Bát nháo dịch vụ làm đẹp
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc nữ bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, thậm chí mất mạng do làm đẹp tại các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đã khiến nhiều người hoang mang. Trong khi nhu cầu làm đẹp, tân trang nhan sắc của nhiều chị em ngày càng lớn, câu hỏi đặt ra tình trạng buông lỏng quản lý, cấp phép các dịch vụ làm đẹp còn tồn tại đến bao giờ?
Ảnh minh họa.
Mù mắt, tử vong do làm đẹp
Cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ 13 tuổi nhập viện trong tình trạng mất hoàn toàn thị lực mắt phải, bệnh nhân có các tổn thương ban xuất huyết và sưng nề vùng gốc mũi, trán. Các tổn thương xuất hiện sau khi bệnh nhi được tiêm chất làm đầy tại một spa ở thành phố Yên Bái. Bệnh nhân được bạn bè làm ở spa tư vấn và cũng có nhu cầu, nên bệnh nhân đến spa của bạn. Tại đây, bệnh nhân được tiêm chất làm đầy (nghi do hyaluronic acid) để nâng mũi vào lúc 18h, ngày 21 tháng 10 năm 2019. Sau tiêm 30 phút, bệnh nhân xuất hiện tình trạng chóng mặt, buồn nôn; sau 4 giờ thì bệnh nhân xuất hiện ban tím vùng trán, mũi kèm theo đau nhức. Đến 24h cùng ngày, bệnh nhân mất thị lực hoàn toàn mắt phải và đau đầu nhiều.
Bệnh nhân tới BV Mắt Trung ương khám, được chẩn đoán mất thị lực hoàn toàn mắt phải, phù gai thị, theo dõi tắc động mạch trung tâm võng mạc và được chuyển tới BV Da liễu Trung ương.
BS Nguyễn Quốc Anh- Trưởng khoa Chấn thương BV Mắt trung ương, người đã tiếp nhận điều trị ban đầu cho bệnh nhân này cho biết ông bị sốc vì thấy rất thương cháu bé. Ông cho hay, thời gian qua, BV đã tiếp nhận 4 ca như vậy nhưng cháu bé này là nhỏ tuổi nhất. Việc điều trị bằng cách tiêm tan (làm tan chất làm đầy đã tiêm) có hiệu quả trong 4 giờ đầu, nhưng để muộn thì hiệu quả thấp hơn, thậm chí là không có hiệu quả”.
Còn tại TP HCM, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, BV Chợ Rẫy, cho biết đơn vị này đang tiếp nhận điều trị cho một phụ nữ 52 tuổi (ngụ thị trấn Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) bị mù mắt do tiêm filler tại spa. Bệnh nhân cho biết qua giới thiệu của bạn bè nên đến cơ sở này với ý định nhấn mí, cắt cánh mũi. Tuy nhiên, chủ spa này đã tự ý tiêm filler vào mũi cho bệnh nhân. Bệnh nhân cho biết không có kiến thức về filler và cũng không rõ chủ cơ sở này có giấy phép hoạt động hay không.
BS Hùng cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phù giác mạc, xuất huyết kết mạc. Bệnh nhân đã được xử lý kháng sinh, kháng viêm, bôi dung dịch mỡ tránh hoại tử da. Tuy nhiên, mắt trái của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể phục hồi.
Một vụ việc đáng chú ý xảy ra hồi tháng 10 vừa qua tại TP HCM, đó là trường hợp một nữ bệnh nhân Việt kiều đến BV Thẩm mỹ Kangnam vào ngày 11/10 để thực hiện phẫu thuật căng da mặt. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân bình thường, tuy nhiên đến 21 giờ cùng ngày bệnh nhân đột ngột khó thở, tím tái, lơ mơ và được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Bệnh nhân sau đó được chuyển vào BV Nhân dân 15 và BV Chợ Rẫy điều trị tiếp nhưng đã tử vong vào tối 14/10.
Khó quản lý?
Theo Sở Y tế TP HCM, đến nay đơn vị chỉ cấp phép cho gần 150 BV và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Để được cấp phép, các nơi này phải đảm bảo nghiêm các điều kiện hoạt động như có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người.
Ông Nguyễn Việt Cường- Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có trên 70 cơ sở làm đẹp được ngành Y tế cấp phép, số còn lại là các cơ sở chăm sóc da, làm đẹp không xâm lấn thì UBND TP Hà Nội đã giao các UBND quận, huyện, nơi cơ sở đó đặt trụ sở, quản lý. Các cơ sở này không được phép thực hiện các dịch vụ gây chảy máu như nhấn mí, làm lúm đồng tiền, xăm môi, xăm lông mày…
Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ đang nở rộ. Đặc biệt là các cơ sở làm đẹp được địa phương cấp phép hoạt động các dịch vụ massage, gội đầu, trang điểm, chăm sóc da... nhưng biến tướng tìm cách lách luật, với các tên gọi mập mờ khiến nhiều khách hàng lầm tưởng để thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bằng việc tiêm filler nâng mũi - ngực - mông, tạo má lúm đồng tiền, lăn kim, truyền trắng, tan mỡ, tiêm botox tái tạo da. Một thực trạng đáng báo động là các thẩm mỹ viện đang làm thay công việc của bác sĩ.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ của người dân có xu hướng ngày càng tăng cao, theo đó là số cơ sở hành nghề thẩm mỹ cũng ngày càng phát triển theo số lượng trên địa bàn thành phố. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp để kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở cố tình vi phạm nhưng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này vẫn chưa có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, mặc dù Sở Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan chuyên ngành thẩm mỹ đến tất cả các cơ sở có liên quan, tuy nhiên các sự cố y khoa vẫn xảy ra và có nguy cơ tái xảy ra trong thời gian tới, đây là là thách thức chung đối với ngành y tế nhưng đồng thời cũng là yêu cầu đối với công tác quản trị BV phải toàn diện và chặt chẽ hơn.
Ông Nguyễn Việt Cường cho rằng, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện, spa làm đẹp và các BV, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định, thẩm mỹ viện hay spa làm đẹp chỉ được phép chăm sóc bên ngoài da, chăm sóc da thư giãn, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Cấy tóc, xăm mắt, xăm lông mày, cắt mí... Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các BV và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. Do vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh “tiền mất tật mang”.