Chuẩn đầu ra giáo dục đại học: Kỳ vọng thước đo chung
Không phải đến bây giờ vấn đề chuẩn đầu ra cho sinh viên đại học (ĐH) mới được đặt ra, nhưng nói như Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, lâu nay các cơ sở giáo dục ĐH vẫn công bố chuẩn đầu ra nhưng sinh viên ra trường có đạt chuẩn hay không lại là câu hỏi lớn. Bao giờ chất lượng của chuẩn đầu ra mới được kiểm soát đúng chuẩn là điều xã hội mong chờ.
Ảnh minh họa.
Mỗi trường một… chuẩn
Theo quy định của Bộ GDĐT, tất cả các trường phải công bố chuẩn đầu ra với những quy tắc đúng định tính, định lượng, có tính khoa học đúng thực tiễn... Tuy nhiên, trên thực tế vì không có một chuẩn đầu ra chung cho từng ngành nên “mạnh trường nào trường nấy làm”. Qua nhiều đợt kiểm tra, có những trường được Bộ GDĐT đánh giá là xây dựng chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo chỉ là hình thức, lý thuyết mà thiếu tính thực tiễn nhưng cũng khó xử phạt. Nguyên nhân, như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh là do không có thước đo chung nào về chuẩn ngành, năng lực cần phải đạt tối thiểu của sinh viên hay người học sau khi tốt nghiệp một bậc học.
Hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực đã quy định tất cả các chương trình đào tạo của các trường trong thời gian tới cần được rà soát, điều chỉnh, cập nhật hoặc phát triển mới đều phải phù hợp với chuẩn chương trình. Đồng thời theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF), khi phát triển một chương trình đào tạo thì chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải đặt trong chuẩn chương trình. Do đó, việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo cũng phải đặt trong việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành đào tạo đó.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất về chuẩn đầu ra khi quy định chung cho sinh viên tất cả các trường cần đạt được do chất lượng đầu vào của từng trường là khác nhau. Chẳng hạn, cùng khối ngành kinh tế, có trường chỉ lấy khoảng 15 điểm trong khi có trường lấy tới 23, 24 điểm. Mặt bằng không đồng đều như vậy khiến cho việc quy định chuẩn đầu ra không dễ khi các trường cùng ngồi lại họp bàn chắc chắn sẽ có các ý kiến khác nhau.
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Tất Dong, thành viên Hội đồng nhân lực quốc gia Việt Nam cho rằng, trước hết cần thống nhất xác định được nội hàm của chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra ngành đào tạo được xem như chuẩn năng lực tối thiểu cần đào tạo do các bên liên quan như các hiệp hội, các cơ sở giáo dục ĐH, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng; trở thành công cụ để kiểm soát chất lượng của các cơ sở đào tạo. Khi xác định được chuẩn tối thiểu thì dù chất lượng đầu vào ra sao, các trường cũng cần đào tạo sinh viên đạt được mức độ đó mới công nhận tốt nghiệp.
“Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi lực lượng lao động đã qua đào tạo là rất lớn. Ngoài đào tạo dài hạn, chuyên sâu còn có thể có các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo không tập trung… Cũng cần lưu ý cách học, cách đào tạo của cấp phổ thông rất khác với ĐH nên không có nghĩa điểm thi vào ĐH thấp thì chất lượng đào tạo ĐH sẽ thấp và ngược lại nên việc quy định chuẩn đầu ra tối thiểu là cần thiết để xác định được trình độ nhân lực các ngành”- GS.TS Phạm Tất Dong lưu ý.
Ngoài ra, ông Dong cũng cho rằng Luật Giáo dục ĐH sau khi sửa đổi đã mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong mở ngành, xây dựng chương trình, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá và cấp bằng. Mỗi ngành được thực hiện ở nhiều trường với các chương trình đào tạo khác nhau và các trường thực hiện quyền tự chủ phát triển chương trình đào tạo của trường mình trên cơ sở chuẩn tối thiểu của từng ngành do Nhà nước quy định là cần thiết trong bối cảnh trăm hoa đua nở các trường ĐH mở ra nhiều ngành, nhiều cơ sở như hiện nay.
Nâng chất lượng giáo dục ĐH
Theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển, để chuẩn đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu đào tạo nhân lực của từng quốc gia, cần thành lập hội đồng ngành với sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo ngành, Bộ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, Bộ quản lý lĩnh vực đào tạo của ngành và đặc biệt cần có sự tham gia của các hiệp hội nghiệp nghề, các doanh nghiệp sử dụng lao động và các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các bên liên quan khác.
Với thành phần gồm các đại diện đó, Hội đồng ngành sẽ xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành để tạo ra những chuẩn mực đào tạo chung tối thiểu, thống nhất trong toàn quốc đối với các ngành đào tạo nhưng không “lấn sân” hay làm thay các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
Đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo ĐH. Bởi chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo được thực hiện ở các trình độ khác nhau phụ thuộc vào các chuẩn mực chung tối thiểu đối với từng ngành đào tạo.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng-Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), trước đây Bộ đưa ra chương trình chuẩn đào tạo tại các cơ sở ĐH tới 80%, còn các trường chỉ xây dựng 20% chương trình chuẩn đào tạo. Nhưng thời gian vừa qua, nhiều trường đã tự xây dựng chuẩn chương trình đào tạo tới 100%. Đồng thời bước đầu triển khai xây dựng chuẩn đầu ra gắn với xây dựng chuẩn chương trình đào tạo.
Việc công bố chuẩn đầu ra gắn liền với quá trình đào tạo, uy tín, thương hiệu của nhà trường. Việc ban hành và áp dụng chuẩn chương trình đào tạo, trong đó có chuẩn đầu ra đối với từng trình độ, từng ngành đào tạo sẽ nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện công nhận giữa các nước về trình độ.