Hà Nội: Gỡ khó cho huyện nghèo
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng có một số địa bàn thuần nông, xuất phát điểm thấp như Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất... việc xây dựng NTM gặp không ít khó khăn. Gỡ khó cho những địa phương này để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ngoại thành được chính quyền thành phố quan tâm.
Thu hoạch chè ở Ba Vì. Ảnh: N.Công.
Ba Vì vốn là huyện “cuối bảng” của thành phố về phát triển kinh tế. Khó khăn cơ bản trong quá trình xây dựng NTM ở Ba Vì là thiếu nguồn lực, cả ngân sách lẫn nguồn lực huy động từ nhân dân. Điều đó dẫn tới việc xây dựng hạ tầng, nhất là trường học, nhà văn hoá; hay các tiêu chí về thu nhập, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gặp khó khăn. Chưa kể Ba Vì còn có 7 xã dân tộc, miền núi. Nếu như các địa phương khác, việc đầu tư hạ tầng được ưu tiên thì do điều kiện đặc thù, Ba Vì đầu tư mạnh vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế để nâng cao đời sống nhân dân. Khi kinh tế khởi sắc, việc huy động nguồn lực trở nên thuận lợi hơn. Điều đó khiến NTM ở Ba Vì khởi sắc. Dự kiến năm 2019, huyện Ba Vì có 19/30 xã cán đích NTM.
Mỹ Đức cũng là huyện thuần nông, lại nằm ở vị trí “khuất nẻo” của Hà Nội, không có những trục giao thông quan trọng chạy qua. Chặng đường xây dựng NTM tại đây cũng gặp không ít trắc trở. Đến hết năm 2018, mới có 11/21 xã đạt tiêu chí NTM.
Trong bối cảnh ấy, Mỹ Đức vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa đầu tư xây dựng hạ tầng. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng vào hạ tầng. Bởi hạ tầng tốt, sẽ giúp giao thông thuận lợi, sản xuất, tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn, kích thích phát triển kinh tế.
Mỹ Đức nhận được những nguồn lực hỗ trợ đáng kể từ thành phố và các quận nội thành. Từ đó thêm nguồn lực để thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, mở rộng vùng cây ăn quả ở các xã Bột Xuyên, An Mỹ, Lê Thanh, Đại Hưng, Đốc Tín, Hương Sơn; duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, cải tạo giống để nâng cao chất lượng… Điển hình như xã Xuy Xá, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã mới đạt vỏn vẹn 2/19 tiêu chí. Nhưng hiện Xuy Xá là tấm gương điển hình trong xây dựng NTM. Hệ thống hạ tầng khang trang, với việc cứng hóa được 4,8km đường liên xã; 6,1km đường trục thôn; 15,14km đường ngõ, xóm; gần 13km đường nội đồng; kinh tế phát triển ổn định. Đến năm 2020, Mỹ Đức phấn đấu có 16 xã đạt chuẩn NTM.
Nhìn chung, trước khó khăn của các huyện nghèo, UBND TP Hà Nội đã chủ động điều phối, trong đó có việc xây tặng Nhà văn hoá cho các xã. Tính đến thời điểm này, 13 xã của Ba Vì được các quận nội thành tặng Nhà văn hoá. Giải pháp này cũng được triển khai ở những huyện có kinh tế khó khăn như Thạch Thất, Mỹ Đức... giúp người dân tại những vùng đất này tập trung nguồn lực để xây dựng những công trình hạ tầng thiết yếu hơn như đường giao thông, hệ thống mương máng để canh tác nông nghiệp...