

Thời gian qua, thị trường kinh doanh BĐS có nhiều bất cập, từ việc mua bán đất nền tới nhà ở. Trong đó, sự “góp phần” của các “dự án ma” là rất nguy hiểm. Những “dự án ma” BĐS đều nhằm vào nhu cầu chỗ ở của người dân, nhằm vào sự tính toán lợi nhuận mua đi bán lại của một số nhà đầu tư. Mục đích cuối cùng là chiếm dụng vốn của người đầu tư (trong nhiều trường hợp là chiếm đoạt). Các dự án này đều được quảng cáo một cách mùi mẫn, làm “bùi tai” và “mềm lòng” người đầu tư. Nghe những lời giới thiệu về dự án thì ai cũng tưởng chắc ăn, ai cũng tưởng được giá hời. Trong khi nhu cầu nhà ở ngày một gia tăng thì các “dự án ma” BĐS lại thêm đất hoành hành. Nhiều người sống dở chết dở vì bị lừa với núi nợ nần chồng chất, nhưng tiếc thay những người đi sau vẫn không tỉnh táo nổi, vẫn bị lừa với số tiền rất lớn.

Khi các “dự án ma” BĐS tung hoành, người ta càng nhận rõ lỗ hổng trong việc quản lý đất đai, kinh doanh BĐS. Việc công bố công khai, rành mạch những dự án BĐS không phải nơi nào cũng thực hiện đã tạo ra cái cảnh “u u minh minh”, người đầu tư rơi vào ma trận lừa đảo bất cứ lúc nào. Đó là lỗi cố tình đến từ các chủ doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Mặt khác, rất quan trọng chính là việc quản lý hoạt động BĐS của cơ quan quản lý nhà nước lẫn chính quyền địa phương. Tại Điều 6, Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định rõ phải công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh. Trong đó rất quan trọng là việc doanh nghiệp kinh doanh BĐS có trách nhiệm công khai thông tin về quy hoạch có liên quan đến BĐS; hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng BĐS… Nhưng tất cả đều đã được “phù phép” mà cơ quan quản lý nhà nước đã “không phát hiện ra” cho đến khi vụ việc vỡ lỡ mới “thế à”.

Về phía địa phương, ngày 19/7/2019, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn 1684/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý để bảo đảm ổn định thị trường BĐS. Theo đó, sự phát triển của thị trường BĐS chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS.

Như vậy cũng có nghĩa là việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường BĐS trên địa bàn theo quy định tại Điều 78 Luật Kinh doanh BĐS 2014, chưa tốt.

Nói tóm lại, văn bản quy định khá đầy đủ, chặt chẽ, nhưng thực hiện lại giời ơi đất hỡi; chưa nói đến chuyện nơi nọ đổ lỗi cho nơi kia, mới khiến các “dự án ma” BĐS vẫn không thể nào dẹp được.

Đã đến lúc không được đổ lỗi mà phải dám chịu trách nhiệm, phải vào cuộc kiểm tra, kiểm soát ngay từ đầu với những dự án BĐS. Còn khi một “dự án ma” đối diện với pháp luật thì không chỉ chủ doanh nghiệp chịu trận, mà cả cán bộ chuyên ngành lẫn quan chức địa phương cũng phải trả lời. Chỉ có thế mới hy vọng dẹp được “dự án ma” cho dân được nhờ.

Miên Thảo