Ca Lê Hiến: Người thày và nhà thơ chiến sĩ
Ca Lê Hiến đã từ chối đi du học làm tiến sĩ... Ông đến với thơ và theo tiếng gọi của quê hương về Nam chiến đấu.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh (thứ 2 từ trái sang) chúc mừng Ca Lê Hiến (thứ 4 từ trái sang) trong Lễ trao giải cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ, 1961.
Tháng 10/1970, tôi thi đậu vào khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH & NV thuộc ĐHQG Hà Nội)... Một năm sau, năm 1971 cũng vào dịp thu, trong ngày “hội khoa” nhân Kỷ niệm 15 năm thành lập khoa Lịch sử (1956–1971) tình cờ tôi bắt gặp trên tấm pano khổ lớn treo trang trọng nơi chính diện hội trường hình ảnh một người thanh niên trẻ đẹp với mái tóc bồng bềnh, cổ quấn hờ chiếc khăn rằn nom thật Nam Bộ. Thày Nguyễn Văn Hồng bảo: “Thày Ca Lê Hiến đấy! Thầy hy sinh vừa trọn 3 năm”. Giọng thầy như nghẹn lại, rồi thày im lặng gỡ cặp kính ra lau...
Về sau, trong suốt gần 5 năm học, tiếp đến là công việc của một người làm báo, viết báo, hình ảnh về một người thày giáo trẻ cứ dần dần đẹp, dần dần nét trong tôi. Cho đến tận hôm nay, với tôi thời sinh viên đã trôi qua gần nửa thế kỷ nghĩ lại vẫn thầm cám ơn những năm tháng ấy – những năm tháng đã cho tôi đến với không chỉ có bốn thày “tứ trụ triều đình Lâm , Lê, Tấn, Vượng” (những nhà sử học hàng đầu: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng) mà còn cho tôi đến với một người thày, một nhà thơ, một nhà giáo anh hùng!
Các thầy giáo, những đồng nghiệp thuộc nhiều thế hệ của thày Hiến công tác trong khoa Sử bấy giờ như Đinh Xuân Lâm, Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Quốc Hùng, Hồ Gia Hường, Đỗ Quang Hưng… đã có nhiều dịp kể về thày. Ấy là những dịp hội khoa, hội trường, trong những lần đi sơ tán bom Mỹ, trong những chuyến điền dã dân tộc học, khảo cổ học, đôi khi là những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của sinh viên...
Thày Ca Lê Hiến, bút danh Lê Anh Xuân sinh ngày 5-6-1940 tại Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân sinh thày là giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, từng là Giám đốc Thư viện KHXH Việt Nam - một tên tuổi lớn nhưng thật gần gụi với thày trò chúng tôi. Các thành viên trong gia đình thầy như: nhạc sĩ Ca Lê Thuần, đạo diễn Ca Lê Hồng, họa sĩ Ca Lê Thắng... cũng chẳng xa lạ gì... Theo ba mẹ tập kết ra Bắc, thày học trường học sinh Miền Nam ở Hải Phòng, rồi lên Hà Nội học trường Phổ thông Trung học Nguyễn Trãi, tốt nghiệp cấp 3, thi đậu vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành sinh viên khoa Sử khóa 3 (1959 -1962).
Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi đó đóng tại địa điểm cũ của trường Sư phạm miền núi, liền với chùa Láng (nay là địa điểm của Học viện Quan hệ Quốc tế). Bấy giờ tất cả sinh viên dù có nhà ở Hà Nội và một số đông các thày giáo đều ở nội trú, dù là bậc đại học cũng chỉ học có 3 năm… Giáo sư Vũ Dương Ninh có lần nói "Nếu kể đến một người học trò cụ thể mà tôi nhớ nhất, đó là trường hợp Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân. Anh ấy học rất giỏi, thông minh và khiêm nhường".
Giáo sư Đinh Xuân Lâm nhớ lại: "Ngay từ những ngày đầu năm học 1959-1960, tôi đã chú ý tới một sinh viên trẻ măng, nét mặt thanh tú, nói năng nhẹ nhàng, vào học năm thứ nhất khoa Lịch sử. Đó là Ca Lê Hiến, học sinh trường miền Nam - mới thi đậu vào trường. Sau đó ít lâu, tôi lại được biết anh là con trai cụ Ca Văn Thỉnh - Giám đốc Thư viện KHXH, một vị trí thức có tên tuổi mà tôi đã nhiều lần được tiếp xúc và vô cùng cảm phục. Năm 1962, khi tôi công bố bài "Trung nghĩa ca" của Đoàn Hữu Trưng, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Dương Xuân năm 1866 ở Huế chống lại Tự Đức chủ hòa với thực dân Pháp, cụ Ca Văn Thỉnh đã vui lòng viết lời tựa cho cuốn sách, sau đó tôi đã được vinh dự viết chung với cụ cuốn: "Sài Gòn từ nguồn gốc tới 1945" do NXB Ngoại văn phát hành năm 1975”.
Năm thứ ba, năm cuối cùng của khóa học Giáo sư Đinh Xuân Lâm được phân công hướng dẫn Ca Lê Hiến làm luận văn tốt nghiệp, đề tài "Thái độ của sĩ phu yêu nước Nam kỳ trong những ngày đầu chống Pháp (1859-1873). Giáo sư Lâm nhớ lại: "Ngay từ việc chọn đề tài và sau đó qua nội dung luận văn, tôi nhận thấy rõ tình yêu quê hương, sự gắn bó ruột thịt, đồng thời cũng là một niềm tự hào mạnh mẽ của người sinh viên còn rất trẻ đối với miền Nam".
Theo PGS–TSKH Nguyễn Hải Kế, cựu sinh viên khóa 15, nguyên Chủ nhiệm khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội thì Luận văn này được thày Ca Lê Hiến hoàn thành vào ngày 15/5/1962 hiện được lưu trữ tại Khoa Lịch sử, Đại học KHXH & NV Hà Nội mang ký hiệu KL-CN 0015... và vẫn “còn tươi nguyên nét bút máy của thày và dòng nhận xét (bằng bút chì đỏ) của thày Đinh Xuân Lâm”!
Tốt nghiệp khoa Sử (tháng 6/1962), Ca Lê Hiến được giữ lại làm giảng viên Lịch sử thế giới, chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hoá Hy Lạp, La Mã, rồi được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài... Nhưng:
Quê hương đang nước sôi lửa bỏng
Lẽ nào ta lại sống bình yên!
Ca Lê Hiến đã từ chối đi du học làm tiến sĩ... Ông đến với thơ và theo tiếng gọi của quê hương về Nam chiến đấu.
