Nhà báo Hữu Thọ (1932-2015) nói về người tài thời hiện đại: Dấn thân và học cách tự bảo vệ mình

Hồng Thanh Quang (thực hiện) 08/11/2019 09:00

Tờ báo như một khối nam châm hút trí tuệ xã hội chứ không đơn thuần là phát huy trí tuệ của những người làm báo chuyên nghiệp tại chỗ. Đấy là sự lựa chọn sinh tử đối với cơ quan báo chí, vì chính quyền lợi của mình mà mình phải dùng người ta, không còn cách nào khác!- Nhà báo Hữu Thọ.

Nhà báo Hữu Thọ (1932-2015) nói về người tài thời hiện đại: Dấn thân và học cách tự bảo vệ mình

Nhà báo Hữu Thọ (1932 - 2015).

Muốn hấp dẫn phải có ngôi sao

Hồng Thanh Quang: “Yên tĩnh, mình chỉ thấy được trong mơ”, - thi sĩ Nga Alexander Blok từng viết thế. Hơn nữa, hành nghề báo không thể làm người vô danh được, bởi lẽ mục tiêu của bất kỳ ai bước chân vào nghề này cũng là phấn đấu trở thành người có tiếng nói được xã hội chú ý đến.

Nhà báo Hữu Thọ: Thì cũng biết vậy. Đã làm báo thì phải phấn đấu trở thành một cây bút có thẩm quyền trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Tức là ý kiến của mình phải mang tính chuyên môn, có hàm lượng chất xám, hữu ích cho xã hội, chứ không phải là chỉ “ăn theo, nói leo”.

Đấy là điều giúp nghề báo khác với nghề mõ ở làng quê xưa. Tôi cứ nghĩ rằng, một tờ báo muốn chiếm được vị trí xứng đáng trong lòng độc giả thì bao giờ cũng cần tới những cây bút có tên tuổi, có bản lĩnh và chủ kiến, dứt khoát không bao giờ chịu “ăn theo, nói leo”. Cũng như một chương trình ca nhạc muốn hấp dẫn đông khán giả thì cần phải có những ngôi sao thực thụ, biết tạo nên những khoảnh khắc đột biến vô tiền khoáng hậu. Ông có nghĩ như thế không?

- Tờ báo nào cũng cần phải có ngôi sao. Chính Tổng Biên tập phải là người phát hiện và lăngxê những người có tài thành ngôi sao. Sở dĩ tờ báo “Ngày nay” thời trước Cách mạng sống được là nhờ đằng sau nó là những tên tuổi lớn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... Chính vì biết tôn trọng người tài nên nó đã giữ được vị trí đặc biệt của mình và tạo nên một thời kỳ “Tự Lực Văn Đoàn”. Thời đó, những ông chủ báo cũng không phải là những mạnh thường quân đâu, nhưng vì mục đích phát hành báo, “lợi nhà” nên họ buộc phải tôn trọng những người có tài. Tất nhiên, họ phải có con mắt tinh đời, biết phân biệt đúng xem cây bút nào ăn khách.

Thời xưa cũng có câu, cần phải dùng người tài, nhưng nếu không dùng được người tài thì phải giết đi, kẻo “địch thủ” sử dụng mất thì nguy (!). Ngày nay thì khó “giết” người tài lắm, nên không biết dùng người tài thì tất yếu, chẳng sớm thì muộn sẽ bị thua trong cuộc cạnh tranh sinh tồn. Vậy nên, phẩm chất cần có của một người làm thủ lĩnh là phải “anh hùng đoán giữa trần ai”, biết nhìn ra người tài. Và chính vì thế thông thường ở một doanh nghiệp, ở một tổ chức, trong thế hệ đầu thì bao giờ người lãnh đạo cũng phải là người có “con mắt xanh”. Khác đi thì không thể khởi nghiệp một cách “hoành tráng” được. Đáng buồn là, phần lớn những người kế tục họ không phải bao giờ cũng được như thế và đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều sự nghiệp không được phát huy xứng đáng ở những đời kế tục.

- Trong lịch sử chúng ta, triều đại nào cũng thế, thường bao giờ Thái Tổ, Thái Tông cũng đều tuyệt vời. Nhưng sau Tổ, Tông xong, thì con cháu lại bắt đầu hư hỏng, ăn mòn vào cái vốn cha ông để lại...

Ai giàu ba họ, ai khó ba đời... Quy luật bất biến là vậy chăng?

- Quy luật thì cũng có thể như thế. Nhưng “xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều”...

Dựng nghiệp đã khó, dựng người kế nghiệp xứng đáng khó hơn. Và nhiệm vụ chính của bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải là tìm ra người kế nhiệm mình xứng đáng và thành công. Ông có nghĩ như vậy không?

- Tôi không nghĩ gì khác thế...

Phát hiện và vun vén tài năng

Thời nào và bất cứ một người lãnh đạo nào cũng nói là mình cần người tài. Nhưng không phải với ai người tài cũng chịu về làm việc. Theo ông, làm thế nào để có được người tài, trước hết là cho các cơ quan báo chí?

