Luật Xây dựng sửa đổi: Quản chặt dự án từ vốn đầu tư công
Việc sửa Luật Xây dựng được kỳ vọng giúp kiểm soát các dự án sử dụng vốn đầu tư công chặt chẽ, toàn diện, thống nhất với pháp luật về đầu tư công cũng như kiểm soát chi phí để đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước tại các dự án có sử dụng vốn nhà nước khác.
Dự án sử dụng vốn đầu tư công sẽ được kiểm soát chặt chẽ, toàn diện. Ảnh minh họa.
Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV này, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 3072/TB-TTKQH ngày 25/9/2019 thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019) nhất trí với phương án của Chính phủ trình về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.
Sửa luật vì bộc lộ hạn chế
Luật Xây dựng được ban hành năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung quy định của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế.
Đặc biệt sau khi luật Xây dựng 2014 có hiệu lực, đã có một số luật mới liên quan được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc, cũng như nhiều Luật khác được sửa đổi.
Vì vậy, quan điểm, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 đó là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ: Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 điều, sửa đổi thuật ngữ tại 14 điều và hủy bỏ 1 điều trên tổng số 168 điều của Luật Xây dựng 2014.
Bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật
Luật Xây dựng điều chỉnh các hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng, giai đoạn thực hiện dự án đến giai đoạn hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, do đó có liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, và pháp luật chuyên ngành về đất đai, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn lao động,…
Như vậy Luật Xây dựng liên quan đến các luật hiện hành như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy… cũng như các Luật đang và sẽ được sửa đổi như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp…
Cụ thể, tại dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Xây dựng 2014 để đảm bảo đồng bộ với pháp luật liên quan như sửa đổi, bổ sung về phân loại dự án theo nguồn vốn để phù hợp với Luật Đầu tư công và các pháp luật có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, sửa đổi, bổ sung Điều 49 về phân loại dự án theo hướng làm rõ các tiêu chí phân loại dự án để xác định các phương thức quản lý phù hợp và phân cấp quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng.
Sửa đổi việc phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn: Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước theo pháp luật có liên quan không bao gồm vốn đầu tư công (gọi tắt là vốn nhà nước ngoài đầu tư công); dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác.
Việc phân loại dự án nhằm phân định các mức độ quản lý nhà nước khác nhau theo nguồn vốn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu trong tờ trình, theo đó, dự án sử dụng vốn đầu tư công được kiểm soát chặt chẽ, toàn diện, thống nhất với pháp luật về đầu tư công; đối với dự án có sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP ngoài việc kiểm soát tuân thủ quy hoạch, quy chuẩn tiêu chuẩn,... như các nguồn vốn khác thì cần bổ sung một số quy định về kiểm soát chi phí để đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước.