Xử lý nghiêm những vi phạm về môi trường để đủ sức răn đe

[4] Phát hiện 1.197 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tăng 1633%; vi phạm các quy định về nuôi nhốt vận chuyển buôn bán động vật hoa 05/11/2019 11:03

Sáng 5/11, phát biểu trước Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, các hoạt động của các cơ quan tư pháp, phòng chống tham nhũng, thi hành án năm 2019, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ĐBQH Ngô Sách Thực nhận định, việc xử lý vi phạm về môi trường vừa qua đã được quan tâm hơn, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được và cho rằng, nội dung này cần được đánh giá sâu hơn để có các giải pháp hữu hiệu hơn.

Xử lý nghiêm những vi phạm về môi trường để đủ sức răn đe

ĐBQH Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Đại đoàn kết Online trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực.

Kính thưa chủ tọa kỳ họp!

Thưa các quí vị đại biểu!

Báo cáo của các cơ quan tư pháp, thực thi pháp luật, thi hành án, báo cáo thẩm tra đã cho thấy khá rõ tình, kết quả phòng chống tội phạm, các hoạt động của các cơ quan tư pháp, phòng chống tham nhũng, thi hành án năm 2019 có rất nhiều tiến bộ, đồng thời cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại và đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Tôi cơ bản đồng tình, sau đây xin làm rõ thêm một số nội dung:

1. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348), tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349 BLHS) ? Tránh sự lợi dụng, bóp méo sự viec, từ một sự việc suy diễn sang nhiều việc khác. Noi dung này chúng ta đã quan tâm chưa và sự vào cuộc của các cấp, các cơ quan như thế nào là những vấn đề cần có quan điểm khẳng định rõ.

Vừa qua Các hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán người theo Điều 150-151 BLHS đã được triển khai khá nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động, hội thảo, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên diễn biến tội phạm này vẫn rất phức tạp, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và xâm hại trẻ em. Một số biểu hiện mới như mang thai hộ, mua bán bào thai, đẻ thuê với giá 400- 500 tr đồng. Với loại tội phạm này cần có các biện pháp tổng thể, từ tuyên truyền, vận động, quản lý hành chính, quản lý nhà nước trên nhiều mặt, không chỉ đơn thuần là biện pháp tăng cường điều tra, truy tố.

Hiện nay có nhiều thông tin qua vụ việc đau lòng 39 người tử vong trong công tenno tại nước Anh, tôi nhận thấy các cơ quan chức năng của ta đã vào cuộc khá kịp thời, đã khởi tố vụ án, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân. Liên quan đến quốc tế nên phải có sự phối hợp và thực hiện chặt chẽ, vì vậy không thể nóng vội, chúng ta đặt niềm tin vào các cơ quan trong điều tra giải quyết vụ việc này. Tuy nhiên qua vụ việc cũng đặt ra nhiều nội dung để các cấp, các ngành phải tự liên hệ, rà lại nội dung quản lý của mình. Cần phải tăng cường quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực; hoạt động xuất khẩu lao động, về di trú, di cư, về xuất, nhập cảnh. Tại sao với lý do ra nước ngoài du lịch, thăm thân, một người dân vùng nông thôn, nhà không giàu lại có thể đi du lịch nước ngoài được không? Tại sao cùng một thời gian có nhiều người đi cùng, đã có những dấu hiệu của việc đi lao động trái phép nhưng không rõ ai, cơ quan nào tác động để có biện pháp phòng ngừa. Nội dung này cần có chỉ đạo đánh giá sâu, làm rõ để có các giải pháp hiệu quả hơn trong phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi môi giới, dụ giỗ, lừa gạt người ra nước ngoài trái pháp luật, kịp thời thông tin trong nhân dân hình thức, thủ đoạn để cảnh giác; đồng thời đưa ra các căn cứ để phản bác trước các thông tin có dụng ý xấu, tránh để bị để lợi dụng, hiểu sai, hệ lụy xấu.

2. Về đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường

Thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để trấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Theo đó, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Công tác kiểm tra thời gian qua đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm; cơ quan điều tra đã khởi tố 355 vụ, 395 bị can; xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt trên 243,5 tỷ đồng[1].

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra trên các lĩnh vực như báo cáo và phát biểu của một số đại biểu đã nêu: Hoạt động xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp; chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại không đúng quy định; nhập khẩu phế liệu, thiết bị máy móc đã qua sử dụng trái quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp, các khu chăn nuôi tập trung, gây thiệt hại về tài sản và môi trường sống, gây bức xúc trong nhân dân[2]. Khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương[3]. Tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã có chiều hướng gia tăng[4]. Các vi phạm pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp và mới đây nhất là vụ gây ô nhiệm nguồn nước ở Hòa Bình.

Tôi đồng tình với nhận định việc xử lý vi phạm về môi trường vừa qua đã được quan tâm hơn, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, chiếm 1,58%. Tại sao vậy? Có phải nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về môi trường khó xác định thiệt hại như báo cáo đã nêu? hay còn có nguyên nhân nào khác? Tôi cho rằng, nội dung này cần được đánh giá sâu hơn để có các giải pháp hữu hiệu hơn. Các tồn tại, hạn chế trên phải chăng xuất phát từ một số nguyên nhân là:

- Việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường vẫn chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ đồng bộ của các lực lượng chức năng, của các cấp, các ngành, theo qui định các cấp chính quyền đều có thẩm quyền xử phạt hành chính về môi trường; có nơi xử lý nghiêm, nơi còn né tránh; có hiện tượng nhờn luật, coi thường pháp luật, chấp nhận phạt cho tồn tại, sau vẫn tái phạm.