- Bây giờ ta đang nói đến cái thương hiệu của doanh nghiệp. Với cơ quan báo chí, đó là sự tin cậy của cái măngxét, bởi vì trong măngxét đó có những cây bút có thẩm quyền. Chúng ta cứ quan sát mà xem, không phải tờ báo nào cũng được đông người mua. Mà khi đã quyết định mua tờ báo này hay tờ báo khác, không ai đọc lần lượt ngay từ đầu đến cuối. Trước tiên, họ lật giở từ trang đầu đến trang cuối xem qua các tít bài, rồi đến những vấn đề mà bài báo đề cập tới có liên quan đến mình không. Sau đó, họ xem ai viết bài báo đó, có phải là một cây bút quen thuộc không, có phải là cây bút đáng tin cậy cả về năng lực và phẩm chất đạo đức hay không? Sau đó, họ mới quyết định đọc bài nào, bỏ qua bài nào và bài nào thì đọc lướt. Như thế để thấy rằng có hai việc cực kỳ quan trọng đối với người làm báo. Đối với một Tổng Biên tập, cần phải quyết định vấn đề của một tờ báo có phải là vấn đề bức xúc của xã hội hay không, có phải là vấn đề độc giả quan tâm hay không? Thứ hai là, tòa soạn phải có những cây bút có tầm, những cây bút có dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trong tình hình hiện nay, với sự phát triển của đất nước, sự phát triển phong phú của xã hội khó có được một cây bút sắc sảo toàn diện. Nói như một đại văn hào Đức, trên đời này mỗi người chỉ nên sắm một chiếc chìa khoá để mở thành công một cánh cửa. Tất nhiên, cũng có những cái chìa khoá vạn năng mở được mọi cánh cửa dẫn tới thành công, nhưng chỉ có hai loại người có được chìa khóa vạn năng đó. Đấy là thiên tài và kẻ trộm...

Có người bảo, chỉ thám tử và kẻ trộm mới có được những chùm chìa khóa vạn năng...

- Nói thế cũng đúng (cười hóm hỉnh)... Thực tế là thiên tài thì rất ít, còn kẻ trộm lại quá nhiều. Cho nên mục tiêu của mình không hẳn đã là tìm ra được những cây bút đa-gi-năng, việc gì cũng giỏi, vì đó là chuyện quá khó, hầu như không khả thi. Cái chính là biết phát hiện, vun vén, bồi dưỡng những tài năng thành những cây bút có thẩm quyền của từng lĩnh vực. Người lãnh đạo phải ủng hộ và xây dựng những cây bút đó, hoặc những cộng tác viên có uy tín trong xã hội, bởi vì như thế mới mang được trí tuệ của cả xã hội vào việc nâng cao chất lượng tờ báo. Khi đó, tờ báo như một khối nam châm hút trí tuệ xã hội chứ không đơn thuần là phát huy trí tuệ của những người làm báo chuyên nghiệp tại chỗ. Đấy là sự lựa chọn sinh tử đối với cơ quan báo chí, vì chính quyền lợi của mình mà mình phải dùng người ta, không còn cách nào khác!

Người tài phải kiên định

Người tài hay có tật, xưa đã thế, mà nay cũng thế. Người tài lại không dễ bảo, vì họ không có tính cách “gió chiều nào xoay chiều nấy”...

- Đúng thế. Những người có năng lực thực sự thì hay có những ý tưởng riêng, phong cách riêng, đây là cơ sở cho sự sáng tạo. Họ cũng là những người có hiểu biết rộng, có sự sáng tạo nên rất kiên định, việc bác bỏ ý kiến của họ là không dễ dàng. Từ sự kiên định, sáng tạo đến chỗ bị hiểu lầm là kiêu ngạo có khoảng cách rất ngắn, nên người ta hay gọi đó là cái tật. Với những người có năng lực, bác bỏ một bài của họ, thậm chí một dòng hay một chữ mà không “tâm phục, khẩu phục” thì họ cũng cãi đến cùng. Sự sáng tạo của họ không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình tư duy rất cao. Cho nên không phải mang cái thế của anh để sẵn sàng gạch ngang gạch chéo...

Nhà báo Hữu Thọ (1932-2015) nói về người tài thời hiện đại: Dấn thân và học cách tự bảo vệ mình - 1

Núi cao bởi có đất bồi

Người tài phải kiên định, nếu mình tin việc mình làm là đúng.

- Sáng tạo bao giờ cũng có một phần là phủ định cái cũ, thực chất là chống lại thói quen, tập quán đã trở nên không thích ứng nữa với điều kiện mới. Một khi ta chống lại hay cố gắng xoá bỏ cái cũ thì dĩ nhiên là cái cũ cũng tìm đủ mọi cách để cưỡng lại ta.

Tôi nhớ, ông từng viết một tiểu phẩm có cái tít mà tôi rất thích: “Mình thắng vì mình không chịu thua”. Không có xu thế mới nào ngay lập tức đã trở thành xu thế, mọi sự đôi khi diễn ra rất từ từ. Có cái mới lúc vừa xuất hiện đã bị đánh “hội đồng” tứ tung, nhưng rồi, xã hội dần dà buộc phải hiểu ra rằng, cái ban đầu chỉ là thiểu số thực ra mới có lợi cho đa số. Trong một tập thể nào đó, nếu chỉ tính theo số lượng phiếu bầu thì đôi khi, người tài dễ bị “lọt ra rìa”...

- Tôi cũng đã từng viết một bài báo nói lên những khó khăn của công việc sáng tạo hay tiến hóa. Khi con vượn đầu tiên biết đứng hai chân lên thì đó là bước tiến đầu tiên, còn lẫm chẫm, rụt rè, chưa mấy tự tin, trong quá trình dằng dặc từ vượn thành người. Chúng ta có thể hình dung ra được thái độ chung của cả đàn vượn, vẫn đi bằng bốn chân, trước con vượn “bất thường” bỗng dưng đi bằng hai chân như vậy. Biết đâu, con vượn ấy đã bị cả đàn xúm lại hạ thủ như một “dị chủng”. Và phải tới con thứ một vạn hay nhiều hơn nữa đứng hai chân lên và đi những bước ngày càng trở nên thuần thục, vững chãi thì cái gọi là quá trình tiến hóa ấy mới tạm được coi là công nhận và không thể đảo ngược được. Như vậy có thể hiểu là, để tạo nên được một cú đột phá trong tiến hóa có khi trong đàn vượn đã có 9.999 con hay nhiều hơn nữa phải chết...

Nghĩa là một khi ta thành công trong những ý tưởng mới mẻ của mình thì ta cũng nên hiểu rằng, ta thực ra đã gặt hái được trái ngọt nhờ sự hy sinh của rất nhiều người đi trước, đồng tư tưởng với ta. Người ta trở nên vĩ đại, nói như Newton, là nhờ đứng trên vai những người khổng lồ. Ta thành công là nhờ biết được hằng hà sa số thất bại bồi đắp lại nền móng. Khi ta đeo quân hàm tướng lên vai thì ta cũng cần hiểu rằng, ngoài những phẩm chất cá nhân của mình thì còn có bao nhiêu sự tận tụy, thậm chí hy sinh, của những người không may mắn bằng ta, nhưng cũng đã rất đồng tâm, đồng chí, đồng tình với ta... “Núi cao bởi có đất bồi, Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu” – như Tố Hữu đã có lời ru này...

- Trong một buổi lễ trao huân chương cho những người chiến thắng, những người anh hùng trận mạc, Napoléon đã phát biểu: “Tôi rất vinh dự được trao phần thưởng vẻ vang cho những người anh hùng loại 2! Vì những người anh hùng loại 1 khi tiếng kèn xung trận cất lên thì họ là những người đầu tiên xung kích và tiếc rằng, 85% những người ấy không về lại với chúng ta nữa!”.

Nói chung, trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào, không chỉ riêng ở nước ta mà ở bất cứ đâu, những người tuyệt vời nhất, hay ho nhất đều đã nằm lại ở chiến trường. Nói thế không có nghĩa những người còn sống không hay ho, nhưng thường khi đánh giá một cuộc chiến nào đó, sự mất mát không chỉ ở số người chết mà cả ở những tinh hoa nhất đã bị mất đi. Chính vì sự mất mát này mà khi khôi phục lại đất nước sau chiến tranh thường là rất khó khăn. Ông có đồng ý không?

- Đúng là như thế. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có chủ trương giữ lại hai lớp người cho sự nghiệp xây dựng lại đất nước trong tương lai: đó là công nhân và trí thức. Nên những năm đó, chúng ta huy động rất ít công nhân và trí thức vào chiến trường vì chúng ta nghĩ hai lớp người này tối cần thiết để làm cốt cán cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Thế nhưng, từ năm 1972 trở đi, chúng ta đã buộc phải huy động cả từng khoa của Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa rồi một loạt trí thức tốt nghiệp đại học vào chiến trường. Đọc những trang nhật ký để lại của lớp chiến sĩ trí thức đó, chúng ta mới thấy, những năm ấy, quả thực là chúng ta đã phải vét tất cả tinh lực của Tổ quốc cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nói ra tất cả những điều đó để thấy rằng, cuộc chiến đấu của chúng ta là đáng giá, đau đớn và vẻ vang. Vì chúng ta đã phải đối mặt với một kẻ thù không chỉ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà còn thông minh và hiện đại... Và chúng ta đã thắng trong cuộc chiến tranh đó.

Chân lý bắt đầu từ thiểu số

- Trong một xã hội dân chủ, phải biết trân trọng những ý kiến khác, ở đây không phải là ý kiến đối lập, mà là những ý kiến khác nhau. Và việc này phụ thuộc vào trách nhiệm của người nghe, chứ không phải người nói. Người nói thường mang rất nhiều dằn vặt, trước khi nói phải uốn lưỡi 3 lần. Chân lý nào cũng bắt đầu từ thiểu số. Rồi khi được thực tiễn công nhận, nó mới trở thành đa số. Nếu đòi hỏi có chân lý ngay thì không thể có, hoặc đó không phải là chân lý đáng giá. Nên những ý kiến khác mang ý nghĩa bổ sung cần được trân trọng. Tất nhiên là chúng ta có đội quân hàng triệu người nhưng khi chiến đấu là phải như một, thống nhất hành động, thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng ngay cả trong những tình huống như vậy, vẫn phải trân trọng ý kiến thiểu số, nhất là ý kiến thiểu số của những người có kiến thức, có kinh nghiệm trong xã hội. Đây là một thuật dùng người tài. Người tài bao giờ cũng có những ý tưởng sáng tạo. Mà người hiền không có nghĩa là người hiền lành đâu, mà đôi khi họ ở trong những người hay cãi. Một vị giám đốc người Nhật nói rằng, tiêu chuẩn để chọn trợ lý chính là những người có ý kiến khác mình, còn những người có ý kiến giống mình thì trở nên dư thừa.

Ngay cả một người lãnh đạo lỗi lạc muốn phát triển, muốn hành động chuẩn mực cũng cần có người phản biện, chứ không phải chỉ cần những người luôn a dua theo mình... Vì vậy phải sử dụng những người thực sự có năng lực, có lòng tự trọng. Nếu chúng ta không biết dùng người tài, nhất là trong cơ chế hiện nay, rất có thể họ sẽ đi làm những việc khác với những đối thủ của chúng ta. Nhưng muốn dùng được người tài, phải có cơ chế hợp lý. Làm thế nào để người tài thực sự phát huy được năng lực của mình? Theo ông, chúng ta cần nhìn nhận hay thay đổi cơ chế như thế nào nhìn từ phương diện xã hội?

- Điều này tôi đã nói và viết không chỉ một lần. Theo tôi, những người tài sợ nhất 3 trường hợp. Thứ nhất, họ sợ không có chỗ để thi thố tài năng, đó là một điều cực kỳ quan trọng. Hiện nay, một số tỉnh đang có chính sách thu hút nhân tài bằng việc cấp đất tăng lương... Việc đó là cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất đối với người tài. Bởi người tài cần nơi để thi thố tài năng, chứ không chỉ cần các tiện nghi sinh hoạt. Có một tỉnh với chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” kiểu tăng tiêu chuẩn hưởng thụ, thì lúc đầu cũng thu hút được 8 người có bằng cấp cao về. Sau 2 năm, 7 người bỏ đi. Đó là bởi vì ở địa phương ấy, chính quyền không tạo điều kiện cho họ làm việc thực sự đúng tầm. Không được làm việc mà lại hưởng “lộc” cao thì người tài không thích.

Cái sợ thứ hai của người tài là sợ mình không được thực sự tin dùng. Một số người không dùng người tài mà lại thích dùng kẻ xu nịnh. Người tài sợ nhất là kẻ nịnh vì người tài không biết nịnh. Cái “ngu dốt” nhất của người tài là không hiểu biết về “khoa học xu nịnh”. Vì họ không có thời giờ để học những cái đó! Người quân tử không phải không có trí, không phải không có mưu, nhưng người quân tử không thèm làm những mưu mô và xảo trá mà tiểu nhân dám làm. Và đấy là những điều kiện để kẻ tiểu nhân hay thắng được quân tử!

Không phải người tài không tường tận “nghệ thuật đánh quả”, nhưng người tài không làm thế, vì coi việc đó thấp dưới nhân cách của mình. Người tài cũng cần tiền nhưng muốn đồng tiền kiếm được phải sạch sẽ và đàng hoàng. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều tiền không hẳn đã là nhiều tài, theo đúng nghĩa chân chính và đạo đức của từ này.

- Đúng vậy... Thứ ba, người tài sợ là chủ nghĩa phân phối bình quân, vì thực sự ra, người tài không quan tâm đến vật chất, nhưng luôn nghĩ rằng: Đôi khi vật chất lại là thước đo sự đánh giá, sự trân trọng. Khổng Tử bỏ nước Lỗ mà đi chỉ vì trong một dịp Tết, vua Lỗ không chia phần thịt cho mình. Nhiều người hiểu lầm Khổng Tử vì tham miếng thịt mà bỏ cả Tổ quốc mà đi. Nhưng không phải. Anh không chia phần thịt cho tôi tức là anh không coi tôi thuộc lớp người được kính trọng trong thiên hạ, để khi cần thì hỏi ý kiến nên tôi không thể nào ở với anh được. Cũng như lương của chúng ta bây giờ, những người tài năng thường làm ngoài lương, nhuận bút 2 bài báo có khi vượt cả lương tháng. Nhưng lương là biểu hiện đánh giá của cả một tập thể đối với tôi, nên không thể dùng chính sách bình quân phân phối... Nếu không khắc phục được 3 điều này sẽ rất khó thu hút được người tài. Tất nhiên, cũng có nhiều loại tài, có tài lớn tài nhỏ...

Và “minh chủ” là người biết tập hợp và sử dụng đúng chỗ những tài lớn tài nhỏ đó... Một nhà lãnh đạo tài ba là phải biết sử dụng cả Quan Công lẫn Trương Phi, cả Triệu Tử Long lẫn Mã Siêu, Mã Tốc...

- Bác Hồ đã nói “Dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng đúng tài năng của họ vào đúng công việc thì mới phát huy được. Nghề báo lại càng đòi hỏi như vậy. Ở một tờ báo có những ngôi sao, có những cây bút có thẩm quyền, nhưng tôi cũng lại cần những phong cách đa dạng của nhiều cây bút. Ăn cơm với rau muống nhưng được chế biến theo nhiều cách sẽ thấy lạ miệng hơn. Với bạn đọc ngày nay trình độ ngày càng cao, sự thích thú nhất của họ chính là sự đa dạng. Chính văn kiện Đại hội Đảng mở đầu thời kỳ đổi mới từng chỉ rõ, báo chí cách mạng phải chống sự giản đơn, hời hợt, đơn điệu, một chiều, sáo rỗng. Đừng phê phán khi tôi làm tờ báo đa dạng, nhiều chiều. Quan niệm nhiều chiều đồng nghĩa với đối lập là rất nguy hiểm...

Nhà báo Hữu Thọ (1932-2015) nói về người tài thời hiện đại: Dấn thân và học cách tự bảo vệ mình - 2

Phải biết tự bảo vệ mình

Nguyễn Du cũng từng viết “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Có thể đúng như vậy. Tuy nhiên, bây giờ tôi lại nghĩ hơi khác một chút. Nhìn từ góc độ chung, tất nhiên xã hội nên có cách ứng xử thỏa đáng với các tài năng, cần phải hiểu rằng, tài năng cũng như nhan sắc, là hiếm hoi nên cần được nâng đỡ, được bảo vệ, được ưu ái... Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, có lẽ đã tới lúc chúng ta cần phải định nghĩa lại khái niệm người tài. Thế nào là một người tài? Là một người có trong mình những mầm mống năng lực tốt, hay là người phải thể hiện được những mầm mống năng lực tốt ấy vào thực tế và mang lại những kết quả xuất sắc? Tôi trộm nghĩ rằng, người xứng đáng được gọi là nhân tài phải là người làm được việc xuất sắc, bất luận những sức ép hay trở ngại có to lớn đến đâu. Còn người dù có năng lực nhưng không biến được năng lực đó thành kết quả cụ thể thì vẫn không xứng được gọi là nhân tài. Nhân tài không những phải biết bảo vệ mình mà còn bảo vệ cả những người khác nữa. ông nghĩ thế nào về điều này?

- Anh nói cũng đúng thôi...

Tôi cũng trộm nghĩ rằng, trong tình hình hiện nay của chúng ta, nếu quá nhấn mạnh tới trách nhiệm của xã hội đối với các tài năng, thì vô hình trung chúng ta tiếp tục dung dưỡng tư tưởng thụ động, đợi chờ những điều kiện tốt đẹp hơn thì mới nhập cuộc và thi thố năng lực. Điều đó không hề là tốt trong bối cảnh một xã hội đang ngày càng bị cuốn sâu vào những cuộc cạnh tranh quyết liệt với những diễn biến không phải lúc nào cũng chịu nằm trong khuôn khổ những trù tính chủ quan của các cá nhân... Đành rằng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” như Thân Nhân Trung đã viết, nhưng một khi anh tự coi mình là “nguyên khí quốc gia” thì anh phải chủ động cống hiến và cống hiến bằng được cho ích dân lợi nước, chứ không thể theo thói thường ngồi xếp chân bằng tròn chờ ai cầu mới tới, ai xin mới giúp...

- Thế nào là một nhân tài? Nói rành rẽ, cụ thể không phải là dễ đâu. Tôi nhớ, có lần vào thăm Văn Miếu, tôi cứ nghĩ vẩn vơ thế này. Nước ta thời phong kiến có tới hơn 1.200 tiến sĩ, đều là những vị học giỏi, chữ nghĩa đầy mình, nhưng xét cho cùng, thành danh ở cấp quốc gia thì trong số những vị có tên khắc ở bia Văn Miếu, nhẩm tính cũng chỉ có khoảng hơn một chục vị thôi. Đó là những người đã làm được những việc lớn cho dân, cho nước, chứ không chỉ đơn thuần là những người đỗ đạt cao. Cho nên quan trọng không chỉ là đỗ đạt, không chỉ là có tên trong bia Văn Miếu, mà là ở cống hiến thực sự cho dân, cho nước. Mà nói về cái sự cống hiến này, thì ông Trạng nguyên A chưa chắc đã cống hiến được nhiều bằng ông Thám hoa B. Và ông Thám hoa C nào đó cũng chưa chắc đã có cống hiến cho dân cho nước nhiều hơn được một ông Bảng nhỡn D nào đó... Đánh giá về một con người khó lắm, thường là phải có độ lùi về thời gian và phải nhìn vào công việc họ làm cho dân, cho nước...

Tôi có cảm giác rằng, lắm khi chúng ta hơi vội vã trong việc đánh giá công trạng hay tội lỗi của một nhân vật này hay nhân vật khác. “Cái quan định luận” có khi vẫn là vội vàng. Quá cố gắng để làm đẹp lòng một thời có thể làm mếch lòng muôn đời mai hậu. Trong rất nhiều trường hợp cần phải đợi 10 năm, 20 năm, 50 năm sau... Chầm chậm tới mình thì có lẽ sẽ là chắc hơn. Nếu tôi nhớ không nhầm, ở thủ đô Warsaw của Ba Lan chẳng hạn, thường là những nhân vật nổi tiếng chỉ được Hội đồng Thị chính xét để đặt tên cho các đường phố 50 năm sau ngày họ qua đời...

- Điện Panteon ở Pháp cũng vậy, không phải nhân vật nổi tiếng nào sau khi mất cũng được mai táng ngay vào đó. Thường là phải đợi mấy chục năm hoặc lâu hơn nữa mới được xem xét. Nhưng khi đã được cải táng vào Panteon rồi thì tất cả các vĩ nhân dường như đều ở vị trí bình đẳng với nhau...

Trong bất cứ thời đại nào và bất cứ hoàn cảnh nào, làm được một việc gì đó cho ra trò cũng đều cần những nỗ lực vượt bậc và một tính chiến đấu cực kỳ cao. Có thể có tài nhưng sẽ là vô dụng nếu không có ý chí. Bản thân tôi cũng đã được nhìn thấy không ít những thí dụ về những người có năng lực cao hẳn hoi nhưng rốt cuộc, vẫn không làm nên cơm cháo gì cho đời. Và họ đổ mọi sự cho hoàn cảnh xã hội đã không tạo điều kiện cho họ thực thi nguyện vọng cho thỏa chí bình sinh. Họ có là những nhân tài hay không? Hay họ chưa đạt được tầm cỡ nhân tài? Tôi vẫn nghĩ rằng, người tài phải là người làm được việc mình muốn có ích cho đời, cho bản thân mình, bất luận hoàn cảnh khách quan như thế nào. Nói thực, tôi vẫn rất muốn biết ý kiến của ông về tính chủ động nhập thế của những người được gọi là tài năng?

- Tôi lại vẫn muốn đề cập tới vấn đề này từ góc độ trách nhiệm của xã hội. Theo tôi, xã hội và cộng đồng cần phải giúp đỡ, phải ủng hộ người tài. Chứ nếu để cho tính đố kỵ, ghen tị phát triển thì cực kỳ nguy hiểm. Tôi lấy thí dụ, một tờ báo muốn có uy tín trong lòng bạn đọc thì phải có những cây bút có thẩm quyền trong những lĩnh vực quan trọng, phải có những tác giả có thương hiệu. Và phải ủng hộ những cây bút như thế. Chứ nếu bây giờ ta lại đi tị nạnh với những cây bút ấy, căn vặn cớ sao anh lại viết nhiều thế, lại lĩnh nhiều nhuận bút thế thì có thể làm nản lòng người tài. Và rốt cuộc là tờ báo sẽ bị tổn hại. Và đấy sẽ là tổn hại chung, chứ không riêng với ai. Và muốn tránh kết cục đó, cần có con mắt xanh của người lãnh đạo, hỗ trợ và ủng hộ tài năng, ủng hộ cách làm đúng có thể mang lại những lợi ích toàn cục. Con mắt xanh của người lãnh đạo cũng cần phải nhìn nhận ra người tài thực sự khi tài năng ấy còn là nụ, là mầm. Chứ đợi lúc nó đã nở thành hoa thì ai chẳng thấy, ai chẳng chuộng!

Kẻ sĩ thời hiện đại

Tôi nhớ ông từng viết một tiểu phẩm rất thú vị trong quyển sách “Chạy” mà trong đó ông có trích dẫn một câu nói của tiền nhân “Người quân tử không phải không có trí, không có mưu. Nhưng có khi họ lại thua kẻ tiểu nhân, vì người quân tử không thèm làm những việc mà kẻ tiểu nhân dám làm!”. Rất chí lý! Tôi cũng nghĩ rằng, trong một số trường hợp nhất định, phải chấp nhận sự thua thiệt để bảo toàn nhân cách. Mà không chỉ ở phương Đông mới thế. Tôi còn nhớ rằng, ở châu Âu một thời cũng từng diễn ra cảnh các trí giả nghĩ ra tư tưởng đấu tranh tiên tiến, khích lệ những người có bầu máu nóng biến những tư tưởng ấy thành hiện thực trong các cuộc quyết chiến vì tương lai, nhưng rốt cuộc, các thành quả thơm ngọt của các cuộc chiến đấu này lại rơi vào tay các tiểu nhân, những kẻ dám làm mọi sự để vươn lên ngồi trên đầu thiên hạ... Nếu cứ như vậy, chẳng hóa ra quy luật muôn đời vẫn là “cốc mò, cò xơi” ư?

- Tôi đã từng phát biểu, trên cả những diễn đàn quan trọng cấp quốc gia: Ai cũng phê phán chuyện “chạy”, “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” nọ, “chạy” kia... Đảng ta đã nhiều lần phê phán hiện tượng này. Tuy nhiên, buồn một nỗi là vẫn còn những người “chạy” và họ “chạy” được mới lạ chứ. Thế là những người vốn không quen, không thích “chạy” bỗng nhiên cảm thấy mình bị thiệt thòi và cũng... “chạy” theo, thế là đua nhau “chạy”. Trong một xã hội mà những kẻ xấu được đắc chí thì rất nguy hiểm...

