Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ
Ngày 5/11, tại Phú Thọ, Sở VHTTT-DL phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ mẫu và Hội làng Việt cổ "Cội nguồn và Khát vọng" tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.
Quang cảnh họp báo chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ.
Theo đó, chương trình sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17/11 nhằm quảng bá các tiềm năng văn hóa độc đáo của Phú Thọ, đặc biệt là tín ngưỡng và thực hành thờ Mẫu Âu Cơ của người Việt.
Một trong những điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của chương trình là khai thác và sử dụng tối đa lực lượng không chuyên tại địa phương, để giới thiệu và tôn vinh bản sắc của quê hương một cách sống động nhất. Thông qua đó, người dân địa phương sẽ hiểu được những di sản từ cội nguồn của cha ông gắn kết với cuộc sống của cộng đồng trong mạch nguồn văn hóa...
Điểm nhấn độc đáo nhất của hoạt động là chương trình trình diễn văn hóa dân gian đường phố "Cội nguồn và khát vọng". Đây là lần đầu tiên, những tín ngưỡng thờ Mẫu "chạm" tới khách du lịch thông qua các hoạt động biểu diễn trên đường phố.
Phát biểu tại buổi họp báo, TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế khẳng định, từ việc khơi gợi và kết nối lòng người, BTC tha thiết mong muốn các hoạt động văn hóa du lịch này sẽ kích thích lòng tự hào, truyền thống văn hóa dân tộc từ mỗi một người dân, làng xóm và cộng đồng.
Thông qua đó để cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống theo hướng thích ứng phù hợp với đời sống xã hội hiện đại, giải quyết mối quan hệ giữa di sản văn hóa và sản phẩm du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại một cách hài hòa, hữu hiệu; thiết thực biến nơi đây trở thành một không gian văn hóa du lịch mang tính đặc trưng của miền đất Tổ Phú Thọ.
Cũng trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra các hoạt động như trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đặc biệt, xuyên suốt 3 ngày hoạt động của chương trình Hội làng Việt cổ sẽ diễn ra nhiều sinh hoạt khác nhau của đời sống xã hội. Đơn cử như việc tái hiện sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, các sinh hoạt diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi, sân khấu…), các cuộc thi tài, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua bán…
Ngoài ra, Liên hoan Hát văn "Âm sắc nguồn cội" cũng là một điểm nhấn mới mẻ của chương trình. Liên hoan hát văn trình bày các tiết mục có giá trị từ di sản Hát văn, Hát xoan, Xẩm, Ca trù từ Phú Thọ và các tỉnh bạn lân cận sẽ giúp du khách có cái nhìn tổng thể về các loại hình di sản này...