Đánh giá rủi ro từ cây trồng theo công nghệ sinh học

Hoàng Minh 07/11/2019 18:14

Các chuyên gia cho rằng, trước mắt cần có các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng theo công nghệ sinh học đối với con người và môi trường.

Đánh giá rủi ro từ cây trồng theo công nghệ sinh học

Quang cảnh Hội thảo.

Nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học chính xác và đầy đủ hơn nữa về CNSH, ngày 7/11, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Croplife Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ sinh học với việc cải thiện nguồn cung thực phẩm và sức khỏe”.

Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh “Công nghệ sinh học (CNSH) đã được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Trong đó, nổi bật hơn cả là lĩnh vực y dược, tạo hiệu quả cao trong phục vụ chẩn đoán và điều trị. Riêng lĩnh vực dược phẩm, CNSH được ứng dụng để sản xuất Cytokine, Enzyme, Hormone, yếu tố đông máu, vaccine, kháng thể đơn dòng, Chất ức chế enzyme, Chất ức chế miễn dịch…”.

Các nhà khoa học tại hội thảo đã thảo luận sôi nổi và đi đến thống nhất một số quan điểm chính.

Cụ thể, CNSH là một trong các lựa chọn để đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, ổn định kinh tế và môi trường bền vững. CNSH đã được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, y học và dược phẩm giúp giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết trong cuộc sống của con người. Đặc biệt, CNSH có tiềm năng và triển vọng vô cùng to lớn trong phát triển nông nghiệp, được coi là một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu.

Cây trồng biến đổi gen giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đem lại lợi ích kinh tế cao và đã được nhiều nghiên cứu và các tổ chức uy tín trên thế giới công bố là an toàn đối với sức khoẻ con người. Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cây trồng biến đổi gen nói chung và thực phẩm biến đổi gen nói riêng đã xuất hiện và ngày càng phổ biến hơn.

Hội thảo khuyến nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục thông tin, giáo dục và truyền thông để người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn, khoa học về CNSH và thực phẩm biến đổi gen.

Bên cạnh đó, trước mắt cần có các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng CNSH đối với con người và môi trường. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất cây trồng CNSH an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Hoàng Minh