Chung tay giúp dân thoát nghèo

Nguyễn Văn Quyết 28/10/2019 14:53

Mới đây, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa (tỉnh Ðiện Biên) đã phối hợp với Chương trình Phát triển vùng Tủa Chùa tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho 109 gia đình dân tộc Mông thuộc 17 điểm bản của 4 xã thuộc huyện Tủa Chùa, gồm: Sính Phình, Mường Báng, Xá Nhè và Tủa Thàng.

Chung tay giúp dân thoát nghèo

Cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa (Điện Biên) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và bảo vệ cây.

Trong chương trình tập huấn, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc 4 loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, là: chanh leo, mít Thái Lan, ổi Ðài Loan (Trung Quốc) và cây bơ sáp. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Tủa Chùa, 100% số hộ dân tham gia tập huấn có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Được biết, Trạm đã cấp gần 1.000 cây giống để các hộ gia đình trồng thử nghiệm và từng bước chuyển đổi cây trồng cho giá trị cao.

Đây thực sự là một phương thức rất tốt giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo. Trước đó, việc bà con trồng, chăm sóc những cây có sẵn ở địa phương theo lối phân tán, giá trị kinh tế không cao. Còn với cách hướng dẫn trồng mới, chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận cao.

Thực tế cho thấy, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà con khá lúng túng khi chọn trồng cây gì, nuôi con gì để có được lợi nhuận cao. Vì vậy, việc cơ quan chức năng ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương giúp người dân, từ việc định hướng, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu… là rất cần thiết.

Giữa tháng 8 vừa qua, tại Nhà Dài dân tộc Chơ Ro, ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi giống dê Bách Thảo và vận động người dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thuộc dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là việc làm rất thiết thực. Tại đây, 41 hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) và bà con đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’Tiêng ấp 4 (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) được nghe phổ biến công tác bảo vệ môi trường và hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, làm chuồng cùng các biện pháp chủ động phòng bệnh trong chăn nuôi giống dê Bách Thảo.

Đặc biệt, một chủ trang trại dê giống Thanh Nhàn (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) - người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con, cũng đã cam kết thu mua 100% dê của các hộ tham gia Đề án hỗ trợ nuôi dê vượt nghèo.

Còn tại tỉnh Phú Thọ, nhiều năm qua việc cán bộ kỹ thuật nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con vùng kinh tế - xã hội khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi cũng đã đem lại nhiều thành tựu. Ví dụ như tại huyện Yên Lập, chính quyền xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao kết hợp đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, lúa nếp Gà gáy, chè an toàn. Có được nét khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như hôm nay, huyện Yên Lập còn thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ cây con giống, vật tư, máy móc nông nghiệp cho người dân. Trong giai đoạn 2014-2019, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho gần 5.000 hộ dân các loại cây, con giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trên 3.200 hộ được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất…

Nguyễn Văn Quyết