Nghệ thuật trang trí  trên trang phục của người Dao đỏ

Hứa Nhi 29/10/2019 14:41

Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất, đồng bào Dao đỏ ở Tuyên Quang đã gìn giữ, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và riêng biệt về văn hóa của người Dao đỏ là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí trên trang phục.

Nghệ thuật trang trí  trên trang phục của người Dao đỏ

Phụ nữ dân tộc Dao thôn Bản Lục, xã Đà Vị khâu trang phục truyền thống. (Ảnh: Minh Hoa).

Đồng bào người Dao ở Tuyên Quang hiện có khoảng 90.600 người; trong đó, người Dao đỏ sống tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Phú, Sinh Long, Năng Khả… của huyện Na Hang và xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở Tuyên Quang có từ lâu đời, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể. Người Dao đỏ đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình nếp sống cộng đồng thông qua nghệ thuật trang trí tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mỹ dân gian, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Bà con quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống, ngoài ra còn mang thêm năng lượng, sức sống và hơi ấm cho núi rừng nên màu đỏ giữ vai trò chủ đạo trong từng bộ trang phục. Người Dao đỏ thường dùng vải lanh nhuộm chàm để may trang phục.

Các chuyên gia văn hóa dân gian chỉ ra, hoa văn trang trí trên bộ trang phục của người Dao đỏ đặc sắc, chủ yếu là những họa tiết hoa văn thường thấy trong sinh hoạt hàng ngày: Cỏ cây, hoa lá, động vật… chính những hình ảnh này tạo nên sắc thái của người Dao đỏ. Tất cả các họa tiết hoa văn trong bộ trang phục của người Dao đỏ đều được thêu bằng trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao đỏ mà không hề có bản vẽ, và mẫu nào. Các họa tiết hoa văn thường được thêu ở gấu áo, quần, khăn của người Dao đỏ trên nền vải chàm với kỹ thuật vẽ bằng sáp ong rất đặc trưng của người Dao.

Qua nghiên cứu, nhiều ý kiến cho rằng, trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ là một trong những trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Tuyên Quang. Trang trí trang phục là sản phẩm của nghệ thuật và kỹ thuật được thể hiện qua từng yếu tố cấu thành nên bộ trang phục, như: Áo, quần, dây lưng, khăn...

Tuy nhiên, những người am hiểu về văn hóa dân tộc Dao đỏ cho rằng, trong bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ thì chiếc áo dài màu đen hoặc màu chàm quan trọng nhất. Điều này xuất phát từ phong tục phụ nữ Dao đỏ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Do vậy, bà con thường thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt, 2 đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ sặc sỡ. Gắn liền với những chiếc áo dài, phụ nữ Dao đỏ mặc những áo bên trong, giống như những cái yếm để che kín phần ngực và bụng. Mỗi thân áo được đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc phía sau lưng…

Nghệ thuật trang trí  trên trang phục của người Dao đỏ - 1

Lễ đón nhận Bằng công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có thể nói, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ là nguồn sử liệu quý giá, phản ánh muôn mặt đời sống vật chất và tinh thần của tộc người Dao đỏ trên mảnh đất Tuyên Quang.

Lâu nay, đồng bào dân tộc Dao đỏ luôn tự hào về trang phục truyền thống của tộc người mình. Hiện nay, tại các bản làng nơi đồng bào Dao đỏ sinh sống, nhiều phụ nữ vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình.

Với người con gái dân tộc Dao đỏ, mỗi một họa tiết trên bộ trang phục truyền thống không những cần tới sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ mà ẩn sâu trong đó còn thể hiện những tâm tư, tình cảm, nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng đặc trưng cho tộc người.​

Bên cạnh đó, các bà, các mẹ vẫn luôn truyền dạy kinh nghiệm may, thêu trang phục lại cho các thế hệ trẻ, qua đó vừa thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Dao, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chính nhờ điều này, trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang đã không bị đứt đoạn, và thực sự trở thành những thành tố quan trọng và cấu thành nên văn hóa của người Dao đỏ. Các mô típ hoa văn được trang trí vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng.

Mới đây, ngày 12/10, tại thôn Phiêng Bung, xã Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Na Hang tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ; Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch huyện Na Hang.

Việc nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh di sản; đồng thời góp phần cổ vũ, tuyên truyền, khôi phục các giá trị tốt đẹp về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Na Hang nói riêng.

Hứa Nhi