Thúc đẩy hợp tác đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 7/11, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thương mại Thái Lan và Viện Mekong tổ chức Diễn đàn thương mại Mekong – Lan Thương 2019, với chủ đề tạo thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua đổi mới trong ngành thực phẩm chế biến.
Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành then chốt, được ưu tiên phát triển tại các quốc gia Tiểu vùng Mekong nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đây là ngành đang phát triển nhanh và thu hút đầu tư nước ngoài. Diễn đàn lần này chính là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường và hợp tác với các doanh nghiệp trong khu vực các quốc gia Tiểu vùng Mekong- Lan Thương; tạo nên mạng lưới kinh doanh rộng khắp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như tăng thu nhập cho người nông dân.
Trong những năm gần đây, việc đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này liên tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Các doanh nghiệp nông nghiệp đã có sự liên kết với người nông dân, nhà sản xuất… nhằm gia tăng giá trị sản phẩm cũng như tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Một số chuỗi cung ứng trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều… cũng đã được thành lập trong khu vực này.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dù sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong sản xuất, xuất khẩu nhưng hiệu quả vẫn ở mức trung bình so thế giới. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch vẫn còn khá lớn….Do vậy, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư giữa các nước trong khu vực. Đặc biệt, điểm nhấn của diễn đàn lần này là phiên kết nối hợp tác đầu tư của hơn 70 doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các quốc gia trong khu vực, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, chia sẻ kinh nghiệm trong cải tiến sản xuất và mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư. Từ đó, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.