Ngày xưa, xã hội phương Đông khép kín ổn định, kẻ sĩ hành xử chung theo những nguyên tắc hay ho bất biến. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, khi kẻ sĩ Việt Nam không chỉ phải đối mặt với các mâu thuẫn của đời sống sát quanh mình mà còn cả trên trường quốc tế, cần phải tuân thủ những nguyên tắc nào để không bị mất sức chiến đấu trước những đối thủ đầy bất trắc, tư duy và tuân thủ những tiêu chí lắm khi khác với ta hoàn toàn? Muốn nói gì thì nói, thế giới mà chúng ta đang sống còn xa mới có thể gọi là tương đối hoàn thiện và luật chơi chủ yếu trên thế giới vẫn là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” và “chân lý trong tay kẻ mạnh”...

- Trong quá trình hội nhập, quan trọng nhất vẫn là phải giữ được bản sắc văn hóa của mình, hay như Bác Hồ đã nói, cốt cách, đạo lý dân tộc. Chính cái văn hóa dân tộc mới là hào lũy để che chắn chúng ta trước những cuộc tấn công tinh thần, tư tưởng từ bên ngoài, để hội nhập, học tập bạn bè mà vẫn giữ được bản sắc. Chữ Nhân của Khổng Tử vào đến Việt Nam thành đạo Nhân nghĩa theo tư tưởng của Nguyễn Trãi. Đạo Phật từ Ấn Độ hay Trung Hoa vào ta thì thành ra phái Trúc Lâm. Chủ nghĩa Mác đến Việt Nam cũng cộng hưởng với những giá trị tinh thần truyền thống của người Việt. Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã nói rằng, chủ nghĩa Mác phải được bổ sung bằng giá trị văn hóa phương Đông. Tất nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai tổng kết cụ thể được hết những giá trị văn hóa phương Đông đã, đang và sẽ bổ sung cho chủ nghĩa Mác trong tâm thức của những người Cộng sản Việt Nam. Nhiều tác giả đã viết về chuyện này, nhưng theo tôi, vẫn chưa đủ sức thuyết phục...

Phải chăng chỉ thực tế rồi mới giúp chúng ta thấy rõ hết được diện mạo của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam được phát huy như thế nào để chúng ta có thể sử dụng như một vũ khí tinh thần hữu hiệu bảo vệ dân tộc mình, đất nước mình?

- Có thể thế... Tôi muốn nhấn mạnh một ý, trong điều kiện hiện nay, mình tất yếu phải hội nhập với thế giới, nhưng phải giữ được cốt cách riêng. Người ta thường thích và cần giao lưu với những gì khác với họ, không ai muốn giao lưu với cái bóng của chính mình. Và sẽ không có sự bình đẳng nếu mang cái bóng của họ đi giao lưu. Ngay cả khi mình tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại thì cũng phải tiếp thu một cách có chọn lọc, sao cho hợp thung hợp thổ nhất. Mà chúng ta đã tiếp thu nhiều điều như thế lắm. Chẳng hạn, cái câu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” thực ra là một tư tưởng được viết thành lời dưới thời Tổng thống Mỹ Lincoln, nhưng chúng ta tin rằng với bản chất của chế độ ta, tư tưởng đó mới có khả năng được thực hiện...

Nếu tôi nhớ không nhầm, đó là câu trích từ bài phát biểu của Abraham Lincoln tại Gettysburg năm 1863... Câu ấy như sau: “Một chính phủ của dân, do dân và vì dân sẽ không bị tiêu diệt khỏi trái đất này”. Nói của đáng tội, các Tổng thống đã nói được nhiều câu hay ho lắm. Ngay cả câu mà chúng ta bây giờ hay dùng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình, mà hãy tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc” cũng là khẩu ngữ của John Kennedy. Ông Tổng thống Mỹ đã bị ám sát này đã nói trong diễn văn nhậm chức ngày 20-1-1961: “Hỡi các bạn: Đừng hỏi đất nước có thể làm gì được cho các bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”... Tôi cũng muốn nhận xét thêm rằng, không phải cứ hễ nói ra được những câu hay ho là xây dựng được một bộ máy cầm quyền hay ho – bằng chứng là nước Mỹ cho tới nay vẫn còn vô số những căn bệnh trầm kha mà ngay cả những vị Tổng thống có nhiều câu danh ngôn như thế cũng không cải thiện được mấy. Nhưng thôi, đấy là chuyện của người Mỹ. Thực sự, tôi vẫn muốn hỏi ông rằng, theo ông, bây giờ người trí thức Việt Nam cần phát huy trong mình những phẩm chất cá nhân gì để có thể giúp được dân, giúp được nước một cách hữu hiệu trong bối cảnh nhiều luật chơi quốc tế hoàn toàn không giống như cách hình dung truyền thống của chúng ta? Tôi vẫn nghĩ rằng, người trí thức hôm nay không thể chỉ là người lập ngôn, mà còn phải là người đủ trí lực và sự khôn khéo để biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Kẻ sĩ thời hiện đại không chỉ sống như những tấm gương, mà phải biết “nhập thế” tự cứu mình, cứu được cả người. Có tài thì không thể nghèo, không thể để mình rơi vào cảnh “tài cao, phận thấp, chí khí uất”. Nhưng để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần sống theo nguyên tắc nào?

