Thời điểm nước rút
Không đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2019, một năm ghi nhận nhiều thành tựu tốt đẹp của kinh tế - xã hội nước nhà. Những thông tin tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, thời gian từ nay cho tới hết năm 2019 cũng như thời điểm Tết Nguyên đán vẫn cần rất nhiều cố gắng vì đó không chỉ là thời điểm nước rút hết năm mà còn là lúc lo một cái Tết đủ đầy.
Cơ quan chức năng Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa nhập từ bên kia biên giới.
Cho tới thời điểm này, có thể khẳng định tăng trưởng GDP của năm 2019 sẽ đạt và vượt, đáng chú ý một điểm sáng rất rõ ràng của nền kinh tế là 10 tháng qua đã giữ được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất trong vòng 3 năm: CPI tăng chỉ 2,48% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, Chính phủ sẽ kiểm soát CPI năm 2019 từ 3,3-3,9%. Cùng đó, biên độ mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay cũng dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,04%. Bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản dừng ở mức 1,92%. Điều này càng có ý nghĩa khi nền kinh tế thế giới cũng như khu vực đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.
Cũng trong tình thế ấy, Việt Nam một lần nữa chứng tỏ là “điểm đến của thế giới” khi tháng 10 năm nay có tới gần 1,62 triệu lượt khách quốc tế ghé thăm- một con số kỷ lục. Còn trong vòng 10 tháng của năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018…
Những chuyển biến tích cực kể trên là dấu hiệu lạc quan để bước vào chặng nước rút trước khi kết thúc năm 2019 và đón Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm và giáp Tết Nguyên đán bao giờ cũng có nhiều khó khăn này sinh phải vượt qua. Trước hết, đó là việc tăng giá của nhiều mặt hàng, nhất là nhu yếu phẩm thiết yếu trong sinh hoạt. Đây là “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng không thể vì thế mà không đặt ra những giải pháp tình thế để điều chỉnh, hạn chế tác động tiêu cực. Việc “kìm cương con ngựa giá” thời điểm này là rất cần thiết và không hề dễ dàng do sức mua của xã hội tăng mạnh. Đó là những mặt hàng điện máy, vật liệu xây dựng, may mặc… Bên cạnh đó, việc tăng giá cũng sẽ phát sinh đối với một số thực phẩm thường dùng trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Trong đó, việc đàn lợn suy giảm do dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại nhiều địa phương trong cả nước suốt nhiều tháng khiến tổng đàn lợn giảm cũng như việc tái đàn khó khăn, đã tác động tiêu cực tới giá mặt hàng thực phẩm này. Tại thời điểm này, giá thịt lợn hơi tăng cao và dự báo trước mắt khó có khả năng giảm do nguồn cung không dồi dào.
Thời điểm này cũng là lúc nạn buôn lậu gia tăng, nhất là buôn lậu qua biên giới. Đó là biên giới phía Bắc, một số tỉnh giáp biên miền Trung -Tây Nguyên, cùng một số tỉnh biên giới Tây Nam. Điều đó khiến thị trường biến động, gian lận thương mại gia tăng đi cùng với nỗi lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những mặt hàng tươi sống, trái cây.
Vì thế, giai đoạn nước rút cuối năm cần đặc biệt lưu ý tới những giải pháp bình ổn giá và chống buôn lậu, gian lận thương mại; bên cạnh việc dự trữ nguồn hàng cần thiết phục vụ Tết Nguyên đán. Đây chính là những yêu cầu cần thiết để bình ổn thị trường, tránh lạm phát, chăm lo cho đời sống nhân dân. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, bên cạnh việc chăm lo sức khỏe người dân ngày đông tháng giá thì cũng còn cần chủ động phòng tránh rét cho vật nuôi, cây trồng không để sản xuất bị ảnh hưởng.
Nói tóm lại, thành tựu của hơn 10 tháng đầu của năm 2019 là rất rõ ràng, tuy nhiên cũng không thể chủ quan khi bước vào giai đoạn nước rút về đích của năm; cũng như chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Mà trước hết, đó là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn nạn buôn lậu, chuẩn bị đầy đủ những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của xã hội.