Tìm hướng đi cho tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên hiện nay, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một.
Việc bảo tồn và phát huy tranh Đồng Hồ đang cần những biện pháp căn cơ, đồng bộ.
Thực tế đáng buồn
Theo số liệu thống kê, về chủ thể của di sản, nếu trước đây cả làng Đông Hồ có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh, nay chỉ còn 2 dòng họ bám trụ với nghề này với 2 nghệ nhân trụ cột là Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Quả. Mỗi dòng họ kể cả thợ chính và phụ có khoảng 10 người. Trong đó, số người thừa kế được các công đoạn công phu như ra mẫu, khắc ván in, pha màu rất ít, chỉ có 1, 2 người con trong gia đình còn lại đều làm những lao động giản đơn như in tranh, giã điệp, nấu hồ, phơi tranh… Thực tế cho thấy, làng Hồ xưa, thôn Đông Khê nay đã trở thành một làng làm hàng mã sầm uất.
Lý giải cho thực tế “đáng buồn” này, GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây, tục lệ mua tranh treo ngày Tết đã không còn, nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì hoạt động của các làng nghề là không còn nữa. Mặt khác, cũng nghề làm giấy dó ở Yên Thế (làng Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang mai một nên nguồn cung cấp nguyên liệu truyền thống chủ yếu để làm tranh dân gian cũng bị ngừng trệ. Đồng thời, sự thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu làm giấy và in tranh cũng khiến cho những yếu tố truyền thống bị tan loãng. Để hạ giá thành sản phẩm, người ta đã trộn màu trắng vào điệp, quét lên giấy nhằm hạn chế bớt lượng điệp khiến giấy in hiện nay mất độ óng ánh như trước đây. Việc sử dụng các loại màu vẽ công nhiệp trong những năm gần đây cũng tạo nên những biến đổi chất lượng màu đối với các loại tranh dân gian truyền thống.
GS Trương Quốc Bình dẫn chứng, theo đánh giá của một số hoạ sĩ, thì tranh Đông Hồ in ở thời điểm hiện tại thường không có màu sắc thắm như tranh cổ do việc trộn màu trắng vào điệp, quét lên giấy và sử dụng màu công nghiệp. Mặt khác, nhiều ván in mới không được chạm khắc tinh tế nuột nà như các bản ván khắc trước đây. Việc một số hộ sản xuất đã đục bỏ các phần chữ Hán, chữ Nôm trong nhiều bức ván in đã khiến cho ý nghĩa của một số bức tranh bị ảnh hưởng, làm suy giảm tính nguyên gốc, tính hấp dẫn của những họa phẩm này… “Một trong những thực trạng quan trọng khác cần kể đến là cho đến nay số gia đình và nghệ nhân tranh dân gian tại các làng tranh truyền thống như Đông Hồ và Làng Sình còn lại không nhiều. Chính vì vậy, sự truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa này. Tuy nhiên, cần có những chính sách hữu hiệu để duy trì sự truyền dạy của các nghệ nhân và hứng thú tiếp thu nghề của các thế hệ trẻ để có thể duy trì những kinh nghiệm và tinh hoa nghề nghiệp truyền thống”- GS Trương Quốc Bình bày tỏ.
Cần biện pháp “căn cơ”
Với tuổi đời gần 5 thế kỷ, tranh dân gian Đông Hồ dù đã để lại những dấu ấn đậm nét trong văn hóa Việt Nam nhưng đang phải đối mặt với vô vàn trở ngại và cần có những biện pháp “căn cơ”. Mới đây, tại cuộc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” do Viện VHNT Quốc gia Việt Nam và Sở VHTTDL Bắc Ninh tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau “hiến kế” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đặc biệt này.
PGS.TS Từ Thị Loan - Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng trong khi chờ đợi một sự công nhận của UNESCO và sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, thì việc duy trì nghề tranh dân gian Đông Hồ cần phải gắn với việc tìm thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Dù chúng ta có đánh giá về giá trị của di sản cao đến đâu, có quảng bá, tuyên truyền về nó tốt đến thế nào, nhưng nếu sản phẩm của di sản không được tiêu thụ, thì tất cả sẽ chỉ là những hô hào suông, những cố gắng bảo tồn duy ý chí. Do vậy, giải pháp có ý nghĩa sống còn đối với việc duy trì nghề tranh Đông Hồ hiện nay là tìm được đầu ra ổn định với số lượng lớn cho các sản phẩm tranh. Nhà nước cần phối hợp, giúp đỡ các nghệ nhân đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giúp làng nghề duy trì sản xuất.
PGS.TS Từ Thị Loan phân tích xu hướng thẩm mỹ của thế giới hiện nay, khách hàng nước ngoài, nhất là khách Âu châu rất thích các sản phẩm thủ công làm bằng tay, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Tranh dân gian Đông Hồ đã đáp ứng được các yêu cầu đó. Do vậy, trước mắt Nhà nước nên tạo điều kiện cho làng nghề tái chinh phục các thị trường truyền thống (như Đông Âu và Nga), sau đó mở rộng sang các thị trường khác. Cần đưa tranh dân gian Đông Hồ vào các kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở cấp độ chính sách quốc gia…
Còn ThS Đỗ Trần Phương (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) bày tỏ trước mắt cần quy hoạch, phát triển làng tranh Đông Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng để tất cả các hộ dân có thể tham gia phát triển. Tuy nhiên, để tour du lịch tại làng nghề thêm hấp dẫn, các nhà thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch cần phải thêm vào chương trình những hoạt động có giá trị. Đơn cử như, trải nghiệm những hoạt động của làng nghề. Theo đó, khách du lịch được tham gia vào các lớp học làm tranh, được tham gia vào các công đoạn sản xuất tranh, các quy trình sản xuất để tạo ra một sản phẩm tranh hoàn thiện.
Có thể nói, giữ gìn, tôn vinh và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách. Điều đó sẽ không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc, mà còn góp phần xây dựng một sản phẩm văn hóa trở thành thương hiệu, thành công cụ quảng bá, giới thiệu về văn hóa Việt Nam ra với thế giới.