- Tôi thì vẫn quen tư duy về cái gọi là trách nhiệm của người quản lý. Tôi có đọc một tài liệu nói rằng, trên mộ vị Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson, một trong những tác giả của Tuyên ngôn Độc lập 1776, có người đã khắc dòng chữ: “Đây là người có tài dùng người tài”. Tiêu chí cao nhất để đánh giá một người lãnh đạo là khả năng sử dụng những người tài; một nhà lãnh đạo quốc gia giỏi là người quy tụ được nhiều nhân tài quanh mình.

Vậy làm thế nào để chúng ta có được người biết sử dụng đúng những người tài ngồi ở vị trí lãnh đạo? Toàn bộ xã hội chúng ta phải vận động theo hướng nào, theo cách nào để rốt cuộc, người có khả năng cao nhất trong việc sử dụng những người tài luôn luôn có thể ngồi ở vị trí lãnh đạo cao nhất? Hay là đành khoanh tay chờ thiên cơ?

- Người tài nào cũng có phần do bẩm sinh, do thiên phú, nhưng việc giáo dục, đào tạo rất quan trọng. Cho nên người lãnh đạo phải biết chọn lựa, bồi dưỡng những tài năng để họ ngày càng trưởng thành hơn, càng giúp ích được nhiều hơn cho sự nghiệp chung.

Mới đây tôi có đọc trên báo tin về việc có một tỉnh nào đó thưởng đồng loạt cho tất cả những ai có bằng tiến sĩ 40 triệu đồng. Thoạt nghe, thì cũng như là trọng dụng người tài, nhưng cách đối xử như vậy thực ra lại rất dễ dẫn tới bệnh hình thức. Ai cũng biết rằng, tiến sĩ thời nay đâu phải ai cũng danh như thực...

- Tại những tỉnh còn ít người có bằng cấp cao thì làm như thế cũng được, cũng là cần thiết lúc đầu. Nhưng không nên đánh đồng bằng cấp với tài năng thực sự. Và cũng không nên chỉ sử dụng những đòn bẩy vật chất để quy tụ tài năng. Cái mà người tài cần không phải chỉ là những bổng lộc hay những sự ưu tiên, ưu đãi. Người tài cần nhất là được thi thố tài năng, được cống hiến đúng tầm, đúng tâm và đúng sức. Công bằng đánh giá người tài và mạnh dạn dùng người tài thì sẽ có người tài thực sự. Nếu không tạo điều kiện cho người tài được làm việc đúng tầm, đúng nghĩa, thì sớm hay muộn họ cũng bỏ ta đi...

...“Như những dòng sông nhỏ...”, giống Trịnh Công Sơn từng hát...

- (Cười): Tôi xin kể một chuyện từng xảy ra với gia đình anh bạn. Anh ấy có một cô con gái. Năm ấy, cháu tham dự thi lấy học bổng sang học ở Pháp. Khi thi viết, cháu nó đạt điểm cao nhất. Tốp học sinh được chọn sẽ có 8 người, vậy là anh ấy cứ yên trí là kiểu gì con mình cũng sẽ được đi. Tuy nhiên, sau phần thi oral (vấn đáp), con anh đã bị loại. Dạo ấy, đời sống còn bao cấp, khó khăn lắm. Tuy nhiên, việc con không được đi học cũng không làm cho anh ấy buồn mấy, chỉ ngạc nhiên thôi. Tại sao một thí sinh đã đỗ đầu phần thi viết lại không thể lọt được vào tốp 8 người có đủ điểm để nhận học bổng? Chẳng lẽ phần thi vấn đáp lại quan trọng đến thế ư? Một lần, tiện mồm, anh kể cho một người bạn nghe chuyện. Người bạn cả cười: “Ông ơi, ông khờ quá? Thi vấn đáp đâu phải là cuộc thi dành cho học sinh, mà là dành cho... các ông bố thi uy tín, thi quan hệ!”. Thế đấy! Những chuyện như thế có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ nhỏ, làm chúng nhụt ý chí phấn đấu, tu dưỡng. Đi lên bằng “cái ô” thì học làm gì, phấn đấu làm gì! Nếu xã hội không có cơ chế đúng chọn đúng người tài thì rất dễ bị mất đi những người tài thực sự.

Theo ông, làm thế nào để có cơ chế ấy? Ai là người đứng ra làm nếu không phải là chúng ta? Hay chúng ta vẫn cứ tiếp tục thụ động trông vào lãnh đạo cấp trên hay một phép lạ nào đấy?

- Mà nói cho cùng, nếu một người thực sự tài năng thì kiểu gì họ vẫn làm được điều họ muốn, bất luận khó khăn trở ngại thế nào...

Đó chính là chân dung kẻ sĩ thời hiện đại?

- (Cười):...

Cách mạng, như người ta vẫn nói, là sự nghiệp của quần chúng. Làm thế nào để người dù không có nhiều tài vẫn có thể có đóng góp vào công việc chung, để vừa làm cách mạng vừa có thể mưu cầu hạnh phúc riêng cho bản thân mình?

- Phải giao quyền lực vừa đúng năng lực của từng người. Bác Hồ từng nhắc như thế. Mọi người đều quý người tài, nhưng người tài rất hiếm. Xã hội phải có người tài (là cái đỉnh), lại phải có mặt bằng dân trí cao thì mới có nguồn nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu phát triển…

Hồng Thanh Quang (thực hiện)