Bài thơ Nhớ mưa quê hương của ông đã được giải Nhì cuộc thi thơ (1960-1961) - cùng với bài Quê hương của Giang Nam, do tạp chí Văn nghệ (tuần báo Văn nghệ hiện nay) tổ chức. Và tiếng gọi từ quê hương, từ chiến trường đã thôi thúc người thày giáo – nhà thơ lên đường, như câu thơ sau này ông viết khi đã về được Bến Tre quê nhà và Sài Gòn:
Cái vầng sáng bồi hồi thương nhớ ấy
Cứ đêm đêm lại thôi thúc gọi ta về
GS Ca Văn Thỉnh có 6 người con: Ca Lê Dân, Ca Lệ Du, Ca Lê Thuần, Ca Lê Hồng, Ca Lê Thắng, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân). Có những thời điểm cả gia đình ông, vợ chồng con cái cùng tham gia cách mạng… Trong số các người con của GS, có nhiều người chịu ảnh hưởng của ông đi theo con đường nghệ thuật. NSƯT Ca Lê Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) có lần kể : “Cha tôi vẫn dạy chúng tôi rằng, làm gì cũng được, phải yêu thích và say mê mới thành công... Ngày tôi lên đường đi học ở Liên Xô, ông đã viết rằng: “Sống như em Hiến, chị Ba/ Học như ong mật tìm hoa ngày ngày”. Anh chị em chúng tôi chịu nhiều ảnh hưởng của cha về nghệ thuật, về lối sống trung thực, tận tâm, giản dị”. Chúng tôi được biết trong những trang nhật ký của GS Ca Văn Thỉnh để lại còn ghi lại nhiều trăn trở, tâm tư và tình cảm của ông với các con, trong đó nhiều nhất là những cảm xúc với Ca Lê Hiến - người con trai đã hy sinh. Năm 1975, trở về Nam, khi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông đã xúc động: “Con ơi!/ Ba đã về rồi, ba chục năm xa cách/ Tân Sơn Nhất hiện lên “Dáng đứng Việt Nam”/ Hiện thân con. Máu xương xây đài chiến công lịch sử/ Tiếc thân tằm còn nặng nợ/ Không kịp nhả tơ mừng khúc khải hoàn ca!
Bà Ca Lê Hồng – chị gái nhà thơ - cho biết: “Năm 1964, Hiến vào Nam công tác và chiến đấu với tên mới là Lê Lan Xuân, ghép từ chữ Lê - Lê Hiến và Lan Xuân, tức Xuân Lan... Ðáng tiếc là ngày Hiến đi B, Xuân Lan ở Trung Quốc không về được khiến nỗi nhớ người yêu của Hiến càng thêm da diết, khắc khoải. Ðối mặt với bom đạn, biệt kích và cả những cơn sốt rét rừng, Lê Anh Xuân vẫn không thôi lo lắng cho người yêu. Hiến viết thơ xin ba má, chị Ca Lê Hồng thương yêu, chăm sóc cho Xuân Lan, đừng để cô ấy cảm thấy cô đơn. Hiến nhờ tôi giữ giùm một số đồ đạc, vật dụng và dặn dò nhận giúp tiền nhuận bút tập thơ Tiếng gà gáy chia cho mấy đứa cháu. Tôi đang học đạo diễn bên Liên Xô thì nhận được tin Hiến hy sinh. Trong số những kỷ vật được nhà thơ Bảo Ðịnh Giang bảo quản và trao tận tay gia đình có cuốn nhật ký được cất cẩn thận trong chiếc ba lô mà Hiến mang theo trong lần thâm nhập thực tế chiến trường ven đô Sài Gòn”.
Cuốn nhật ký được nhà văn Lê Văn Thảo tìm thấy và đem về giao lại cho bộ phận văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục cất giữ, ông cũng là người đã trực tiếp chôn cất Lê Anh Xuân và sau ngày miền Nam giải phóng đã đưa gia đình nhà thơ đến nơi để cải táng di cốt nhà thơ về nghĩa trang liệt sĩ.
Tôi được biết, cuốn nhật ký và các bản ghi chép của Ca Lê Hiến đã được UBND tỉnh Bến Tre xin đem về trưng bày ở Bảo tàng của tỉnh nhằm ghi nhận sự đóng góp của một người con với quê hương.
Nhà thơ Lê Anh Xuân, tác giả các tập thơ Tiếng gà gáy, Hoa dừa, trường ca Nguyễn Văn Trỗi… hy sinh ngày 24/5/1968 tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân khi vừa tròn 28 tuổi. Trước khi hy sinh, ông đã viết bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” nổi tiếng… Năm 2001, nhà thơ Lê Anh Xuân được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và vào năm 2011, được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
… Và tên ông - nhà giáo Ca Lê Hiến, nhà thơ Lê Anh Xuân cũng được gắn với một tên đường, tên trường ở TP HCM và Bến Tre quê hương ông.