Không để tình trạng 'rau hai luống, lợn hai chuồng'
Cần chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, không để tồn tại thực trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”…. Đó là đề nghị của nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội tại phiên giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức sáng 4/11.
Toàn TP Hà Nội có 4.534 bếp ăn tập thể, tại các trường bán trú, mầm non, tiểu học.
Vẫn tồn tại thực phẩm không đảm bảo, không rõ nguồn gốc
Tại phiên giải trình, đặt câu hỏi đến Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, qua khảo sát cho thấy, người dân lo ngại thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Đề nghị Sở Y tế - cơ quan thường trực chỉ đạo ATTP TP Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới? Đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) đề nghị lãnh đạo Sở Công thương cần nêu rõ về tình trạng các sản phẩm quá hạn bán tại các siêu thị? Đề nghị Sở Y tế cho biết phương án về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đang rất nhiều trên địa bàn TP?
Đặc biệt, theo đánh giá của UBND TP, một số bếp ăn bán trú chưa có biện pháp diệt côn trùng, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi xuống cấp, chật hẹp,... “Với thực trạng các bếp ăn chưa đảm bảo như trên thì có nên tồn tại bếp ăn tập thể như thế này nữa hay không. Nếu không chúng ta có giải pháp cung cấp dịch vụ thức ăn tại các khu trường học, các khu tập thể như thế nào?” – ĐB Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trả lời ý kiến của ĐB Nguyễn Quang Thắng về thực phẩm không rõ nguồn gốc cho biết, thời gian qua, vấn đề thực phẩm an toàn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo quyết liệt, phân cấp rõ trách nhiệm các sở, ngành, quận, huyện. Qua thực hiện, trách nhiệm của các ngành, quận, huyện tương đối rõ. Đối với các đơn vị công thương, nông nghiệp đã làm tốt truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, các ngành cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị không an toàn.
Đối với ý kiến của ĐB Nguyễn Minh Đức về bếp ăn tập thể, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đối với bếp ăn ở các khu công nghiệp, có 165 bếp ăn ở 9 khu công nghiệp, cung cấp 68.000 suất ăn (tự nấu chiếm khoảng 20% và thuê nhà thầu nấu chiếm khoảng 80%). Hiện vẫn còn một số cơ sở không đảm bảo điều kiện, xuống cấp, còn ẩm mốc, sắp xếp kho bãi không gọn gàng, truy xuất nguồn gốc chưa đảm bảo.
Giải pháp trong thời gian tới, theo người đứng đầu ngành y tế Hà Nội: Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền tại các khu công nghiệp, tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, tập huấn cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, diễn tập phòng chống ngộ độc số lượng người lớn.
Đối với bếp ăn các trường, toàn TP có 4.534 bếp ăn tập thể, tại các trường bán trú, mầm non, tiểu học… Với sự chỉ đạo quyệt liệt của TP, quận, huyện, các trường đã chấn chỉnh công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn. Sở Y tế phối hợp chặt với Sở Giáo dục và đào tạo để chấn chỉnh các trường học. Cùng đó, các phụ huynh học sinh tham gia giám sát tại các trường học. Về các giải pháp, cần tiếp tục tuyên truyền, nếu không đảm bảo, sản phẩm sẽ không được chấp nhận.
Giải trình về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của Sở, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Hiện TP có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.700 cửa hàng tiện ích, trong đó có 807 cửa hàng gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây. Theo quy định thì tất cả các trung tâm thương mại và siêu thị, cửa hàng tiện ích hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, có giấy chứng nhận. Về quá trình kiểm tra kiểm soát, Sở phải cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, có hướng dẫn các cơ sở phải truy gốc nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ nghiêm quy định, đặc biệt là về hạn sử dụng của hàng hóa.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP, Chủ tịch UBND quận Quận Đống Đa Võ Nguyễn Phong cho biết: Quận luôn quan tâm quản lý ATTP và coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hiện Quận đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhất là quyết định của UBND TP về phân cấp trong quản lý ATTP, sắp xếp lại đội ngũ Thanh tra ATTP, kiểm tra thanh tra xử lý vi phạm… Với các điểm họp chợ trong ngõ, tiếp tục sắp xếp điều kiện bán hàng cho các tiểu thương và tăng tuyên truyền để người dân nắm được chỉ đạo của TP và quận về công tác ATTP, trong đó vận động họ thực hiện mua hàng hóa rau quả thực phẩm tươi sống tại chuỗi cửa hàng rau quả, thực phẩm an toàn tại quận, bởi người dân là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng mất vệ sinh ATTP. “Chúng tôi cũng đề nghị TP yêu cầu các sở ngành tăng cường kiểm tra, nhất là nơi sản xuất chăn nuôi trồng trọt vì đây là “gốc” của vấn đề, trước tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” hiện nay”- Chủ tịch quận Đống Đa nói.