Hoang tàn khu tái định cư
Sau khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, nhiều hộ dân phải rời khu tái định cư bản Quăn, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An) quay về nơi cũ sinh sống. Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư tới 26 tỷ đồng này bộc lộ nhiều hạn chế.
Dự án TĐC bản Quăn hiện chỉ còn ít hộ dân sinh sống.
Khu tái định cư (KTĐC) bản Quăn, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An) được xây dựng nhằm tái định cư cho 60 hộ dân thuộc diện khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn. Đến đầu KTĐC, chiếc cầu tràn bắc qua khe Chon, con đường độc đạo nối vào KTĐC này đã bị nước lũ cuốn trôi sau mấy tháng sử dụng. Vào mùa mưa lũ, nước khe Chon dâng cao khiến khu tái định cư bản Quăn bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Dù là dự án di dân khẩn cấp với mong muốn tốt hơn nơi ở cũ, tuy nhiên do thiếu thốn nhiều thứ nên KTĐC hết sức tiêu điều.
Thời điểm chúng tôi có mặt, tại KTĐC bản Quăn chỉ có hai gia đình sinh sống. Anh Quang Văn Tiến (SN 1987) cho biết: Gia đình đã chuyển đến đây sinh sống được 4 năm, theo diện di dân khẩn cấp, cuộc sống phụ thuộc vào ít ruộng nương chứ chưa được giao đất rừng sản xuất, rất khó khăn. Bên cạnh đó, kể từ khi chiếc cầu tràn vào bản bị cuốn trôi, việc đi lại bị hạn chế hơn. Đặc biệt, cuối năm 2017, một người dân trong lúc cố vượt suối Chon đã bị nước lũ cuốn trôi. Do giao thông bị chia cắt vào mùa mưa lũ nên nhiều hộ dân đã bỏ lại đất đai, nhà cửa tại KTĐC để tìm về chốn cũ.
Chị Vi Thị Bảo (SN 1987) cho biết: Vì khó khăn, thiếu thốn nên nhiều gia đình ở đây được một thời gian, họ đã bỏ đi hết. Riêng vợ chồng chị vẫn ở lại nhưng cũng không có đất sản xuất nên phải mượn đất ruộng của bên ngoại để canh tác. Chị Bảo nói: “Vụ đầu còn được 6-7 bao thóc, vụ này mất mùa, cả nương lúa chỉ được có 3 bao. Gia đình tôi không biết trông chờ vào đâu khi mùa giáp hạt sắp đến”. Cũng theo các hộ dân sống ở đây, cả khu tái định cư bản Quăn có 3 giếng khoan nhưng tất cả đều đục, nguồn nước không đảm bảo để sử dụng.
Ông Vi Đình Thanh- Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn cho biết: “Dự án di dân vùng khẩn cấp, nhưng hiện nay chỉ mới xong giai đoạn 1 và có 31/60 hộ dân vào ở. Tuy nhiên, do “thiếu đủ thứ” nên chỉ còn 9 hộ ở lại, những hộ khác đã chuyển về chỗ cũ. Hiện tại KTĐC này thiếu đất cho bà con sản xuất và bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài”.
Trước sự việc trên, ông Trần Anh Tuấn- Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Con Cuông (đại diện chủ đầu tư) cho biết: Dự án được triển khai từ năm 2011 với tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng. Hiện tại có 31 hộ dân đã di dời, còn 29 hộ chưa có nguồn vốn giải phóng mặt bằng, xây lắp nên chưa thể đưa người dân vào ở. Điều bất ngờ nhất, ông Tuấn khẳng định: “Không có việc người dân bỏ hoang nhà cửa tại KTĐC. Trong tổng số 31 hộ dân vào KTĐC, có một số hộ ở ổn định, còn một số hộ do đi làm ăn xa nên nhà cửa họ để vậy không có ai trông coi”?
Ông Tuấn đưa ra quan điểm: Hiện vấn đề cấp thiết nhất là cần có một cây cầu cứng bắc qua khe Chon vào KTĐC. Vì theo tìm hiểu thực tế, không chỉ riêng người dân KTĐC mới, nhiều hộ dân ở bản Quăn vẫn thường qua vùng này làm nương rẫy. “Huyện đang đề xuất, bổ sung cầu dân sinh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tránh bị cô lập vào mùa mưa lũ. Nếu được, huyện sẽ đề xuất đưa cầu này vào dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương của Tổng Cục đường bộ, nhưng đề xuất vậy thôi, còn bao giờ triển khai được thì phải chờ”- ông Tuấn nói.