- Một số nơi các cơ quan chức năng vào cuộc chưa kịp thời dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp nhiều nơi còn thấp. Tuy số vụ vi phạm năm 2019 giảm 11,36% so với cùng kỳ nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp, có ý kiến đại biểu phải xem lại số liệu này.

- Tội phạm về môi trường theo Bộ luật hình sự năm 2015 không có tội nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vì không có tội danh nào có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân, tử hình) trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn, nhưng khó lượng hóa.

- Các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường hiện nay còn thiếu hoặc chưa được sửa đổi kịp thời. Luật thanh tra quy định các Đoàn thanh tra phải thông báo trước, chỉ được làm việc trong giờ hành chính; trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở ngoài giờ hành chính là khá phổ biến. Các đối tượng lại luôn tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng, lợi dụng quy định này để tiến hành xả trộm chất thải vào ban đêm; cần có thanh tra, kiểm tra đột xuất.

- Lĩnh vực môi trường dễ bị các thế lực xấu lợi dụng, nên thông tin tuyên tuyên truyền về vi phạm ít được các địa phương công khai, thông tin đầy đủ để nhân dân biết, hiểu. Chính sự mập mờ và không đầy đủ, kịp thời dẫn đến nghi ngờ, thiếu tin tưởng các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng.

Từ thực trạng và nguyên nhân trên, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp tổng hợp, đó là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền môi trường; tăng cường năng lực quản lý và thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường; thường xuyên cập nhật các thông tin về bảo vệ môi trường trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện để người dân phản ánh, tố giác các vi phạm về bảo vệ môi trường tới cơ quan có thẩm quyền, cung cấp cho cơ quan thanh tra, kiểm tra các thông tin về ô nhiễm môi trường để kịp thời xem xét, công khai kết quả xử lý.

Hai là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo tính đồng bộ, khả thi; kiên quyết không để tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, tiêu cực, lợi ích nhóm chi phối; xây dựng, bổ sung hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạp pháp luật về môi trường. Tôi đề nghị phải rà lại các qui định về xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường, đánh giá lại tác dụng của xử phạt hành chính, xử lý nặng hơn tái phạm. Công khai các xử phạt hành chính về môi trường lần 1, lần 2..., các cơ sở tái phạm, các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố, điều tra.

Ba là, công khai xét xử các vụ vi phạm môi trường, lựa chọn vụ việc điển hình để có tính răn đe chung, tránh việc đổ lỗi cho khách quan hoặc đưa nhiều nguyên nhân chốn tránh trách nhiệm của tổ chức và cá nhân.

3. Về thi hành án tử hình

Công tác quản lý giam giữ với người bị kết án tử hình và tổ chức thi hành án có chuyển biến tiến bộ. Tuy nhiên còn một số tòn tại: Số người bị kết án tử hình đang quản lý trong các trại tam giam đến 30.9. 2019 tăng 32,9%, nhiều án 5-7 năm, một số án kéo dài hơn 10 năm. Nguyên nhân đã phân tích rõ như chưa có qui định thời gian chờ xét quyết định ân giảm hoặc bác đơn xin ân giảm, thời hạn TAND ra quyết định thi hành, thời hạn thân nhân người nước ngoài làm đơn xin nhận tử thi…

Để kéo dài có nhiều hệ lụy: Một là, kéo dài sự đau khổ của phạm nhân, để dài chi phí tốn kém, lực lượng bảo vệ rất vất vả, bị quậy phá, nhiều phạm nhân mắc các căn bênh hiểm nghèo, tìm cách thoát án, nữ tìm cách có thai, một số tìm cách tự sát… Rất chia sẻ với các chiến sỹ lực lượng công an làm việc trong môi trường luôn luôn trong trạng thái hết sức căng thẳng.

Hai là, pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh, trong khi ta đang tuyên truyền nâng cao thực hiện pháp luật. Án tử hình chủ yếu phạm tội ma tuý, loại tội đang cần hình phạt nghiêm khắc.

Vấn đề này đê nghị liên ngành cần sớm thống nhất các giải pháp để thực thi án tủ hình bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh.

Trân trọng cảm ơn Quốc hội.

-------------------------------

[1] Báo cáo số 504/BC-CP ngày 16/10/2019 của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2019 (Từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/9/2019)

[2] Vụ tập trung đông người tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Phú Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Công ty Chăn nuôi Hòa Phát (Bắc Giang)... Ô nhiễm do nước thải công nghiệp làm chết hàng loạt cá nuôi trên sông Cái Lớn (Hậu Giang), La Ngà (Đồng Nai)...

[3] Phát hiện 6.514 vụ khai thác khoảng sản trái phép, giảm 7% so với năm 2018, trong đó có 5.292 vụ khai thác cát trái phép, giảm 3,5% so với năm 2018.

[4] Phát hiện 1.197 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tăng 1633%; vi phạm các quy định về nuôi nhốt vận chuyển buôn bán động vật hoa